Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Cậu bé 11 tuổi được thưởng nhờ hiến kế cho khủng hoảng nợ ch

Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 4 2012, 10:09
gửi bởi Zelda
(Dân trí) - Jurre Hermans, cậu bé 11 tuổi người Hà Lan, đã được thế giới biết đến với "giải pháp chiếc bánh pizza" để giải quyết khẩn cấp và triệt để cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
 
Ý tưởng của Jurre Hermans đã được thể hiện trong bài tham dự cuộc thi Wolf Economics Prize (Giải thưởng kinh tế Wolf).
 

Phương án giải cứu dựa trên nguồn cảm hứng từ chiếc bánh pizza của Jurre đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và quyết định lựa chọn để trao một phần thưởng đặc biệt trị giá 100 Bảng Anh, tương đương 128 Đô la Mỹ. 

 

Jurre Hermans hiện đang là học sinh vùng Breedenbroek phía Đông đất nước Hà Lan. Cùng với rất nhiều Nhà kinh tế hàng đầu Châu Âu khác, Jurre đã gửi bài dự thi gồm bản phác thảo kế hoạch giải cứu của mình kèm theo trang giải thích cụ thể nội dung của kế hoạch.

 

Jurre Hermans khoe bản vẽ kế hoạch giải cứu đã gửi tham gia Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp cho vấn đề khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung Châu Âu. (Ảnh: AP)

 

Giải thưởng Kinh tế Wolf được gây quỹ và được tài trợ bởi Doanh nhân, Thượng nghị sĩ người Anh, Lord Wolfson - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị quần áo thời trang mang thương hiệu Next. Được triển khai thực hiện bởi Policy Exchange (Anh), cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích tìm kiếm và trao giải thưởng trị giá 250.000 bảng Anh (tương đương 385.000 Đô la Mỹ) cho người có ý tưởng tốt nhất giúp giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu mà không làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu.

 

Cuộc thi đã thu hút khoảng 425 bài tham dự của rất nhiều nhà kinh tế, nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Được biết, đây là cuộc thi có trị giá giải thưởng lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau giải Nobel được trao hàng năm tại Na Uy.

 

Trả lời một cuộc phỏng vấn qua điện thoại sau giờ học, Jurre Hermans cho biết: Em đã  nảy ra ý tưởng sau khi xem tin tức trên một kênh truyền hình Hà Lan. Ông Julius Hermans, cha của Jurre, người đã giúp em dịch bài dự thi sang tiếng Anh, cho biết: Jurre không có tham vọng trở thành một nhà kinh tế hay làm việc trong các nghành liên quan đến kinh tế. Em không đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực kinh tế hay chính trị. Mong ước của em là được làm một công việc có liên quan đến động vật, ví dụ như giám đốc sở thú. Jurre thực sự chỉ bắt đầu suy nghĩ về vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu khi nó liên tục xuất hiện trên truyền hình và nhận được quá nhiều sự chú ý của các phương tiện truyền thông.

 

Trong bài dự thi của mình, Jurre đã phác thảo một kế hoạch hết sức ngắn gọn và rõ ràng giúp Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu mà không làm ảnh hưởng đến các nước khác thuộc khối này: Một quốc gia trong khối các nước khu vực đồng tiền chung Châu Âu, cụ thể như Hy Lạp, sẽ tiến hành tái sử dụng đồng Drachma, đơn vị tiền tệ trước đây của Hy Lạp. Theo đó, tất cả người dân Hy Lạp sẽ mang tiền Euro hiện có của mình đổi lấy đồng Drachma thông qua hệ thống máy đổi tiền tự động tại các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ tập hợp và gửi toàn bộ lượng tiền Euro đổi được cho Chính phủ Hy Lạp. Lượng tiền này được tập hợp lại và hình thành một khoản tiền lớn giống như một chiếc bánh pizza. Tiếp theo, chính phủ Hy Lạp có thể bắt đầu sử dụng lượng tiền này giống như một cái bánh pizza được cắt ra làm nhiều phần để chi trả tất cả các khoản nợ của mình. Bất cứ chủ nợ nào của Chính phủ cũng đều được nhận một miếng bánh pizza. Như vậy, sau đó lượng tiền Euro này sẽ tiếp tục quay ngược trở lại các ngân hàng và các công ty tại Hy Lạp.

  

Bản vẽ phác thảo kế hoạch giải cứu cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung Châu Âu của Jurre Hermans (Ảnh: AP)
 

Jurre cũng dự báo rằng: “Tất nhiên, khi triển khai kế hoạch này, người dân Hy Lạp sẽ cảm thấy không vui. Chắc chắn họ sẽ chọn phương án giữ đồng Euro thay vì mang đồng Euro ra đổi lấy đồng Drachma vì đồng Drachma này sẽ nhanh chóng mất giá”.

 

Để giải quyết vấn đề này Jurre gợi ý Chính phủ Hy Lạp áp dụng một biện pháp mạnh tay: “Nếu người dân Hy Lạp cố giữ đồng Euro (hoặc mang tiền đến gửi ở các ngân hàng ở các quốc gia khác như Hà Lan hay Đức) thì khi bị phát hiện ra người đó sẽ bị phạt gấp đôi so với khoản tiền mà họ đã giấu đi hoặc mang đi gửi ở các ngân hàng nước ngoài”.

 

Giải pháp mà Jurrer  đề xuất đã thu hút sự chú ý đặc biệt và sự đánh giá rất cao của ban giám khảo cuộc thi. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, bài thi của em đã không lọt vào Danh sách 5 người cuối cùng xuất sắc nhất. Theo quy định của cuộc thi, 5 người cuối cùng có bài thi được đánh giá là xuất sắc nhất mỗi người sẽ nhận được giải thưởng trị giá 10.000 Bảng Anh trước khi các giải thưởng chính thức được công bố và được trao vào ngày 5/6/2012. Tuy nhiên, để ghi nhận những cố gắng và nỗ lực của Jurre, các nhà tổ chức đã tưởng thưởng “Nhà kinh tế” trẻ tuổi này kèm theo một khoản tiền 100 Bảng Anh  (khoảng 128USD).

 

Phát biểu tại buổi họp báo công bố 5 người cuối cùng xuất sắc nhất của cuộc thi ngày 03/4/2012 tại London, Thượng nghị sĩ Lord Wolfson phát biểu: “ Tôi biểu dương và đánh giá cao tính thực tế và chất lượng của các bài dự thi. Điều đáng buồn nhất là nguy cơ một hoặc một vài quốc gia trong tương lai sẽ phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu không thể tránh được. Ý tưởng chứa đựng trong các bài dự thi này là những đóng góp vô giá để giải quyết vấn đề quan trọng của cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực. Tôi vô cùng biết ơn những người đã gửi phương án giải quyết đến cuộc thi và rất mong sẽ có cơ hội trao giải cho người xứng đáng vào mùa hè này”.

 

Nguyễn Đức Tính

Tổng hợp

Sưu tầm từ dantri