Internet, phương tiện quảng cáo của “nhà nghèo”?
Mặc dù doanh thu còn khiêm tốn nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Internet được xem là thị trường quảng cáo có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Đây có thể là phương tiện quảng cáo phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời buổi khó khăn hiện nay.
“Mới” lấn sân “cũ”
Thị trường truyền thông tại nước ta chỉ trong một thời gian không dài đã chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt phương tiện mới như Internet, truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, điện thoại di động...
Sự bùng nổ này đang làm thay đổi thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông của người Việt Nam.
Kết quả khảo sát gần đây của TNS Media cho thấy thời gian dành cho các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống như truyền hình miễn phí, báo chí, video đang có xu hướng giảm dần, ngược lại thời gian dành cho các phương tiện truyền thông mới tăng lên, đặc biệt là tăng mạnh đối với Internet.
Chẳng hạn, tại Tp.HCM thời gian truy cập Internet hàng ngày của người dân từ 31 phút vào năm 2007 đã tăng lên 36,8 phút vào năm 2008 và có khả năng sẽ tăng lên 60 phút vào năm 2010, trong khi thời gian bình quân xem truyền hình hàng ngày đã giảm từ 272,5 phút (2007) xuống còn 243,5 phút (2008).
Theo Trung tâm Internet Việt Nam, đến tháng 10/2008 đã có trên 20,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới 24% dân số của cả nước.
Một nghiên cứu của Công ty IDC cũng cho biết trong vòng bốn năm tới số người sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ lên tới con số 27 triệu, nói cách khác cứ ba người dân thì sẽ có một người sử dụng Internet.
Cùng với các phương tiện truyền thông khác, sự phát triển của Internet khiến người ta nghĩ đến một thị trường quảng cáo đầy tiềm năng.
Không quá ngạc nhiên khi hồi tháng 6 vừa qua, Yahoo! Đông Nam Á đã chính thức bước chân vào thị trường quảng cáo Việt Nam với chương trình ủy quyền cho 4 đối tác làm đại lý quảng cáo của hãng tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 10/2007, Công ty FPT cũng được nhận ủy quyền cung cấp các dịch vụ quảng cáo cho Google với hình thức Google Adword, AdSense. Ngoài hai “gã khổng lồ” của thế giới, thị trường quảng cáo trực tuyến còn “xôm tụ” với hàng trăm trang tin quảng cáo điện tử và báo điện tử.
Theo ông Ông Xuân Minh, Giám đốc dự án Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h, mặc dù kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam vẫn tăng trưởng trung bình 120-150%/năm. Một trong những lý do là vì điểm xuất phát của thị trường này quá thấp.
Doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến có khả năng sẽ đạt bằng khoảng 2% thị trường quảng cáo nói chung trong năm nay. Riêng với Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h, doanh thu quảng cáo năm 2008 ước tăng gấp 2,5 so với năm 2007 và năm 2009 doanh thu này dự kiến sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2008.
Phương tiện quảng cáo của “nhà nghèo”?
Ông Minh cho biết trước năm 2007 quảng cáo trên trang web của công ty ông chủ yếu chỉ có một số khách hàng lớn, họ mua quảng cáo với mục đích thăm dò.
Tuy nhiên, sang năm 2008 số lượng khách hàng tăng khá mạnh, đặc biệt, bắt đầu xuất hiện nhiều khách hàng nhỏ như cửa hàng thời trang, phòng khám đa khoa, quán ăn... Thậm chí, có những cửa hàng dành 100% ngân sách quảng cáo cho quảng cáo trực tuyến.
Để phân khúc đối tượng khách hàng, nhiều trang web thông tin tổng hợp bắt đầu đổi thành những trang web chuyên sâu, chẳng hạn như trang web dành cho phụ nữ, trang web nhạc dành cho giới tuổi thanh thiếu niên, diễn đàn chuyên về bóng đá, thời trang...
Hình thức quảng cáo trên Internet cũng ngày càng đa dạng như video chèn clip bóng đá, clip hài vui nhộn; flash...
Theo ông Minh, quảng cáo trên Internet có ưu điểm là giá rẻ, phù hợp với ngân sách của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này rất có ý nghĩa trong tình hình khó khăn, khủng hoảng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để quảng cáo trực tuyến thực sự phổ biến ở nước ta, ông Minh cho rằng cần phải củng cố lòng tin của xã hội đối với loại hình quảng cáo này.
Ông nói: “Hiện nay, ở Việt Nam không có đơn vị trung gian nào đủ uy tín để cung cấp các công cụ đo đếm hiệu quả. Mỗi công ty kinh doanh quảng cáo đều đưa ra cách thức đo đếm của mình nhưng kết quả rất khác biệt vì tiêu chí xây dựng hệ đếm khác nhau. Chính vì vậy quảng cáo trực tuyến chưa thật sự gây được niềm tin để các doanh nghiệp mua quảng cáo”.
Theo các chuyên gia, mặc dù tốc độ tăng trưởng cao nhưng chi phí quảng cáo trên Internet trong năm qua chỉ đạt khoảng 160 tỉ đồng, chiếm 1,5% tổng chi phí quảng cáo tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo TNS Media, đối với thế giới con số này là 33,7 tỉ Đô la Mỹ, chiếm 7,5% tổng chi phí quảng cáo và năm 2008 dự tính đạt khoảng 41,6 tỉ Đô la và tỷ lệ là khoảng 8,7%.
Một vấn đề khiến các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo trực tuyến gần đây không kém phần lo lắng là những đề xuất bất hợp lý liên quan đến việc quảng cáo trên trang web tại dự án Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch soạn thảo.
Chẳng hạn như: diện tích quảng cáo không được vượt quá 10% diện tích các trang của trang tin điện tử, báo điện tử; chỉ được quảng cáo bên trái hay bên phải của trang tin, báo điện tử. Ngoài ra, riêng đối với báo điện tử không cho phép quảng cáo ở trang chủ.
Theo các doanh nghiệp, đề xuất nói trên là thiếu cơ sở khoa học cũng như can thiệp quá sâu vào hoạt động quảng cáo. Điều đó không những gây khó khăn cho các trang web nói riêng mà còn làm cho các doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm chịu thiệt thòi vì chính họ cũng bị “vạ lây” khi hạn chế quảng cáo.
Theo inteves