Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Nghiên cứu sinh Việt tiết lộ bí quyết thành công

Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 2 2011, 08:15
gửi bởi YTSTNews

Hùng cho rằng nguyên nhân đột phá là do hấp thu được lối tư duy logic của các nhà khoa học phương Tây trong suốt những năm học ở Australia, còn nguyên nhân sâu xa là do kết hợp với khả năng sáng tạo vốn có của người Việt Nam.
> Nhà khoa học Việt ở Australia tạo bước đột phá sinh học

Cao Đình Hùng tại thư viện của trường USC. Ảnh tác giả cung cấp.

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông của Australia và Việt Nam đã đưa tin về việc sáng chế ra các hạt nhân tạo "kiểu mới" lần đầu tiên trên thế giới để sản xuất các giống cây thân gỗ trồng rừng của một nghiên cứu sinh người Việt sắp tốt nghiệp đại học USC, Australia. Tác giả của công trình nghiên cứu - Cao Đình Hùng, 37 tuổi - viết bài chia sẻ về thành công này.

Hạt nhân tạo "kiểu mới" này đã vượt qua được những khuyết điểm của tất cả các loại hạt nhân tạo truyền thống đã và đang tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời cho phép cắt giảm được một số bước khó khăn và quan trọng trong vi nhân giống thực vật ở cả 2 giai đoạn ống nghiệm và vườn ươm.

Nguyên nhân của bước đột phá khoa học này bắt nguồn chủ yếu từ các bậc học của Hùng ở Australia. Hùng cho rằng nguyên nhân vượt rào là do hấp thu được lối tư duy logic của các nhà khoa học phương Tây mà Hùng đã có cơ hội được nghiên cứu chung trong suốt nhiều năm ở Australia, còn nguyên nhân sâu xa là do sự hy sinh đời tư của mình kết hợp với khả năng sáng tạo vốn có của người Việt Nam.

GS Helen Wallace, PGS Stephen Trueman, PGS David Lee và TS David Walton của trường USC, cùng nhiều chuyên gia Australia nổi tiếng là những người thầy đáng kính và tâm huyết đã trang bị cho Hùng những phương pháp tư duy tuyệt vời. Quan trọng không kém là phải kể đến các Giáo sư hướng dẫn luận án Thạc sĩ cho Hùng trước đây (đó là Krystyna Johnson và Margaret Burchett) đã chỉ dẫn Hùng cách xây dựng một số kỹ năng tư duy logic ban đầu.

Chẳng hạn, khi Hùng nghiên cứu đề tài Thạc sĩ về vi nhân giống cây dược liệu wasabi có nguồn gốc ở Nhật Bản, hai vị Giáo sư này đã khuyên Hùng cố gắng kết hợp việc chiết tách chất hoạt tính Allyl isothiocyanate của cây wasabi, một hợp chất được sử dụng trong công nghệ hóa thực phẩm và y dược như chữa bệnh ung thư, hen suyễn và tụ máu.

Việc chiết tách chất dược liệu quan trọng này của cây wasabi ở cả 2 giai đoạn in vitroex vitro đã khó, nhưng các Giáo sư còn muốn Hùng tìm cách cải biến hợp chất này, vì cho rằng Hùng là người có khả năng làm được việc đó. Cuối cùng Hùng cũng đã thành công việc cải biến gia tăng được hàm lượng chất Allyl isothiocyanate bằng phương pháp “gây đột biến”. Công trình chiết tách chất dược liệu này của Hùng đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế In vitro Plants.

Có lẽ nhờ biết cách tư duy logic mang tính hệ thống để đạt được những kết quả nghiên cứu có chất lượng như vậy mà Hùng đã tốt nghiệp Thạc sĩ với hạng "First Class" tại Đại học Công Nghệ Sydney, và sau đó cùng với sự hỗ trợ của nhà nước Việt Nam nên Hùng đã được nhiều trường đại học danh tiếng ở Anh gửi thư mời sang làm Tiến sĩ. Tuy nhiên, Hùng đã chọn trường USC, một trong những trường có thế mạnh hàng đầu của Australia về lĩnh vực lâm nghiệp, và phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu của mình hơn để sau này mới hy vọng cống hiến được nhiều cho đất nước.

Hùng nghiên cứu Tiến sĩ về đề tài sản xuất hạt giống cây thân gỗ bạch đàn và gụ để phục vụ công tác gây dựng và bảo vệ rừng ở hai nước Việt Nam và Australia. Bạch đàn là cây bản xứ của Australia, còn gụ là cây bản xứ của châu Phi đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do khu phân bố bị thu hẹp dần và nạn khai thác gỗ quá mức. Hai loại cây này đang được Australia ưa chuộng và có tiềm năng lớn trong việc trồng rừng ở Việt Nam, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác có lợi sau này giữa hai chính phủ.

Theo trích dẫn từ tờ báo Sunshine Coast Daily của Australia, đề tài nghiên cứu của Hùng nằm trong sự hợp tác liên kết giữa trường USC, chính phủ bang Queensland, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Australia (CSIRO) và hai công ty lâm nghiệp ở Australia.

Công nghệ hạt nhân tạo "kiểu mới" do Hùng sáng chế đã cho phép mỗi năm sản xuất được khoảng 10 triệu hạt nhân tạo bạch đàn lai, và 6 triệu hạt nhân tạo cây gụ từ một hạt thật ban đầu của mỗi loại cây, để có thể đem gieo trồng trực tiếp tại vườn ươm hoặc lâm trường, nhằm phục vụ cho việc chọn dòng ưu việt, mở ra một tiềm năng to lớn cho ngành lâm nghiệp và môi trường.

Hùng gần như đã dành hết tuổi thanh xuân của mình cho việc nghiên cứu khoa học. Bản tin của trường đại học USC cho biết PGS.TS Stephen Trueman, người hợp tác nghiên cứu với Hùng về nhân giống cây bạch đàn lai được xuất bản trên tạp chí Botany của Australia đã đánh giá Hùng là một nghiên cứu sinh xuất sắc, dành hầu hết thời gian của mình cho việc nghiên cứu khoa học tại các phòng thí nghiệm của trường.

Ngoài ra, Hùng còn giúp thẩm định các công trình khoa học do nhiều tác giả nước ngoài gửi đăng, bởi tính đến nay có khoảng 20 tạp chí quốc tế danh tiếng đã gửi các bản thảo cùng chuyên ngành để nhờ Hùng thẩm định giúp. Năm 2009, Hùng có công trình được nhà xuất bản Bentham Science Publishers, Mỹ, vui mừng nhận đăng thành một chương sách, nhưng ngay sau đó Hùng đã kịp gửi thư xin rút lui chương sách này, bởi vì trong đó có chứa một số ý tưởng hay mà Hùng muốn tiếp tục theo đuổi riêng để có thể tạo ra được những bước đột phá như ngày hôm nay - đó cũng chính là phương châm "sống đẹp" của Hùng.

Cao Đình Hùng

Sưu tầm từ vnexpress