Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:
(Hà Nội) - Phát biểu tại buổi làm việc với Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, sáng 9-4, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Tôi mong muốn đội ngũ khoa học ngày càng mạnh hơn, phát huy được tối đa khả năng, cống hiến cho đất nước”.
Phản ảnh tình trạng các tổ chức hội bị quản lý quá chặt bởi những cơ chế hành chính, ông Phạm Mạnh Hùng (phó chủ tịch liên hiệp hội) kiến nghị: “Chúng ta cần thay đổi cơ chế quản lý các hội. Nhà nước phải là “bà đỡ” giúp các hội ra đời chứ không phải là người “đẻ” ra hội”. Bà Quách Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) nói: “Chúng tôi không có cơ hội tham gia các chương trình, dự án của Nhà nước nếu không quen biết. Mặt khác, nếu muốn tham gia một dự án của Nhà nước thì phải chi lại cho họ ít nhất 20-30% kinh phí đầu tư cho dự án”.
Để khẳng định vai trò của công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, ông Trần Đình Long (chủ tịch Hội Giống cây trồng VN) kể: “Chúng tôi may mắn được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mời thẩm định đề án lúa lai có tổng kinh phí đầu tư 1.200 tỉ đồng. Qua ba lần thẩm định, hội cho rằng đề án này chỉ cần 43 tỉ đồng. Thực tế cho thấy với 43 tỉ đồng đề án vẫn thành công và tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng. Do đó, ông Long kiến nghị phải luật hóa nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội để nâng cao hơn nữa vai trò của Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên.
Ông Trần Đình Long nói: “Tôi muốn hỏi Chủ tịch nước một câu: bao giờ nhà khoa học VN sống được bằng khoa học?”. Ông Long cho rằng hiện nay các nhà khoa học không thể sống được bằng nghề.
Ông kể: “Cạnh nhà tôi có người chạy xe ôm. Anh ta nói mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng, nếu chở thêm bia cho nhà máy bia thì kiếm được 5 triệu đồng. Trong khi đó lương của giáo sư chỉ được 2 triệu đồng”.
Ông Long đề nghị: “Chúng tôi đề nghị khi chúng tôi làm ra thành tựu khoa học mới đem lại 20 tỉ đồng thì được trích 10% để trả lương cho những nhà khoa học mà chúng tôi thuê. Như thế tri thức mới trở thành động lực sản xuất”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định ông ghi nhận ý kiến tích cực của các nhà khoa học để thời gian tới sẽ nghiên cứu giải quyết triệt để. Nhà khoa học phải sống bằng trí tuệ, bằng sản phẩm của mình, vì tình trạng nhà khoa học phải “chân ngoài dài hơn chân trong” như hiện nay có phần nguyên nhân từ chính sách, chủ trương chưa thỏa đáng.