Theo thống kê của Trung tâm Số liệu quốc tế internet World Stats, Việt Nam hiện đứng thứ 6 ở châu Á về số người kết nối internet và giữ ngôi vị á quân tại Đông Nam Á. Hãng nghiên cứu Business Monitor International (Anh) đã dự đoán Việt Nam sẽ đạt 31,5 triệu người kết nối mạng vào năm 2011. Hãng dịch vụ internet Yahoo! mới đây cũng khẳng định Việt Nam là mục tiêu số một của họ tại Đông Nam Á và muốn hướng đến 30 triệu người dùng vào năm 2010. Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã quyết định đầu tư vào thương mại điện tử ở Việt Nam để khai thác tối đa tiềm năng to lớn trên.
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều cái khó. Theo bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Tổng Giám đốc Caravat.com, một trong những website thương mại điện tử thành công trong năm qua, khó khăn đầu tiên của doanh nghiệp khi ứng dụng thương mại điện tử là luật pháp Việt Nam chưa bảo vệ các doanh nghiệp trước nạn hacker và chưa thật sự xử lý nghiêm bằng Luật Hình sự đối với các trường hợp này. Ngoài ra, khâu thanh toán trực tuyến cũng là một vấn đề nan giải, vì số lượng người dùng thẻ tín dụng chưa nhiều hoặc có thì cũng chưa dám thanh toán trực tuyến vì sợ “mất” tiền do sơ suất trong giao dịch và bị hacker trộm mật mã tài khoản. Do vậy, phương pháp “thủ công” tức là thanh toán tiền dạng chuyển khoản hoặc khi giao hàng lấy tiền mặt vẫn được sử dụng. Giải pháp tổng hợp là để khách hàng chọn phương thức thanh toán như thẻ tín dụng quốc tế, chuyển khoản, chuyển tiền bưu điện, lấy tiền mặt vẫn đang được áp dụng nhiều. Tuy nhiên, trước những thay đổi tích cực của thương mại điện tử gần đây, bà Việt Thanh tin tưởng rằng thương mại điện tử vẫn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài những khó khăn chung, vấn đề làm sao để tồn tại và phát triển khi có quá nhiều website thương mại điện tử đua nhau ra đời cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Nếu không tìm được một hướng đi riêng và tạo sự khác biệt cho website, các doanh nghiệp đi sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Thanh, chìa khóa tạo sự thành công cho các website sinh sau đẻ muộn là phải có ý tưởng hoàn toàn mới mẻ. Website Caravat.com là một ví dụ. Mặc dù mới ra mắt và hiện đang ở bản chạy thử, Caravat.com đã trở thành mạng cộng đồng doanh nhân cao cấp lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến đầu năm 2009, Caravat đã thu hút được trên 6.500 nhà quản lý và chuyên gia quốc tế, trong đó có 632 doanh nhân ở cấp độ điều hành (CEO, CFO, CTO...), 915 giám đốc (director) và hơn 3.900 quản lý và trưởng nhóm (manager) của 36 ngành công nghiệp then chốt. Trong đó, 78% thành viên là người Việt Nam và 22% là người nước ngoài.
Bí quyết của Caravat.com xuất phát từ ý tưởng của một nhóm các nhà đầu tư. Họ nhận thấy hiện nay vẫn chưa có một mạng lưới trực tuyến hiệu quả nào kết nối giới nhân sự cao cấp tại Việt Nam. Bà Việt Thanh cho biết: “Từ nhận định đó, chúng tôi đã quyết định tạo nên trang web Caravat.com dành riêng cho giới lãnh đạo và các chuyên gia. Những người đang làm việc hoặc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại châu Á và đặc biệt là tại Việt Nam có thể dễ dàng quản lý các mối quan hệ kinh doanh quý giá mà họ đang có cũng như tận dụng tốt nhất các mối quan hệ này cho mục đích kinh doanh”.
Dù chưa ra mắt phiên bản chính thức nhưng Caravat.com đã đạt được những thành công bước đầu, điều đó cho thấy tiềm năng của website thương mại điện tử là rất lớn. Tuy nhiên, khai thác như thế nào và có hiệu quả hay không tùy thuộc vào khả năng của từng doanh nghiệp.
Quỳnh Trang - NLD