Được ví như 'biến chì thành vàng', công trình biến da người thành tế bào gốc là kỳ tích ấn tượng nhất năm nay. Cùng với nó là việc tìm ra cơ chế mới của HIV... Tại Việt Nam, người ta đã tìm thấy đàn voọc chà vá chân xám lớn, tương đương 'tìm thấy một đất nước mới với hơn 1 tỷ dân'.
Sau đây là các sự kiện nổi bật do VnExpress bình chọn.
1. Biến da người thành tế bào gốc
Cuối tháng 11, cùng lúc trên hai bờ Thái Bình Dương, các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản đã công bố một kỹ thuật đột phá: biến tế bào da người bình thường thành tế bào gốc, mà không cần dùng đến phôi thai. Giờ đây, thay vì phải tạo ra phôi người rồi lại phá huỷ đi để thu hoạch được tế bào gốc (những tế bào hứa hẹn biệt hoá thành mọi nội quan cơ thể để phục vụ y học), người ta chỉ cần cấy các gene cần thiết vào tế bào da nhằm tái cấu trúc lại nhiễm sắc thể, biến chúng trở thành tế bào gốc.
Với phương pháp tương đối đơn giản này, giờ đây, y học có thể thẳng tiến lên phía trước, bỏ lại đằng sau những tranh cãi về đạo đức suốt thập kỷ qua, bởi vì không ai cần dùng đến phôi người nữa, cũng như không cần các phụ nữ phải hiến trứng, và cũng chấm dứt luôn sự cần thiết phải nhân bản vô tính - kỹ thuật vốn được Ian Wilmut tiên phong sử dụng khi tạo ra chú cừu Dolly.
2. Phát hiện mới về virus HIV
Ảnh: Isabelperez.
Căn bệnh lâu nay vẫn được xem là "thế kỷ", là "bản án tử hình" với hàng trăm triệu người trên thế giới, giờ đây có thể sẽ có thuốc đặc trị, khi tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học mới "ớ ra" là bao lâu nay họ vẫn hiểu sai cơ chế hoạt động của virus HIV.
Mô hình đơn giản của nhóm nghiên cứu Đại học Emory ở Atlanta, Mỹ, cho thấy nếu theo đúng giả thuyết "dòng thác" vẫn nói lâu nay, thì các tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch sẽ bị virus HIV tấn công và chết chỉ trong vài tháng. Nhưng thực tế, người nhiễm bệnh vẫn sống được hàng chục năm trời. Điều đó chứng tỏ "virus đã tấn công theo một quá trình chậm". Nhiệm vụ tiếp theo của khoa học là xác định đúng quá trình này, vì nó sẽ mang lại chìa khoá quan trọng mở ra bản chất của bệnh HIV và có thể giúp tìm ra những cách chữa trị mới.
3. Ra đời sinh vật nửa người nửa thú đầu tiên trên thế giới
Con cừu có 15% gene người. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Những con vật huyền thoại tưởng chỉ xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, như nhân mã, giờ đã xuất hiện trong thế giới thực. Lần đầu tiên trong lịch sử các nhà khoa học đã tạo ra được một con cừu với nội tạng là của người. Để có được kết quả này, giáo sư Esmail Zanjani, từ Đại học Nevada, đã phải mất 7 năm và khoảng 9,8 triệu USD để hoàn thiện kỹ thuật cấy tế bào người trưởng thành vào phôi cừu.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã cấy ghép một số bộ phận nhỏ của người lên động vật để thử nghiệm độ tương thích của chúng, chẳng hạn như cấy tai người lên chuột. Nhưng đây là lần đầu tiên một con cừu có tới 15% là chất người. Những sinh vật mang chất người này sẽ là nguồn nội tạng quý giá để cấy ghép cho những bệnh nhân đang chờ hiến tạng.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn vấp phải sự phản đối từ nhiều tổ chức đạo đức. Họ cho rằng các nhà khoa học đang giỡn mặt chúa Trời, và rằng có khả năng các loại virus câm - vốn im lặng trên động vật - khi được đưa vào người sẽ phát tác.
4. Một loạt lý thuyết của Einstein được chứng minh là đúng
Albert Einstein. Ảnh: einsteincomputerservice.
Thời gian đã chứng minh Albert Einstein quả là thiên tài, khi đoán đúng những hiệu ứng chi phối cả vũ trụ từ cách đây gần trăm năm. Việc thẩm định thuyết tương đối của Einstein từ lâu đã quan trọng và hấp dẫn giới khoa học đến mức, dù đã có nhiều nghiên cứu về đề tài này, năm 2004, NASA vẫn phóng đi phi thuyền Gravity Probe B được thiết kế đặc biệt chỉ để kiểm chứng hai hiệu ứng trong thuyết tương đối rộng, bao gồm hiệu ứng võng và hiệu ứng kéo lê vặn xoắn. Tháng 4 năm nay, con tàu này đã chứng minh Einstein đúng ít nhất một trong 2 trường hợp, đó là hiệu ứng võng, theo đó trái đất - do sức nặng của nó - đã làm võng không thời gian xung quanh.
Dự kiến tháng 12 này, các nhà khoa học sẽ xác định được liệu Einstein có đúng nốt trong hiệu ứng kéo lê vặn xoắn (trái đất quay làm xoắn không - thời gian) hay không.
Trong một diễn biến khác, tháng 11, một nhóm nghiên cứu quốc tế, sử dụng máy gia tốc hạt đã chứng minh thuyết tương đối hẹp của Einstein là đúng, khi phát hiện ra một chiếc đồng hồ đang bay thì tích tắc chậm hơn một cái đồng hồ đứng yên. Lý thuyết tương đối hẹp trở thành nền tảng cho các câu chuyện khoa học viễn tưởng, vì nó mở ra triển vọng làm cong và xoắn thời gian.
5. Tiếp tục có nhiều phát hiện lớn về động thực vật tại VN
Một loài lan mới được phát hiện. Ảnh: WWF.
Năm nay được coi là bội thu đối với đa dạng sinh học Việt Nam khi một loạt loài động thực vật mới được phát hiện. Quan trọng nhất là một đàn voọc chà vá chân xám lên tới 116 con tìm thấy ở Quảng Nam. Phát hiện đã làm tăng hy vọng sống sót cho loài vật cực kỳ quý hiếm này, bởi chúng thuộc số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới và hiện chỉ còn chưa tới 1.000 cá thể. Các chuyên gia quốc tế đã ví phát hiện này như việc tìm thấy một đất nước mới với hơn 1 tỷ dân.
Song song, trong số hơn 700 loài mới được tìm thấy trên khắp thế giới trong năm nay, Việt Nam cũng đóng góp 12 loài chưa từng được biết đến, bao gồm phong lan, bướm, rắn và bốn loài cây khác, xuất hiện duy nhất tại rừng nhiệt đới Trường Sơn và Cúc Phương. Người ta vẫn cho rằng đây mới chỉ là “đỉnh của tảng băng trôi” và còn rất nhiều loài quý hiếm khác chưa được khám phá. Tuy nhiên, những phát hiện trên sẽ trở thành số 0 nếu các nhà khoa học cứ mải miết tìm kiếm, còn rừng vẫn bị biến thành đặc sản và gỗ quý.