Một cặp vợ chồng Singapore đang xin học cho con |
Làm cách nào để giúp con em có được ý tưởng riêng khi giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống, công việc? Câu trả lời là không nên chỉ đưa ra hướng dẫn (cho dù là hướng dẫn tốt), mà chủ yếu là phải buộc chúng động não.
Tiến sĩ Ng Aik Kwang, tác giả cuốn sách mang tựa đề Giải phóng tinh thần sáng tạo trong học sinh châu Á, gợi ý rằng phải cung cấp cho chúng những “bài tập mở”: các bậc phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách đưa cho con xem các bức tranh về những đồ vật thông thường nào đó (xe đạp, bút bi, máy walkman...) rồi giao cho chúng nhiệm vụ tìm kiếm trên Internet và thư viện về việc các đồ vật ấy được sáng chế như thế nào.
Các bậc phụ huynh cũng có thể yêu cầu con em thử tái thiết kế các đồ vật (như hộp đựng viết, một món đồ chơi nào đó) theo trí tưởng tượng của chúng, có thể yêu cầu chúng suy nghĩ có thể cải tiến được gì không. Các câu hỏi được khuyên là: con có hài lòng với cách hoạt động của đồ vật này không? Theo con, làm cách nào để nó tiện dụng hơn? Nếu con thiết kế nó theo kiểu khác thì có vấn đề gì không? Sau đó phụ huynh có thể yêu cầu con em vẽ ra những ý định cải tiến của chúng.
Đối với trẻ có khó khăn trong việc nêu sáng kiến thì phải làm cách nào? Tiến sĩ Ng Aik đề nghị một phương pháp gọi là Scamper (substitude, combine, adapt, magnify/minimise, put to other use, eliminate, rearrange; tạm dịch là thay thế, phối hợp, thích ứng, phóng lớn/thu nhỏ, dùng cho ứng dụng khác, loại trừ, tái sắp xếp).
Ví dụ, trong một cuộc thi ở trại hè về viết sáng tạo, phụ huynh có thể yêu cầu con em tạo ra câu chuyện về một ngôi nhà ma. Thường thì trẻ sẽ viết một câu chuyện về con ma sống trong một ngôi nhà lớn bỏ hoang. Chính lúc này phụ huynh có thể can thiệp để giúp con em có câu chuyện "lạ" hơn. Thay vì con ma, họ có thể gợi ý về một bà cụ già cô đơn sống ru rú trong nhà mà ai cũng tưởng là ma. Rồi phụ huynh có thể hướng dẫn con em đưa câu chuyện của chúng sang hướng khác bằng những câu hỏi như: Tại sao bà cụ lại cô đơn? Theo con, tại sao bà ấy không ra khỏi nhà?
Các em có thể sẽ "ra" được câu chuyện một bà cụ bị gia đình bỏ bê sống trong căn nhà đổ nát do không có tiền để sửa chữa. Đến đây, phụ huynh sẽ hỏi tiếp: theo con, phải làm cách nào để bà cụ được hạnh phúc? Có nhiều khả năng trẻ sẽ nói: “Khi bà ấy gặp lại và sống chung với gia đình”. Kết luận này có thể dùng cho bài học về chăm sóc người già...
Chưa bao giờ Singapore lại cần đến sức sáng tạo như thế để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Khá lý thú là kết luận của tiến sĩ Ng Aik đối với trẻ cũng không khác mấy những lời kêu gọi mới đây của Thủ tướng Lý Hiển Long về mối quan hệ giữa dân và chính quyền. Tiến sĩ Ng Aik nói: “Mọi đứa trẻ đều có tiềm năng sáng tạo. Phụ huynh luôn có thể giúp chúng phát huy tiềm năng đó bằng một môi trường và thái độ đúng đắn”.
MINH TRANG (Theo The Straits Times)