Những bài học về sự “tham lam” của Công Nghệ Thông Tin Việt

Ideas for eco–commerce ◄ Thư viện các ý tưởng, giải pháp cho nên kinh tế tri thức, nền thương mại điện tử, chứng khoáng, toàn cầu hóa...Chia sẽ những ý tưởng gồm cả tưởng củ (kinh nghiệm) và mới của bạn

Những bài học về sự “tham lam” của Công Nghệ Thông Tin Việt

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 26 Tháng 7 2007, 23:19

Lòng tham là vô đáy.

Tuần vừa rồi có một sự kiện mà ai cũng biết (dù không phải ai cũng quan tâm về ý nghĩa thật sự của nó): Bill Gates đến thăm Việt Nam. Ai cũng biết Bill Gates là người giàu nhất thế giới và có vẻ như rất nhiều người trong chúng ta chỉ quan tâm đến "điểm mấu chốt" này. Người Việt Nam rất "thông minh", đã không bỏ lỡ cơ hội này để "xin xỏ". Điều này không có gì sai - và sẽ là "ngu ngốc" nếu chúng ta không biết tận dụng cơ hội này - nhưng cái cách mà chúng ta "xin" thì thật là nực cười… Bài viết sẽ điểm lại những bài học mà chúng ta cần ghi nhận từ sự kiện này.



Trước khi bắt đầu, bạn hãy đọc bài viết "Bill Gates: Microsoft sẽ hỗ trợ VN phát triển CNTT nếu…" trên VietnamNet và thử tự mình suy nghĩ về những gì Bill Gates nói.

Chú ý: Vì một lý do nào đó bên VietnamNet đã gỡ bài báo trên xuống không lâu sau khi tớ gửi bài này lên. Rất cám ơn bạn Rosatyan đã chia sẽ một bản lưu khác của bài viết này mà các bạn có thể đọc tại đây.

Từ nội dung bài viết, tớ tổng hợp lại những gì chúng ta "xin":

Quỹ hỗ trợ ICT Microsoft: chính phủ VN sẽ chấp nhận "mua" bản quyền cho tất cả các phần mềm của Microsoft sử dụng trong các cơ quan nhà nước. Chỉ cần Microsoft "trả lại" khoảng 80-90% số tiền đó vào một quỹ có tên là "Quỹ hỗ trợ ICT Microsoft". Đề nghị họ giúp chúng ta xây dựng dự án Chính phủ điện tử.
(Đề nghị + Hi vọng) Microsoft sẽ đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Việt Nam
"Khôn + Tham = Ngu"

Đó là ý nghĩ đầu tiên của tớ khi đọc đề nghị đầu tiên của chúng ta trong bài báo. Trước hết, "khôn" vì đã nghĩ ra kế hoạch này. Mục đích chính của MS trong chuyến đi lần này của Bill Gates là để tìm lối thoát cho hiện tượng sử dụng phần mềm lậu ở Việt Nam mà mở đầu là họ muốn chính phủ VN sẽ làm gương trước.

Nhiều tờ báo đã "lạc quan" mà phân tích rằng rằng chuyến thăm của Bill Gates đến Việt Nam lần này là vì chúng ta đã và đang trở thành một tiêu điểm trên bản đồ Công Nghệ Thông Tin (CNTT) thế giới. Có vẻ như chúng ta "khiêm tốn" quá. Chúng ta đã là một tiêu điểm từ rất lâu rồi chứ không phải chỉ mới gần đây. Đáng buồn là chúng ta trở thành điểm nóng từ thực tế tình trạng sử dùng phần mềm lậu vô tội vạ - đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc - theo báo cáo tổng hợp về tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam năm 2005 của tổ chức Tài sản Trí Tuệ Thế Giới IIPA - International Intellectual Property Alliance, - "nóng" đến mức mà đích thân chủ tịch Microsoft phải làm một chuyến đến Việt Nam để tìm giải pháp (bởi có lẽ Microsoft là người chịu thiệt hại nhiều nhất). Đó mới là lí do thật sự của chuyến đi.

