Rắc rối có vẻ chưa chấm dứt với câu chuyện lựa chọn bảy kỳ quan thế giới mới khi Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) phê phán ý tưởng bầu chọn theo số đông dù nó thu hút cả 100 triệu người tham gia.
> Ảnh 7 kỳ quan thế giới mới
UNESCO khẳng định lại rằng không có sự liên quan giữa chương trình của ông Bernard Weber với những chương trình được thực hiện trên góc độ khoa học và có giá trị giáo dục như UNESCO đang thực hiện. Bà Sue Williams, người phát ngôn của tổ chức, vừa ra tuyên bố rằng chương trình này đi ngược lại các tiêu chí và mục tiêu UNESCO đưa ra trong lĩnh vực về bảo tồn các di sản và cho rằng tổ chức này có một tầm nhìn rộng lớn hơn.
Ông Christian Manhart, người phụ trách báo chí của UNESCO, cho rằng cuộc bỏ phiếu sẽ đem một thông điệp tiêu cực và không có lợi với các nước có các địa điểm không được lựa chọn như tháp Eiffel (Pháp), tượng Nữ thần Tự do (Mỹ).
UNESCO cũng bác bỏ ý tưởng của nhóm tổ chức này về việc xây dựng lại tượng Phật ở Afghanistan. Ông Manhart cho rằng phần giá trị của di tích đó chính là những tàn tích còn sót lại của cuộc phá hủy vẫn nằm ở chân núi đá tại Afghanistan và công cuộc xây dựng lại sẽ phá hủy những thứ còn sót lại này. Ngoài ra, với việc đạo Hồi có ảnh hưởng rất mạnh ở Afghanistan, ông Manhart cho rằng ông Weber và quỹ của mình sẽ không xin được phép để thực hiện ý tưởng xây dựng lại bức tượng.
Ban tổ chức bảy kỳ quan mới dự định dùng một phần tiền kiếm được từ buổi lễ hôm 7/7 (truyền hình trực tiếp đến 170 quốc gia với số khán giả ước tính 1,6 tỷ người) để xây dựng hai bức tượng Phật bị lực lượng Taliban phá hủy năm 2001. UNESCO cho rằng việc thừa nhận các giá trị biểu tượng của từng danh thắng và lựa chọn vào một danh sách là không đủ. Các tiêu chí khoa học cần được làm rõ, hiện trạng của từng di tích cần được đánh giá và cần xây dựng các khung pháp lý và quản lý cho từng danh thắng.
Tiến sĩ BR Natarajanm, Học viện Khoa học công nghệ BITS ở Ấn Độ, bình luận rằng đây chỉ là một trò đùa về số học với độ chính xác không cao. Ông nêu lại dẫn chứng cách đây vài năm khi tạp chí Time tổ chức bầu những người vĩ đại nhất thế kỷ 20. Khi bắt đầu bỏ phiếu cho mảng chiến binh và chính khách thì Mustafa Kemal Atarturk (1881-1938) liên tục đứng đầu trong danh sách này. Và chỉ vài ngày sau đó, tên ông cũng đứng đầu luôn danh sách những nhân vật hoạt động lĩnh vực giải trí và nghệ sĩ cũng như trong danh sách các nhà lãnh đạo và người làm cách mạng.
Ông này bình luận: Chắc cả nước Thổ Nhĩ Kỳ đã thức với đôi mắt đỏ lừ suốt cả ngày đêm để liên tục truy cập website của tạp chí Time.
(Tuổi Trẻ / AP, AFP)