“Học trò không say mê, không chú tâm, người thầy sẽ không có cảm hứng để sáng tạo trong bài giảng. Nếu khơi đúng mạch tư duy của học sinh, người thầy sẽ giúp các em được tiếp cận, khám phá những vấn đề mới. Cái gì tự học sinh nói ra, các em sẽ dễ tiếp thu và khắc sâu hơn lời thầy giảng”, thầy Soa suy ngẫm.
Cuốn hút và hấp dẫn sinh viên bằng trí tuệ uyên bác và bằng cả tấm lòng tận tụy, yêu nghề, yêu học trò hết mực, Giáo sư Đặng Văn Soa luôn tự "làm mới" mình trong mắt học trò với phương châm “Chỉ có tri thức là không bao giờ chịu già" và bí quyết “Để trẻ mãi, mỗi ngày nên học một điều mới”.
Chính nhờ quan điểm đó mà mỗi giờ giảng của thầy luôn có những tiếng cười, những cánh tay tranh nhau phát biểu, những cuộc thảo luận thú vị. Một sự cộng hưởng đầy hứng thú giữa thầy và trò.
Đối với người thầy 47 tuổi Đặng Văn Soa, niềm vui lớn nhất trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy không phải chỉ là những công trình khoa học được công nhận, được đăng trên các tạp chí quốc tế mà trước hết là sự trưởng thành của các thế hệ học trò mà mình đã ra công dìu dắt.
Bởi theo thầy, những giảng viên trong môi trường sư phạm không chỉ là những nhà giáo bình thường mà còn là cầu nối, tiếp tục đào tạo ra nhiều nhà giáo cho nền giáo dục nước nhà. Nếu những thế hệ học trò của họ trưởng thành thì đồng nghĩa với việc nền giáo dục nước nhà sẽ có thêm cơ sở, nền tảng để phát triển. Vì thế với thầy Soa, “Hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy học trò ngày càng vượt mình”.
GS Đặng Văn Soa: "Mỗi nhà giáo phải là một kiến trúc sư giỏi để kiến tạo nên những mối quan hệ tốt trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ với học trò..."
PV: Thưa thầy, tại sao bất cứ một cụ già nào cũng nhắc đến người thầy của mình với một sự tôn kính đặc biệt, đôi khi là thần thánh hóa. Nhưng điều đó dường như lại đang mất dần trong tâm thức của những đứa học trò thời nay?
GS Đặng Văn Soa: Theo tôi thì thời xưa quan hệ thầy trò khác, thế hệ bọn tôi cũng khác và bây giờ, trong điều kiện xã hội thay đổi thì mối quan hệ ấy có khác đi, tuy nhiên vẫn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
Đạo đức nhà giáo, quan hệ thầy trò đi suốt chiều dài lịch sử theo tôi không mất đi mà đã có sự chuyển đổi. Đó là mối quan hệ gần gũi, nó không phải tình cảm cha con mà là mối quan hệ tiếp nối về tri thức. Sự phát triển của các ngành khoa học, của nhân loại đều phải dựa trên mối quan hệ ấy.
Những người thầy thời xưa được cả xã hội kính trọng bởi họ hội đủ tài năng và đạo đức. Không chỉ là những người truyền đạo học cho học trò, những người thầy còn dạy cho học sinh của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người. Bản thân những người thầy chính là những tấm gương sáng, là “mô phạm” để học sinh noi theo.
Người thầy ngày xưa luôn ý thức được vai trò “người dẫn đường” của mình và họ luôn tuân thủ những quy tắc đạo đức để có thể hoàn thành tốt vai trò của một nhà giáo dục.
Chính vì thế, một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, những người thầy được tôn sùng như những vị thánh, họ có uy tín, có tiếng nói, có ảnh hưởng trong xã hội và người thầy là một hình ảnh đẹp trong tâm thức của người Việt Nam.
Còn ngày nay do sự phát triển của xã hội, nên cái nhìn tôn thờ của học trò xưa đã chuyển sang tôn trọng của học trò ngày nay. Mối quan hệ thầy trò ngày nay là mối quan hệ tương tác nhiều chiều, cùng đưa ra vấn đề, cùng bàn luận và cùng kết luận. Vì thế có thể khẳng định tinh thần “tôn sư trọng đạo” trong tâm thức người Việt luôn chiếm vị trí rất quan trọng.
Tôi đã đi công tác nước ngoài rất nhiều và tôi thấy đây là nét nổi bật trong đạo lý thầy trò của người Việt.
Nói như vậy thì thầy nghĩ như thế nào về vấn đề, dù không phải là phổ biến nhưng đã xuất hiện đó là: thầy cô có hành động bạo lực với học trò, còn học trò hỗn láo với thầy cô?