Tớ tổng hợp lại những gì diễn ra trong và sau sự kiện này:

Một đề nghị như vậy chắc chắn sẽ làm Microsoft hài lòng. Ngay ngày hôm sau, báo chí trong giới công nghệ khắp nơi sẽ đăng tin này với cái tên Việt Nam trong đó (lần này là một cái gì đó có ý nghĩa tốt). Cái tên VN tự nhiên trở được sự chú ý của các công ty khác như Adobe, Apple vốn trước đây không dám đầu tư vào Việt Nam vì tình trạng xài lậu bởi họ thấy được kết quả của Microsoft. Thế là nối tiếp nhau, chủ tịch các công ty này đến Việt Nam để thương thảo…

Về phần Microsoft, họ tất nhiên cũng muốn lấy Việt Nam làm gương cho các nước khác. Microsoft liên tục "tặng" cho Việt Nam những khoảng đầu tư vào các chương trình phát triển CNTT như là một lời "cám ơn", và để cho các nước khác thấy được lợi ích của việc sử dụng phần mềm có bản quyền. Thế là chúng ta chỉ cần bắn một mũi tên là đã đạt được cả 2 mục tiêu còn lại.

Những điều trên có thể sẽ thành sự thật, nếu chúng ta không quá "tham" đến mức "ngu".
Tớ thật sự không biết đầu óc mấy ông quản lý để ở đâu khi gợi ý con số 80 - 90% - tỉ lệ mà chúng ta "đề nghị" Microsoft sẽ "cho lại" Việt Nam như một khoảng "viện trợ" cho chương trình ICT. Không chỉ việc một người giỏi kinh doanh như Bill Gates, một công ty luôn lấy lợi nhuận làm tiêu chí đầu tiên như Microsoft, chắc chắn sẽ không đồng ý với đề xuất này, mà tớ tự hỏi liệu bản thân những người nghĩ ra những con số này có thấy nó hợp lý hay không. Một người dù không có đầu óc kinh doanh như tớ mà còn thấy con số này là cực kỳ vô lý thì tự hỏi làm sao một người như Bill Gates lại có thể thấy con số này mà không cười thầm trong đầu.

Câu trả lời của Microsoft có lẽ cũng chẳng có gì đáng để ngạc nhiên:

"Ý tưởng về quỹ, theo tôi [là tốt] - không có vấn đề gì. Nhưng tỷ lệ [phần trăm] cụ thể về tiền mặt mà chúng tôi có thể trích khỏi doanh thu phần mềm cho những dự án kiểu như thế này chỉ nhiều hơn 10% một chút. Nếu nhiều hơn thế, lợi nhuận của tập đoàn Microsoft sẽ bị ảnh hưởng."

"Thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt, chúng tôi muốn hỗ trợ cho việc phát triển chương tình CNTT quốc gia Việt Nam bằng việc tài trợ phần mềm, có giá trị rất lớn. Chúng tôi cũng có thể hỗ trợ cho các điểm bưu điện văn hoá ở các cộng đồng dân cư. Khi ấy. sự hỗ trợ này sẽ mang lại những hiệu quả cao hơn. Chúng tôi rất vui mừng khi nhìn thấy ý tưởng này, và chúng tôi có thể sẽ thực hiện nó trong vòng vài tháng tới."
Chúng ta phải "cám ơn" Bill Gates là ông ta đã không đập bàn để chỉ ra cái sự tham lam vô lý của chúng ta. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy chúng ta đã "ngu" khi đưa ra kế hoạch này, bởi nếu nó hay thì hẳn Bill Gates đã "đập bàn quát tháo" - một cử chỉ của Bill Gates khi ông thật sự thích một ý tưởng nào đó (theo những gì người ta kể lại trong các cuốn sách về ông). Mặt khác, chúng ta có thể thấy được hai điều từ câu trả lời này:

