Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Lộ diện doanh nhân Việt Nam tậu thị trấn ở Mỹ

Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 4 2012, 14:11
gửi bởi YTSTNews
Doanh nhân đã thắng đấu giá thị trấn Buford là anh Phạm Đình Nguyên - tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM.
 >> Người Việt tậu thị trấn ở Mỹ bay từ TPHCM sang
 >> Hai người Việt mua cả một thị trấn ở Mỹ
 
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên - “thị trưởng” mới của thị trấn Buford.

Anh Nguyên đi cùng một người bạn bay từ TP.HCM sang Cheyenne (thủ phủ bang Wyoming, cách Buford khoảng 60km).

Anh đã vượt qua 25 người từ nhiều quốc gia trong một cuộc đấu giá nghẹt thở 11 phút, cũng được xem là dài nhất trong các cuộc đấu giá bất động sản ở Mỹ vốn chỉ mất khoảng 3 phút là nhiều.

Theo anh Nguyên, dù giá trị đấu giá chung cuộc 900.000 USD không phải là lớn “nhưng đây được xem là sự kiện được đông đảo báo giới quốc tế quan tâm do tính độc đáo của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này”.

“Một trong những hoạt động kinh doanh chính của IDS là phân phối, phát triển thị trường. Sở hữu một thị trấn như Buford là bàn đạp về mặt tinh thần để chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ những thương hiệu Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu những thương hiệu mới mà chúng tôi sở hữu” - anh Nguyên cho biết.

Khẳng định mình không phải là “đại gia”, anh Nguyên cho hay việc tìm đến cuộc đấu giá này diễn ra rất nhanh.

“Ý tưởng mua một thị trấn chỉ mới cách đây không đầy hai tuần khi tôi tình cờ đọc được tin trên báo mạng. Thành thật mà nói, tôi chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho thị trấn này. Nhưng một điều tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta không nên tự ti. Không có gì là không thể!” - anh Nguyên nói.

Anh Nguyên có bà con bên Mỹ hỗ trợ cho vay để mua thị trấn này. Hiện người nhà bên Mỹ của anh Nguyên chỉ mới đặt cọc 100.000 USD. Trong 30 ngày tới, người nhà của anh Nguyên sẽ phải chuyển tiếp 800.000 USD còn lại.

Ngoài ra, anh Nguyên còn phải trả thêm một số chi phí liên quan việc làm giấy tờ, phí môi giới...
 

3 cách để mua bất động sản ở Mỹ

 

Ông L.Đ.T. - doanh nhân sinh sống và làm ăn tại TP.HCM - cho biết ông có nhiều bạn bè mấy năm trước đã sang Mỹ đầu tư, mua đất làm trang trại. Một nhóm bạn khác mua nhà để cho con cái sau này sang học tập, sinh sống. Giá một trang trại trung bình ở Mỹ dưới 1 triệu USD rao bán cũng khá nhiều. “So với giá những lô đất của họ đã có ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), có những lô từng bán với giá 1,8 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng), biệt thự họ sống giá 40-50 tỉ đồng thì việc mua một trang trại vài trăm ngàn USD hoặc hơn 1 triệu USD không là chuyện quá lớn” - ông T. chia sẻ.

 

Theo ông T., có ba cách để mua bất động sản ở Mỹ mà bấy lâu nay các doanh nhân Việt Nam vẫn áp dụng.

 

Thứ nhất: lập công ty, có dự án đầu tư ở Mỹ, tiến hành làm thủ tục xin Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cấp phép, sau đó chuyển giấy phép này qua Ngân hàng Nhà nước để chuyển tiền sang Mỹ theo đúng mục đích đầu tư.

 

Thứ hai (khá phổ biến): doanh nhân Việt sẽ lấy “thẻ xanh” (green card) hay còn gọi là thẻ định cư và chuyển tiền theo nhu cầu. Có hai loại thẻ xanh: định cư hoặc đầu tư. Với trường hợp đi định cư, người định cư sẽ được mang tiền trong tài khoản sang Mỹ. Cá nhân người Việt sẽ nhờ luật sư tìm cơ hội kinh doanh ở Mỹ để đầu tư. Sau đó công ty ở Mỹ sẽ gửi hợp đồng hợp tác làm ăn và một hóa đơn yêu cầu chuyển tiền, cá nhân Việt Nam mang hợp đồng và hóa đơn này ra ngân hàng và chuyển sang Mỹ.

 

Theo ông T., cách đây 18 tháng, chỉ cần đầu tư 500.000 USD (hơn 10 tỉ đồng), trước kia là 1 triệu USD, sẽ được cấp “thẻ xanh” có thời hạn ba năm, sau đó gia hạn thêm ba năm nữa được bảo lãnh cho 10 người đi cùng. Sau ba năm làm ăn, chính quyền Mỹ sẽ xem xét lại tình hình kinh doanh và gia hạn thêm.

 

Thông thường cá nhân người Việt thường góp vốn, cổ phần với công dân Mỹ (gốc Việt), thường là bà con, lập công ty kinh doanh hoặc bất động sản ở Mỹ, dùng giấy phép của liên doanh này để chuyển tiền sang Mỹ.

 

Thứ ba: sẽ có đường dây chuyển tiền sang Mỹ không chính thức với phí vài phần trăm hoặc ít hơn tùy nơi.

 

 
Theo Tuổi trẻ
Sưu tầm từ dantri