Chàng trai 20 tuổi Anh Tâm bên tác phẩm của mình với tên gọi "Tàu Titanic B" làm bằng tăm
Một lần vô tình lạc chân vào gian sau của một tiệm tạp hoá nằm trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, chúng tôi không khỏi trầm trồ thú vị trước những bức tranh làm bằng tăm rất sống động và “có hồn”. Có cả tranh tứ linh (long- lân- quy- phụng), tranh hình Phật; đặc biệt, trong đó, có một tấm phác hoạ chân dung Bác Hồ bằng tăm với chữ đề trang trọng “Người là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam- Hồ Chí Minh”. Chúng tôi càng ngạc nhiên khi biết được tác giả của những bức tranh này lại là tác phẩm một chàng trai rất trẻ, vừa 20 tuổi, chưa từng qua một trường lớp nào về chuyên ngành mỹ thuật. Tên tác giả là Lương Trần Anh Tâm. Ý định tạo một kỷ lục ghi- nét Từ những lần “lướt web” và mê mẩn những tác phẩm bằng tăm của một số tác giả người nước ngoài, Tâm có ý định làm một tác phẩm bằng tăm ghi danh vào kỷ lục ghi- net Việt Nam. Ý định hình thành Titanic B. Con tàu làm từ 70.000 que tăm tiêu tốn của tác giả 10 tháng miệt mài mà mỗi ngày Tâm bỏ ra không dưới 5 giờ đồng hồ. Gọi tên là tàu Titanic B vì tác phẩm lấy cảm hứng và mô phỏng con tàu Titanic huyền thoại nhưng không mô phỏng chuẩn xác theo từng tỷ lệ kích thước của tàu Titanic. Cẩn trọng với từng vuông cửa nhỏ, từ lối cầu thang dẫn lên các tầng trên của tàu, ống khói,..., tất cả đều làm bằng nguyên liệu độc nhất là que tăm, chính tác giả cũng không tin vào mắt mình khi đã hoàn thành xong con tàu, nhìn lại “công sức” 10 tháng ròng của mình. Tâm không giấu là đã có lúc nản: “Làm xong phần thân thô của tàu đã mất hơn 3-4 tháng. Lúc đó, Tâm đã nghĩ mình “nông nổi” vì tự nhiên lại lao vô cái việc khó nhằn, mất quá nhiều thời gian vì phải tính toán, sắp đặt chi li từng chi tiết của tác phẩm. Tâm đã định làm ngang tới đó là thôi rồi, nhưng không lẽ để dở dở ương ương cũng kỳ, cái tính đã ưng làm chi thì làm cho trót. Vậy là cứ suốt ngày cặm cụi với con tàu. Những tháng sau, mỗi ngày lại bỏ ra nhiều giờ hơn những tháng trước, càng thấy con tàu dần hoàn thành, càng ngắm, càng mê”.
Toàn bộ công việc lắp ghép tàu bằng tăm suốt hơn 10 tháng, Tâm đều làm trong phòng riêng, đóng kín cửa lại mà làm, vì sợ bố thấy lại mắng “cái thằng cứ ưa làm mấy cái thứ chi lạ lùng”.
10 tháng ròng, Tâm đã hoàn thành tác phẩm này, hiện Tâm đã tự bảo quản nó trong lồng kính
Mê, làm tiếp 8 bức tranh bằng tăm Lúc làm con tàu Titanic B, Tâm tự nhủ: “Làm xong cái này rồi thôi. Sợ lắm rồi”. Nhưng làm xong con tàu lại mê quá, lại ưa làm tiếp cái gì đó khác, cũng bằng tăm. Vậy là 8 bức tranh bằng tăm nối tiếp nhau ra đời. Những bức này, Tâm phải gửi nhờ gian sau nhà bạn - là tiệm tạp hoá trên đường Nguyễn Thái Học vì con tàu Titanic B đã chiếm hết diện tích phòng của Tâm ở nhà rồi. Mỗi bức tranh hoàn thành mất không dưới 2 tháng, đều có khổ dài hơn 1 mét họa hình long, lân, quy, phụng, song mã, hoa văn uốn lượn cầu kỳ vừa sắc sảo, vừa mềm mại, sống động, cuốn hút người xem. Bức mới nhất của Tâm là bức phác hoạ chân dung Bác Hồ bằng tăm với chữ đề trang trọng “Người là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh” viết theo lối thư pháp. Tâm tự nhận mình cũng chưa học qua lớp thư pháp nào, chỉ đề chữ theo tình cảm của mình dành cho vị lãnh tụ dân tộc mà mình vô cùng kính yêu từ thuở nhỏ. Niềm hạnh phúc của Tâm là ngắm tác phẩm của mình, cứ thi thoảng lại đem từng bức ra, phết keo dính tăm lại cho tranh luôn bóng bẩy và cũng là một thủ thuật chống mốc cho tác phẩm.
Tác phẩm của Anh Tâm có tên "Song mã"
Và một bức khác độc đáo không kém - Tranh rồng với những đường cong sắc sảo
Khi chúng tôi hỏi Tâm có ý định bán tác phẩm của mình hay không? Tâm thật thà: Đã có ông chủ khách sạn ngõ ý mua con tàu Titanic khi nhìn thấy nó ở nhà Tâm với giá 100 triệu đồng để về trưng bày trong khách sạn nhưng Tâm lắc đầu. “Mình làm vì thích, mỗi lần ngắm sản phẩm của mình làm ra thấy vui, bán đi tiếc lắm”. Tâm còn có ý định làm một triển lãm nho nhỏ trưng bày những tác phẩm của mình. Nếu có khách thích, Tâm có thể sẽ bán một, hai bức tranh thôi để có tiền trả vốn đầu tư cho mẹ. Làm xong con tàu Titanic thì tiền mua tăm đã tiêu hết tiền dành dụm của Tâm rồi. Sau này, để có tiền mua tăm làm tranh rồi mua đồ chống ẩm, làm khung tranh... Tâm phải mang thành phẩm tàu Titanic B của mình ra để thuyết phục mẹ “đầu tư” cho niềm đam mê của mình. Sự ngạc nhiên của mẹ Tâm khi nhìn thấy tác phẩm của con mình, bác không khỏi hạnh phúc khi chia sẻ: “Tôi ngạc nhiên không chỉ vì nó có thể làm đẹp được như vậy mà ngạc nhiên vì một đứa tính rất hiếu động như nó lại có thể kiên trì tỉ mẩn với từng que tăm nhỏ rõng rã từ tháng này qua tháng khác”.
Xem thì đẹp thiệt!