Đề nghị của chúng ta chẳng khác nào đề nghị Microsoft cho không phần mềm của họ cho các cơ quan chính phủ của ta. Nói cách khác, cách làm này chẳng khác nào chúng ta tự bỏ vốn "một cách gián tiếp" ra để phát triển chương trình ICT (chẳng qua là nó chạy "lòng vòng" một chút) và đồng thời lại có một đống phần mềm có bản quyền để xài cho chính phủ. Đầu óc như Bill Gates nhanh chóng nhận ra điều này và nhanh chóng "vạch mặt" ("Thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt … có giá trị rất lớn")
Cái đầu óc của mấy ông ở Việt Nam vẫn không thể rạch ròi trong chuyện làm ăn. Nguyên tắc của người phương Tây: làm ăn là làm ăn - phải sòng phẳng. Chuyện giúp đỡ là chuyện khác.
Một chi tiết khác mà tớ để ý từ một bức ảnh đăng trong bài viết trên VietnamNet. Đây là một chi tiết rất, rất nhỏ, nhưng từ góc nhìn của tớ cũng thể hiện sự thiếu cẩn trọng và "biết điều" từ phía Việt Nam. Bức ảnh (xem ở dưới) cho thấy trang đầu tiên của bài giới thiệu mà chúng ta chiếu cho Bill Gates xem. Tiêu đề của nó là "Microsoft and ICT Development in VietNam". Từ góc nhìn của tớ, tiêu đề này sẽ phù hợp hơn nếu đây là một bài giới thiệu của Microsoft về những dự định của họ để giúp chúng ta. Không biết các bạn cảm thấy thế nào, nhưng cái tiêu đề này tạo cho tớ cảm giác chúng ta tự ý gắn đối tác vào vị trí phải trợ giúp chúng ta. Tuy tớ không có cơ hội để biết cụ thể tất cả những "slide" trong buổi giới thiệu này, tớ đoán là chúng ta có ý muốn giới thiệu cho Microsoft những kế hoạch / dự án của chúng ta và gợi ý về vai trò của Microsoft trong kế hoạch đó (với hi vọng Bill Gates sẽ thấy nó có lý và đồng ý giúp đỡ - điều mà hiễn nhiên đã không xảy ra như tớ giải thích trong phần cuối của bài viết).

Hình ảnh

Tóm tắt từ sự kiện này là:

Chỉ chú trọng vào những gì chúng ta muốn từ họ mà không cần biết mục đích của "đối phương" trong cuộc thương thảo (thay vào đó là ảo tưởng về những gì không đúng)
Đặt ra những yêu cầu phi thực tế (từ vị trí hiện tại của chúng ta)
Thiếu chú ý đến những chi tiết nhỏ trong kế hoạch
Những điểm trên theo tớ là nguyên nhân chính khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội này. Nói theo một cách nào đó, có thể xem sự kiện này là một thất bại đối với cả hai bên. Về phía Microsoft, họ không đạt được một tiến triển cụ thể nào về vấn đề mà họ quan tâm (trừ một lời hứa của chính phủ mà tớ tin rằng bản thân họ cũng chưa tin tưởng lắm). Điều này dẫn đến hậu quả tiếp theo là chúng ta không đạt được bất kỳ một cam kết nào trong dịp này, mà cũng chẳng thể hi vọng vào một cam kết nào trong tương lai gần - điều mà chúng ta có thể hi vọng nếu biết "nhượng bộ" chút xíu trong dịp này bởi đâu dễ gì có dịp chủ tịch tập đoàn Microsoft sang đây. Điều này thể hiện trong câu trả lời thể hiện rõ vị trí của Microsoft:

"Chúng ta có thể hiểu đơn giản thế này: Tôi tin rằng nếu chính phủ Việt Nam chịu trả một số tiền nhất định để mua bản quyền của các phần mềm, khi ấy chúng ta sẽ có thể đạt được các thoả thuận và cam kết song phương, tìm kiếm đối tác trong outsourcing hay xây dựng các trung tâm sáng tạo chẳng hạn. Hiện chúng ta sẽ có trung tâm sáng tạo của Microsoft ở TP HCM, cái thứ hai sẽ ở HN và cái thứ 3 ở đâu đó."
Chỉ có một cách để hiểu: chúng ta phải nhượng bộ trước (trong trường hợp này, "nhượng bộ" nghĩa là chúng ta phải làm trước: mua bản quyền cho tất cả các sản phẩm của Microsoft cho các cơ quan trực thuộc chính phủ). Tất nhiên, nhiều người sẽ lập luận rằng như vậy chúng ta sẽ lép vế trong quá trình thương lượng sau này (tức tạo tiền lệ cho Microsoft đặt ra điều kiện trước). Tuy nhiên, theo tớ, trường hợp này là hoàn toàn khác. Thứ nhất, rõ ràng hiện tại vị thế của chúng ta không cho phép chúng ta thảo luận sòng phẳng với MS. Chúng ta đang bị xem là "làm sai" (sử dụng phần mềm lậu). Chúng ta cũng chẳng có một thế mạnh gì mà Microsoft thật sự cần (lực lượng sinh viên IT của chúng ta không đông như Trung Quốc, mà mặt bằng chung về chất lượng cũng chẳng bằng Ấn Độ). Thứ hai, việc nhượng bộ tại thời điểm này không hẳn là xấu. Hãy xem đó như là một khoảng đầu chiến lược lâu dài. Cái lợi trước mắt nhân của việc làm này là chúng ta sẽ có sự hỗ trợ chính thửc từ phía Microsoft trong việc ứng dụng và sử dụng các sản phẩm của Microsoft ở các cơ quan chính phủ (và ai biết được, có thể từ việc này MS cũng sẽ hỗ trợ chúng ta xây dựng chính phủ điện tử như ước muốn của chúng ta). Cái lợi thứ hai khó thấy hơn: đây sẽ là bước đầu tiên để đưa nền công nghiệp phần mềm trong nước phát triển thông qua việc làm gương cho các cơ quan doanh nghiệp khác có thói quen sử dụng phần mềm hợp pháp.

