Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Dịch vụ quản lý thanh danh trên Internet

Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 6 2013, 22:19
gửi bởi vuongtieugiang
Trên mạng Internet, tai tiếng của một công ty hay một cá nhân có thể tồn tại mãi mãi và gây hại; do đó, một dịch vụ mới đã ra đời.
Điều đáng sợ nhất đối với một doanh nghiệp là chỉ một vết nhơ, như một lời chê ác ý của khách hàng, nhận xét tiêu cực của nhân viên cũ hay những bài báo bất lợi, lại có thể tồn tại nhiều năm. Tai hại hơn, nó cứ lặp đi lặp lại mỗi khi có ai đó muốn tìm kiếm thông tin về công ty này trên mạng.

Những lời chê nằm trong top 10 kết quả tìm kiếm trực tuyến của Google có thể có sức tàn phá nặng nề đến uy tín, hình ảnh thương hiệu hay việc làm ăn của công ty dù có khi đó chỉ là một nhận xét vô tình không chính xác hoặc cố ý “dìm hàng”. Không chỉ đối với doanh nghiệp, chuyện này cũng xảy đến với các cá nhân.


Chủ tịch điều hành Eric Schmidt của Google dự báo quản lý danh tiếng trên mạng sẽ phát triển.

Nhu cầu “dọn dẹp” hình ảnh của mình trên Internet được dự báo sẽ bùng nổ. Báo Guardian cho biết trong cuộc khủng hoảng Phố Wall (Mỹ) năm 2008, các chủ ngân hàng đã phải chi đến 10.000 USD/tháng để giữ cho mình sạch sẽ trên mạng. Trang Reputation.com, một trang mạng chuyên về dịch vụ sửa chữa hình ảnh trực tuyến, cũng cho biết họ có hơn 1 triệu khách hàng ở 100 quốc gia và thu phí quản lý thanh danh gần 2.000 USD/ người.

Dọn dẹp hình ảnh

Trong cuốn sách Thời đại số mới, chủ tịch điều hành Eric Schmidt của Google dự đoán trong tương lai việc sử dụng dịch vụ quản lý hình ảnh cá nhân trực tuyến sẽ là “chuyện bình thường đối với những người nổi tiếng hoặc muốn trở thành nổi tiếng”.

Giám đốc Simon Wadsworth của công ty Igniyte, một công ty quản lý danh tiếng trực tuyến tại Anh, cho biết ý tưởng kinh doanh dịch vụ lạ lùng này đến với ông cách đây gần hai năm khi còn làm tư vấn tiếp thị số. Một công ty khách hàng đang đau đầu vì kết quả tìm kiếm tên của công ty này cứ luôn dẫn đến nhiều trang blog xấu. Công ty này đã hỏi Wadsworth là liệu họ có thể làm gì để giải quyết rắc rối này. Ngày nay, quản lý danh tiếng chiếm hầu như toàn bộ hoạt động của Igniyte. Ban đầu họ chỉ giúp các công ty nhưng sau này 60 - 70% khách hàng của công ty là các cá nhân.

Wadsworth cho biết khách hàng tìm đến Igniyte thuộc đủ loại từ quản lý cấp cao, chuyên gia y tế, diễn viên, phát thanh viên, chính trị gia..., thậm chí, như ông tiết lộ trên báo Guardian. “Tôi cũng nhận được điện thoại từ những người vừa mới ra tù!”. Nhưng thông thường khách hàng của công ty có thể là một cựu quan chức sở y tế quốc gia từng vướng vào bê bối chi tiêu nay không muốn tên mình cứ bị lôi ra khi có người tìm kiếm, hay một nữ diễn viên muốn xóa bỏ những bức ảnh của thời tuổi trẻ nông nổi cứ bị lan truyền trên mạng...

Tự do thông tin hay quyền riêng tư?

Những dịch vụ như của Igniyte nở rộ do nhiều người lo ngại thông tin cá nhân của họ có thể được tìm thấy trên mạng mà họ lại chỉ có thể yêu cầu gỡ xuống những thông tin sai sự thật mà thôi. Đây cũng chính là điều đang được bàn cãi liên quan đến “quyền được lãng quên” được nêu ra gần đây trong quy định về bảo vệ thông tin của Ủy ban châu Âu, dự kiến được hoàn tất trước năm 2014.

Bộ quy định mới này sẽ đưa ra những điều khoản dành cho mạng xã hội, các công ty như Google, Facebook. Theo đó, nó cho phép người dùng yêu cầu xóa bỏ thông tin về mình trên các trang web và ngăn chặn các trang khác dẫn lại hoặc đăng lại những nội dung đó. Một trong những lo ngại của các lãnh đạo châu Âu là những bình luận hay hình ảnh đăng tải bởi hoặc về trẻ em có thể đeo bám những đứa trẻ suốt đời.

Như trường hợp của cô gái trẻ người Anh Paris Brown mới đây được chọn là ủy viên tội phạm và cảnh sát tuổi trẻ đầu tiên của nước này. Nhưng Brown, 17 tuổi, đã phải từ chức trong nước mắt sau khi những bình luận không hay của cô về phân biệt chủng tộc, giới tính trên Twitter nhiều năm trước... bị phát tán.

Nhưng câu hỏi được đặt ra, như có thể thấy trên trang mạng của công ty luật Shepherd and Wedderburn của Anh, là liệu ai có quyền quyết định đối với quyền này? Liệu người dùng có thể buộc hãng tìm kiếm bỏ đi những thông tin được đăng một cách hợp pháp?.

Châu Âu mới đây đã phải điên đầu khi thụ lý vụ án đầu tiên liên quan đến quyền được lãng quên từ tòa án Tây Ban Nha. Tòa án này nhất quyết đòi Google phải bỏ những thông tin theo yêu cầu của các nguyên đơn, trong khi Google lại chỉ trích đòi hỏi này sẽ là tiền đề để mọi người tùy tiện đòi xóa bỏ mọi thông tin trên mạng. Google cũng cho rằng mình không phải là “người kiểm soát” thông tin và không có trách nhiệm phải gỡ bỏ những gì yêu cầu.

Theo Reuters, đây thật sự là cuộc chiến giữa tự do thông tin trên mạng và bảo vệ sự riêng tư cá nhân. Trong khi đó, BBC cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của đạo luật khi nó chỉ áp dụng lên các công ty. Như Brown dù đã yêu cầu Twitter xóa tài khoản của cô nhưng không thể ngăn những cá nhân khác tải lại những gì cô đã viết.