Hộp cho các bà mẹ bỏ con ở Đức
Để ngăn các bà mẹ tuyệt vọng giết con của mình, Đức tung ra chiến dịch khuyến khích họ bỏ con vào những cái hốc trước bệnh viện, dựa trên ý tưởng có từ thời trung cổ.
> 'Nôi cò' ở Nhật
Ít nhất 23 trẻ sơ sinh đã bị giết hại hồi năm ngoái, trong số đó có nhiều cháu bị mẹ đánh đến chết hay bóp cổ, rồi vứt trong thùng rác hay bãi đất hoang. Cảnh sát cũng không thể lý giải sự tăng vọt những vụ án thương tâm mà thủ phạm là các bà mẹ thuộc đủ mọi lứa tuổi trên khắp đất nước.
Các thành phố đã mở chiến dịch quảng bá để thức tỉnh dư luận về vấn nạn này và khuyến khích việc sử dụng nhiều hơn những cái hốc cho phép phụ nữ bỏ con mà không phải tiết lộ tên tuổi. Chiến dịch đưa ra khẩu hiệu: Đừng để các bé phải ở trong thùng rác.
Chiến dịch này bị nhiều giáo sĩ và các tổ chức từ thiện chỉ trích, cho rằng nó khuyến khích những người mẹ bỏ rơi con. Nhưng dư luận thừa nhận cần phải làm gì đó để chấm dứt nạn giết hài nhi.
Thứ năm tuần trước, một cô gái 27 tuổi tên là Sabine H ra đầu thú cảnh sát ở đông Đức, sau khi người ta tìm thấy đứa con mới sinh của cô trong một cái túi nilông chuyên đựng rác giữa bãi lau sậy trong hồ.
Cũng trong tuần, Monika K, 26 tuổi, bị bắt vì bị nghi ngờ ném con qua cửa sổ từ tòa nhà chung cư 10 tầng ở Hamburg, bọc trong cái túi đi mua hàng. Cô sinh con nửa giờ trước trong buồng tắm. Một con chó đã tìm thấy cái túi và cào chân mở nó ra.
Cũng chỉ mới đây, Susanne H ở Baiersdorf (xứ Bavaria) bị đưa ra xét xử vì bóp chết con gái mình và cho cháu bé vào tủ lạnh. 39 tuổi, mẹ của hai đứa con trai 10 và 4 tuổi, Susanne khai sợ bạn trai mình không đồng ý việc sinh con: Anh ấy dọa đuổi tôi ra khỏi nhà nếu tôi giấu giếm việc có thai một lần nữa.
Một phụ nữ khác bị bắt ở Kiel, sau khi cảnh sát tìm thấy xác hai hài nhi trong tủ lạnh của cô ta. Một chết từ lúc còn trong bụng mẹ từ một năm trước, đứa bé thứ hai vẫn còn sống khi ra đời.
Hồi đầu tháng này, một tài xế đỗ xe tại một bãi đỗ ở Kiel và tìm thấy xác một đứa bé sơ sinh trong một cái thùng đựng giấy loại. ADN của cháu khớp với ADN một đứa trẻ khác được tìm thấy ở một bãi rác một năm trước. Người ta vẫn chưa lần ra manh mối về mẹ của hai cháu bé.
Cho đến nay, ít nhất 23 vụ giết trẻ sơ sinh đã ra ánh sáng, nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực sự cao hơn nhiều. Giáo sư Helmut Kury, một nhà tội phạm học, cho biết: Một số phụ nữ sợ mất người tình hơn là sợ mất con. Họ làm những điều dại dột để cứu lấy mối quan hệ của mình. Giáo sư Mechthild Neises, thuộc khoa Thần kinh Đại học Y Hanover, đồng ý với quan điểm này: Những phụ nữ này thường nói dối về việc họ mang thai lâu đến mức bản thân họ cũng không còn tin là mình mang bầu. Bởi vậy, khi đứa bé bỗng nhiên ra đời, họ hoảng sợ và chỉ muốn loại bỏ nó.
Một điểm nhận trẻ bị bỏ rơi. Ảnh: Times. |
Dù sao, chúng cũng là một cách giúp cho các bà mẹ cùng đường. Điểm bỏ con thường kín đáo, người đi qua không thể nhìn thấy, được giấu dưới những tán cây và tránh khỏi tầm quay của camera an ninh. Đứa trẻ được đặt lên một cái khay trượt qua một cái hốc trên tường và được đưa xuống một cách nhẹ nhàng vào một cái nôi đã ủ ấm sẵn. Chuông reo thông báo cho các y tá, nhưng chỉ sau khi người mẹ đã có đủ thời gian để đi khỏi. Người mẹ vẫn có thể nhận lại con trong vòng 3 tháng sau đó, nếu cô thay đổi quyết định.
Tại Berlin, những tờ quảng cáo thông báo địa chỉ và số điện thoại của 3 bệnh viện có điểm nhận trẻ bỏ rơi do Hans Wall, một doanh nhân, tài trợ. Công ty của ông chuyên trách trông coi các bến xe buýt và nhà vệ sinh công cộng. Một đứa trẻ bị bỏ tại một bến xe do ông quản lý một đêm giá buốt hồi tháng giêng. Ông trở thành cha đỡ đầu đứa bé và sẽ trả tiền ăn học cho cháu.
Đảng Xanh ủng hộ chiến dịch này, nhưng chính phủ thì tỏ ra thận trọng hơn, vì lo ngại những vấn đề pháp lý. Có những trường hợp, những đứa trẻ bị khuyết tật nghiêm trọng hoặc hơn 3 tháng tuổi cũng bị bỏ rơi điều vi phạm pháp luật. Dù sao chúng ta không thể làm ngơ trước thực tế là điều này có thể cứu được những sinh mạng, phát ngôn viên chính phủ nhận xét.
Riêng tại Berlin, đã có 6 em bé được bỏ vào các ngăn đựng trẻ kể từ khi các ngăn này xuất hiện năm 2003. Những hoài nghi ban đầu cũng biến mất dần, sau khi một phụ nữ ở đông Đức bị bắt vì để cho 9 đứa con mới sinh của mình chết. Một vài cháu được chôn trong các chậu cây trong vườn nhà cô ta.
Các điểm nhận trẻ bỏ rơi trong lịch sử Hồi thế kỷ 12, Giáo hoàng Innocence III cho phép các bà mẹ bỏ những đứa trẻ vô thừa nhận trước cửa các nhà thờ. Vào thế kỷ 14, một nhà thờ ở Florence (Italy), sử dụng một cái ống bằng gỗ để nhận những đứa bé bị bỏ rơi. Điểm nhận trẻ bỏ rơi đầu tiên tại Đức xuất hiện ở Hamburg năm 2000. Bây giờ nước này đã có 90 điểm như vậy. Các điểm nhận hài nhi xuất hiện ở Pakistan và Philippines. Nhật cũng mới thông qua ý tưởng nôi cò tương tự. Một số bang của Mỹ cho phép trẻ sơ sinh được đặt trước cửa các bệnh viện và trạm cứu hỏa mà người mẹ không phải để lại danh tính. |
M.C. (theo Times)