Tham + Nóng vội = Thất bại

Có một nhận định của Bill Gates mà tớ rất tâm đắc - đó là nhìn nhận của ông về nền công nghiệp phần mềm của Malaysia:

"Tuy Malaysia sở hữu công viên phần mềm trông hoành tráng nhất thế giới, song họ lại hoàn toàn thất bại. Đó là vì họ chỉ hái quả từ ngọn mà không chịu đầu tư cho các tài năng từ gốc."
Tớ không biết những người làm về CNTT sẽ nghĩ gì về bình luận này và cũng chẳng biết mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ Malaysia với MS như thế nào, và làm thế nào Malaysia sẽ thay đổi hình ảnh của họ trong mắt người đứng đầu Microsoft (đây rõ ràng có thể xem là một thất bại toàn diện của những nỗ lực của Malaysia). Điều mà tớ quan tâm ở đây là chúng ta nên tránh những thất bại tương tự - điều mà tớ lo sợ là đã và đang xảy ra.

Một nhận định của Bill Gates như là một lời cảnh báo:

"Tôi biết thời gian không có nhiều, nên tôi muốn đi thẳng vào vấn đề. Thay vì 3 vấn đề lớn đã vạch ra trong kế hoạch về chính phủ điện tử v…v, chúng ta sẽ thảo luận những vấn đề nhỏ hơn, đơn giản nhất. Đó là vấn đề thứ nhất".
Một cú đánh thẳng vào những người thực hiện buổi giới thiệu hôm đó (có lẽ chúng ta trước đó vì muốn tạo ấn tượng về những kế hoạch của mình đã chú trọng nhiều đến dự án này giới thiệu cho Bill Gates).

Việc chúng ta đi lệch hướng thể hiện ở cả hai khía cạnh: từ chiến lược của cả một nền công nghiệp cho đến tham vọng của từng cá nhân.

Trước hết là từ chiến lược của cả một ngành công nghiệp.

Nếu như tớ nhớ không nhầm thì cái kế hoạch xây dựng một chính phủ điện tử đã bắt đầu cách đây 6, 7 năm - từ lúc tớ còn đang học lớp 10 ở Việt Nam. Lúc đó tớ chỉ mới bắt đầu biết về máy tính (lúc mà việc biết cách tạo ra một trang web tĩnh đã là một "sự kiện" :D ) và vẫn còn say mê đọc ngấu nghiến báo PCWORLD VN không sót một chữ. Nếu như tớ nhớ không nhầm thì ý tưởng về một chính phủ điện tử của chúng ta là: mọi thứ sẽ được xử lý và lưu trữ trên một mạng máy tính xuyên suốt cả nước. Mọi người dân sẽ có thể tiếp cận đến tất cả các dịch vụ của các cơ quan nhà nước thông qua mạng này.

Ý tưởng này quả thật là một điều đáng để mơ ước và phấn đấu để đạt được. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, tớ cũng đã đặt câu hỏi liệu kế hoạch này có thực tiễn. Thực tế hôm nay đã cho thấy chúng ta đã thất bại trong kế hoạch đó. Đã vậy, chúng ta vẫn không rút ra được bất cứ điều gì mà lại tiếp tục chuẩn bị một đợt thử nghiệm kế tiếp.

Vấn đề là gì? Chúng ta đã quá nóng vội muốn đạt được tham vọng của mình mà quên đi rằng cần phải đi từng bước. Thử nhìn lại đã có bao nhiêu nước có được cái gọi là "chính phủ điện tử"? Ngay cả ở Canada, cái gọi là "chính phủ điện tử" cũng chưa thật sự hoàn chỉnh dù rằng họ đã có được mọi thứ họ cần: hạ tầng mạng, tỉ lệ sử dụng Internet của người dân… Vậy làm sao VN hi vọng bắt đầu chiến lược của mình khi mà bản thân các cơ quan chính phủ vẫn còn đang trong tình trạng "sử dụng giấy tờ là chính" như hiện tại? Làm sao có thể nhờ sự trợ giúp từ những công ty cung cấp giải pháp công nghệ lớn (điều mà chúng ta không thể tránh khỏi) khi mà chúng ta vẫn sử dụng phần mềm lậu tại những cơ quan này?

