Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Xốc lại đội ngũ các nhà khoa học VN tại Nga

Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 3 2012, 10:24
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - Với hơn 20 năm tồn tại, với “quân số” hiện có khoảng hơn 100 nhà khoa học đã và đang hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu tại Nga, Hiệp hội KHKT VN cung cấp thêm một nguồn chất xám quí báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Các thành viên Hiệp Hội KHKT chụp ảnh lưu niệm cùng một số đại biểu, khách mời 
 

Chiều 4.3, Hiệp hội Khoa học kĩ thuật VN tại Nga tổ chức buổi “Gặp gỡ đầu Xuân 2012” tại hội trường Đại sứ quán VN tại thủ đô Mátxcơva. Tới dự có các nhà khoa học VN đang công tác tại LB Nga; các nghiên cứu sinh; sinh viên, đại diện các Hiệp hội cộng đồng khác cùng các cán bộ Đại sứ quán.

 

Như Đại sứ VN tại LB Nga Phạm Xuân Sơn nhấn mạnh: “…Các nhà khoa học VN tại LB Nga nói riêng là một nguồn nguyên khí quốc gia cần được quan tâm, bởi đất nước đang rất cần họ…”,  Hiệp hội KHKT VN tại Nga tự hào về đội ngũ hùng hậu của mình, với tên tuổi của nhiều nhà khoa học, các vị giáo sư uy tín đã và đang giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng khắp LB Nga như:  GS Hoàng Xuân Bổng (người còn được mời đi giảng dạy tại nhiều trường đại học các nước khác), GS Nguyễn Văn Sĩ, GS Nguyễn Huy Mĩ…

 

Tuy nhiên, có một vấn đề khiến nhiều người vẫn rất băn khoăn. Đó là việc nhiều nhà khoa học VN tại Nga sau khi hoàn tất công việc nghiên cứu của mình lại lên đường trở về quê hương, khiến đội ngũ Hiệp hội có phần xáo động. Nếu nguồn chất xám này được huy động và sử dụng tốt và tiếp tục phát huy thì đã không có gì phải nói. Vấn đề là ở chỗ vị trí có được xếp đúng cho họ khi trở về nước không, khi thực tế đã cho thấy có không ít luận án được bảo vệ xuất sắc, các công trình nghiên cứu được đánh giá cao, nhưng khi về nước vẫn chưa thật sự được chú trọng…

 

Trước những ý kiến cho rằng thời gian qua hoạt động của Hiệp hội có phần trầm lắng, vấn đề củng cố đội ngũ Hiệp hội cũng đã được tập trung thảo luận thông qua những việc cần làm sắp tới  như: tổ chức Đại hội sớm; giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm về các công trình nghiên cứu khoa học; ra một trang web; tiếp tục in ấn tạp chí khoa học (trên cơ sở sẵn có của nhà xuất bản “Sáng tạo”, mà các bậc tiền bối trước đây như cố GS Nguyễn Văn Thạc… đã làm); mở rộng mạng lưới hội viên trong các trường đại học và đội ngũ nghiên cứu sinh; gắn kết hoạt động với các hiệp hội khác trong cộng đồng tại LB Nga, trên thế giới và với trong nước.

 

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)

Sưu tầm từ dantri