Phát triển dựa vào phát minh
Singapore khuyến khích học sinh, sinh viên sáng tạo ngay từ ghế nhà trường. Ba học sinh Singapore đoạt giải trong một cuộc thi sáng tạo gần đây. Ảnh: Website của Bộ Giáo dục Singapore |
Global Entrepolis @ Singapore (GES) diễn ra vào cuối tháng 9-2005, là nơi tụ hội của 10.000 nhân vật là đại diện các tập đoàn, quĩ đầu tư, đối tác quốc tế tại Singapore.
Ông Tony Tan - cựu phó thủ tướng Singapore, đồng chủ tịch Quĩ nghiên cứu quốc gia và Hội đồng tổ chức nghiên cứu sáng tạo với đương kiêm Thủ tướng Lý Hiển Long - dự đoán nền kinh tế dựa vào sáng kiến phát minh sẽ giúp Singapore đi trước các nước láng giềng 15-20 năm.
Ông nói: “Vì Singapore bé nhỏ nên Singapore phải lanh lẹ, đó là lợi thế của Singapore”.
Bộ trưởng cấp cao Singapore Goh Chok Tong vạch ra ba chiến lược thúc đẩy kinh tế Singapore phát triển theo hướng phát minh sáng kiến. Ba chiến lược đó là: mở rộng không gian kinh tế qua các hiệp định thương mại tự do, phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực thông qua giáo dục và tập trung lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D). Nói là làm, ông Goh Chok Tong cho biết Singapore đã ký kết hiệp định thương mại tự do với hơn 10 quốc gia, và hiện đang đàm phán với 10 quốc gia khác.
Về giáo dục, ông Goh Chok Tong nói: “Không thể có một nền giáo dục phù hợp cho tất cả”. Do đó Singapore chấp nhận kế hoạch cải cách giáo dục cho phép học sinh học nhảy lớp, và chọn nhiều môn học nhiệm ý phù hợp. Về chiến lược thứ ba, ông Goh Chok Tong nói: “Chính phủ Singapore giúp các công ty gắn kết với những viện nghiên cứu, khuyến khích tư nhân tham gia hoạt động R&D. Ngoài ra Singapore chấp nhận nuôi dưỡng những sáng kiến phát minh của châu Á phù hợp với sự phát triển chung toàn cầu”.
Trước đó, Trung Quốc (TQ) cũng thông báo kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng chú trọng sáng tạo phát minh. Bộ trưởng Thương mại TQ Bạc Hi Lai nói: “Các dự án hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng nhưng phải có chiều sâu kỹ thuật”. Trước đây, các chính sách hợp tác kinh tế thương mại của TQ chỉ chú trọng chỉ số tăng trưởng GDP.
Lâu ngày chính sách này dẫn đến tình trạng thiếu thốn công nghệ mới, tạo một lực cản lớn cho sự phát triển kinh tế của TQ. Giám đốc ĐH Thanh Hoa TQ và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thế giới Li Daokui nói: “Chính sách phát triển kinh tế phụ thuộc vào mô hình xuất khẩu đơn giản gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho TQ”. Trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 2/3 doanh nghiệp của TQ gặp khó khăn về kỹ thuật trong các hợp đồng xuất khẩu. Yếu kém này khiến các doanh nghiệp TQ mất 20 tỉ USD mỗi năm.
Ông Bạc nói: đã đến lúc TQ nâng cấp trình độ hợp tác kinh tế, ngoại thương của mình, chuyển “sản xuất tại TQ” (made in China) sang “sáng chế tại TQ” (created in China). Theo ông Bạc, TQ đã chuẩn bị gần xong cơ sở để áp dụng chính sách mới. Giới phân tích nhận định nếu thực hiện thành công chính sách này, TQ sẽ tìm được nhiều dự án hợp tác có lợi nhuận nghiêng về phía TQ nhiều hơn. Ngoài ra, chính sách mới giúp TQ tăng khả năng đổi mới độc lập, nâng cao tính cạnh tranh và giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong nền kinh tế toàn cầu.
NGỌC DANH (Theo CNA, THX)
Châu Á qua mặt EU về nghiên cứu và phát triển Liên minh châu Âu (EU) đã tụt hậu xa hơn nhiều khu vực trên thế giới về nghiên cứu và phát triển (R&D), theo một nghiên cứu do Bộ Công nghiệp - thương mại Anh công bố hôm qua. Tại châu Âu, đầu tư cho R&D chỉ tăng 2% trong năm 2004-2005, trong khi tại Mỹ và châu Á tăng 7%. Danh sách chi phí cho R&D của 1.000 công ty hàng đầu thế giới từ cuộc nghiên cứu cho thấy: các công ty châu Âu không tăng chi phí cho R&D trong bốn năm qua, trong khi các công ty Mỹ chi nhiều hơn 12% cùng kỳ. Hàn Quốc là nước nổi tiếng nhất trong việc tăng đầu tư R&D hằng năm: tới 40%, với các tập đoàn dẫn đầu như Samsung Electronics, Hyundai Motor và LG Electronics. Nhật đầu tư ít hơn, với mức tăng đầu tư R&D hằng năm là 4%. Việc EU tụt hậu trong đầu tư phát triển sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp thượng đỉnh EU tuần này tại London. TRẦN ĐỨC THÀNH (Theo Financial Times) |