Nhiều người cho rằng chúng ta không nhất thiết phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của các công ty như Microsoft mà thay vào đó hãy sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Từ góc nhìn của tớ, ý tưởng này là không thực tế. Thứ nhất, tuy phần mềm mã nguồn mở miễn phí, chúng ta vẫn phải trả một khoảng tiền rất lớn cho sự hỗ trợ của các công ty lớn khác như RedHat. Thứ hai, đó là chưa kể đến chi phí đào tạo, hướng dẫn sử dụng, tự phát triển các giải pháp của mình,…

Một cái nhìn tổng quát về những khía cạnh của kế hoạch này có lẽ không thể liệt kê hết ở đây và tớ cũng chưa có đủ trình độ để có một bài viết như vậy, nhưng điều quan trọng ở đây chính là bình luận của Bill Gates về những tham vọng của chúng ta: "chúng ta sẽ thảo luận những vấn đề nhỏ hơn, đơn giản nhất. Đó là vấn đề thứ nhất."

Tham vọng của những cá nhân

Điều tớ rất lấy làm đáng tiếc khi theo dõi các bài viết trước và trong sự kiện Bill Gates đến thăm Việt Nam là hầu hết các bạn sinh viên CNTT ở Việt Nam khi nhắc đến Bill Gates đều chỉ biết đến thành công về mặt kinh tế của Bill Gates nói riêng và Microsoft nói chung (báo chí cũng góp một phần lớn tạo nên góc nhìn này). Tham vọng của họ là có được thành công tương tự như Bill Gates: giàu có.

Sẽ thật sai lầm nếu bạn nghĩ rằng Bill Gates và bạn của ông là Paul Allen tại thời điểm khi họ thành lập Microsoft là chỉ hướng đến mục tiêu là sự giàu có. Như cả hai người sau này nhắc lại về những ngày tháng đó, lúc đó họ làm việc còn là vì niềm vui để thách thức nhau viết ra những đoạn mã hoàn hảo, xem ai thông minh hơn ai. Từng bước, từng bước, họ mới có được công ty Microsoft như ngày nay.

Việc nhìn thấy thành công của người khác và xác định mục tiêu là để có được thành công như họ mà không có những chiến lược ngắn hạn sẽ khiến tham vọng đó hoàn toàn không có cơ sở. Tớ tự hỏi sẽ có bao nhiêu bạn vẫn giữ tham vọng đó sau sự kiện này?

Lời cuối

Bill Gates cũng là thần tượng của tớ (ở VN, trên bàn tớ là một bức ảnh của Bill Gates và tớ đã đọc tất cả những cuốn sách nói về ông). Lúc đầu tớ cũng chỉ hướng đến cái thành công như của Bill Gates, nhưng càng về sau tớ càng nhận ra rằng điều đó có thể là không tưởng. Điều mà tớ quan tâm lúc này là, học Bill Gates, nhưng tạm quên đi thành công của ông. Thay vào đó, chú trọng vào những gì mình đang làm và tận hưởng niềm vui trong quá trình đó…

Sự kiện Bill Gates tất nhiên cũng có mặt tích cực của nó đối với CNTT Việt Nam (ít ra đó cũng là một sự kiện đáng nhớ). Tuy nhiên, điều tớ muốn ghi nhận từ sự kiện này không chỉ là ở những gì người ta thấy từ bên ngoài. Có thể tớ hơi "nhiều chuyện" - nhưng đôi khi nhiều chuyện lại là điều cần thiết. Không đạt được gì cụ thể thì ít ra chúng ta phải rút ra được cái gì đó từ sự kiện này để học tập, chứ không phải chỉ để nói "tớ đã từng được thấy tận mắt Bill Gates - người giàu nhất hành tinh". Điều đó quá ít ỏi để có thể khoe.

Còn góc nhìn của bạn về sự kiện này như thế nào? Hãy chia sẽ với mọi người…
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về Ý tưởng về Kinh tế

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến14 khách


cron