Ở "siêu thị" này, người mất có thể tìm thấy giấy tờ, đồ đạc đánh rơi, người nhặt có thể tìm đến để trả lại... Đó là một ý tưởng lạ đời của chàng kỹ sư 37 tuổi Nguyễn Văn Thanh.
Đặt "trụ sở" tại quận Thủ Đức, TP HCM, chủ nhân "siêu thị của rơi" cho biết đây là cầu nối để người nhặt của rơi có thể liên hệ trả lại, người mất tìm thấy cơ hội nhận lại giấy tờ của mình mà không tốn bất kỳ phí tổn nào.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thanh và ý tưởng lạ đời về 'siêu thị của rơi'. Ảnh: Hinh Trần. |
Ý tưởng này được thai nghén từ năm 2001, khi Thanh chân ướt chân ráo vào TPHCM lập nghiệp nhưng lại bị mất giấy tờ trên một chuyến xe đò khiến anh phải trầy trật để xin cấp lại. Đã vậy, đâu đâu trên trên các tuyến đường, trụ điện, vách tường trong thành phố đều thấy dán đầy những thông tin về giấy tờ, đồ đạc bị đánh mất nên chàng trai quê mãi ám ảnh về một việc gì đó giúp họ.
Sau 7 năm ấp ủ, tháng 5/2008 website "siêu thị của rơi" với tên gọi www.banduongxa.com đã ra đời với chi phí đầu tiên hơn 30 triệu đồng. Ban đầu, anh Thanh thuê hẳn một căn nhà ở quận Tân Bình với giá 3 triệu mỗi tháng làm văn phòng, có nhân viên trực điện thoại với mức lương 1,5 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên sau 4 tháng hoạt động với gánh nặng chi phí, văn phòng này đã bị phá sản.
“Sau đó, tôi đổi sang chiến dịch mưa dầm thấm lâu, phòng trọ thành văn phòng, điện thoại di động thành điện thoại văn phòng và tôi là nhân viên kiêm giám đốc thì tình hình bắt đầu khá hơn”, anh cười hiền kể.
Với quyết tâm nhân rộng mô hình siêu thị của rơi trên toàn quốc, chủ nhân của nó còn nhờ đến bạn bè khắp mọi miền giới thiệu cho bất kỳ ai bằng cách gửi tờ rơi và nhờ họ phát giúp. Thêm vào đó, Thanh còn cho đăng các mẫu quảng cáo trên các báo, in tờ rơi phát ở các chốt đèn giao thông, cổng trường đại học, chợ, bến xe…
Đến thời điểm này, rất nhiều người đã biết đến và tin tưởng vào siêu thị của anh. "Siêu thị của rơi" đã đăng hàng nghìn mẩu tin nhặt được giấy tờ mất cần trả lại trên khắp cả nước. Có hàng trăm trường hợp bị mất giấy tờ đã được tìm thấy thông qua website Bạn đường xa.
“A lô, Thanh đường xa xin nghe!”. Đó là giọng vui vẻ của người đàn ông đặc chất quê Bình Định bên đầu dây này trả lời mỗi khi có ai điện báo tin mất hoặc nhặt được giấy tờ hay bất cứ thứ gì có giá trị. Thời gian đầu, bên cạnh chi phí cho việc quảng bá phát tờ rơi, anh còn chạy khắp thành phố tiếp xúc với tất cả mọi người, giới thiệu, thuyết phục và cuối cùng là hợp tác.
Tuy nhiên bên cạnh những người hiểu thì cũng không ít người tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của ý tưởng 'lạ đời' này.
Website Bạn đường xa đã giúp nhiều người tìm lại đồ đạc đánh rơi. Ảnh: Hinh Trần. |
Làm những việc "khác người", đôi khi cũng gặp cảnh trớ trêu. Anh Thanh vẫn không quên những câu chuyện dở khóc dở cười tại đây. Có một chị sau khi nhặt được ví giấy tờ gọi điện đến cho anh Thanh và có ý định để trả lại cho người mất. Ông chồng ngồi bên nói vọng vào "bọn này tao gặp hoài, lừa đảo cả đấy". Trong khi người nghe vẫn chưa kịp giải thích rõ ràng thì đầu dây bên kia đã cúp máy cái "rụp".
Rồi chuyện một chị lao công lượm rác nhặt được chiếc ví với nhiều giấy tờ. Chị tìm đến siêu thị và tin tưởng giao lại với hy vọng tìm lại chủ nhân của nó. Sau hai ngày đăng tin tìm thân chủ để trả lại đồ thì anh Thanh liên tục nhận được những cuộc gọi điện trách móc của chị lao công, “sao không thấy ai gọi cho tôi hết trơn vậy anh, tôi lo người ta không biết thông tin của mình quá”. Nhưng cuối cùng sau bao nhiêu cố gắng, anh Thanh cũng tìm ra người bị mất và trả lại cho họ toàn bộ giấy tờ trong niềm vui vỡ òa của kẻ nhận, người trả.
"Thực sự những lúc chưa tìm được chủ nhân để trao trả mình cũng hồi hộp lắm vì người ta tin tưởng mới giao cho mình nên mình phải cố gắng bằng mọi cách. Rồi khi giúp họ tìm được của rơi, họ mừng một mà mình mừng hai. Thật thú vị khi làm được việc gì giúp đỡ người khác", anh Thanh bộc bạch.
Nhiều người từ Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, TP HCM được anh giúp tìm lại của rơi đã gọi điện đến cám ơn hoặc đề nghị được hậu tạ, song anh Thanh không nhận mà trả lời rằng chỉ làm niềm vui, sở thích. Tuy nhiên anh cũng lấy đó làm động lực để tiếp tục làm công việc "lạ đời" đến nỗi bạn bè hay chọc anh là "Thanh khùng".
Xác định mục tiêu làm cho siêu thị này trở thành cầu nối giữa mọi người, anh Thanh không ngừng tìm cách giới thiệu trang web của mình bằng nhiều phương thức khác nhau. Hàng ngày ngoài những giờ đi làm để kiếm tiền "nuôi" trang web, anh thường đến các bến xe, nhà ga để phổ biến thông tin về siêu thị đến bất kỳ ai mà anh gặp bằng miệng hoặc tờ rơi.
“Cái hạn chế của siêu thị của mình là chỉ tiếp cận được với những người biết sử dụng máy vi tính. Làm sao để mọi người khi lỡ đánh rơi đồ hoặc nhặt được của rơi thì nghĩ ngay đến 'Bạn đường xa' là một chuyện không hề đơn giản tí nào. Mình cần phải lên một kế hoạch dài hơi hơn hơn nữa", chàng kỹ sư không thôi trầm tư.
Hinh Trần