Theo tôi thì chúng ta cần phải nhìn thẳng, nói thật về vấn đề này. Ở đây có ba khía cạnh cần đề cập đến.
Thứ nhất, trước khi nói về giáo dục trong trường học thì cần nói đến vấn đề giáo dục trong gia đình. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, muốn giáo dục trẻ tốt thì phải bắt đầu từ môi trường giáo dục trong gia đình.
Ngày nay có nhiều phụ huynh mang con đến trường học rồi coi như tạm thời hết trách nhiệm. Khi về đến nhà họ lại sử dụng những ngôn ngữ mà có thể gọi là “ngôn ngữ chợ búa” trước mặt trẻ, khiến các em bị ảnh hưởng.
Theo tôi thì người cha, người mẹ dù làm ăn nơi đâu, làm ăn như thế nào, nhưng khi về đến nhà vẫn cần giữ được nếp văn hóa hay còn gọi là nếp nhà. Nếp nhà có tốt thì nhân cách trẻ mới có thể hình thành tốt được.
Thứ hai là vấn đề từ phía nhà trường. Phải lưu ý môi trường giáo dục ở nhà trường lớn hơn so với môi trường giáo dục trong gia đình, bởi ở đây mỗi học sinh lại là một thế giới riêng. Vì thế đòi hỏi mỗi thầy cô, những người đứng ra tổ chức lớp học phải là những người thực sự có lòng yêu nghề, yêu học trò, phải là những tấm gương mẫu mực để học trò noi theo.
Năm 2001, đi công tác ở Thụy Sĩ và tôi đã được “mục sở thị” môi trường học tập của học sinh tại môt ngôi trường cấp II nơi đây. Thực sự tôi thấy rất ấn tượng!
Các em chỉ phải học văn hóa buổi sáng 3 tiếng. Buổi chiều các em được tự tổ chức các hoạt động tập thể như đi picnic, đi siêu thị có sự tham gia, chỉ dẫn của thầy cô. Cách làm ấy đã giúp trẻ được phát triển những kỹ năng sống, được trực tiếp tương tác với môi trường xã hội, rèn luyện tinh thần tập thể và giúp mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên thân thiện hơn. Theo tôi các nhà quản lý giáo dục cần nhìn nhận và học hỏi cách làm rất hay này của nước bạn.
Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh đó là sự “thương mại hóa” giáo dục. Một phần trách nhiệm của hiện trạng trên thuộc về quan niệm thương mại giáo dục. Đúng ra trong một lớp học, các em đều phải đóng học phí và đều được đối xử như nhau. Trừ những trường hợp các em có học lực yếu hơn thì các thầy cần để ý hơn.
Thế nhưng hiện tại chúng ta thấy, phụ huynh em nào “quan tâm” thầy cô hơn thì thầy cô sẽ “quan tâm” học sinh đó hơn. Những việc làm như vậy vô tình đã làm cho các em học sinh có cái nhìn khác về thầy cô và một phần cũng làm cho quan hệ thầy trò bị “thương mại hóa”.
Quan hệ thầy trò bị thương mại hóa còn biểu hiện từ việc mở lớp học thêm ồ ạt của các thầy cô giáo. Thậm chí, khi học sinh chưa muốn học mà các thầy đã mở lớp học thêm và bắt các em học.
Mặc dù biết là cuộc sống của các thầy cô giáo còn khó khăn, nhưng sự thái quá ấy sẽ làm cho suy nghĩ của phụ huynh học sinh có sự khác thường, rồi làm cho cái nhìn của học sinh đối với thầy cô của mình cũng có sự lệch lạc đi.
Vậy thì muốn giảm bớt hiện trạng này thì nhiệm vụ phải bắt đầu từ người thầy của những người thầy, nghĩa là từ môi trường giáo dục sư phạm trong hệ thống đại học và trên đại học?
Thực ra thì chúng tôi cũng chỉ là những cầu nối. Bởi vậy mà theo tôi thì dù người thầy của những người thầy, hay người thầy của những học sinh đều phải là những người toàn diện về ba khía cạnh: tri thức, đạo đức và nghiệp vụ sư phạm. Nếu thiếu ba tiêu chuẩn này thì một người thầy khó trở thành một người thầy tốt.
Một người thầy phải có năng lực trí tuệ để truyền thụ kiến thức, đặc biệt là thông tin cập nhật về khoa học để các học trò tiếp nhận. Bản chất của vấn đề dạy học là truyền đạt kỹ năng tư duy. Thầy giỏi phải có khả năng truyền kỹ năng tư duy tốt.
Ngoài niềm say mê phải giúp các em có thể tiếp cận, khám phá những cái mới. Gợi mở vấn đề để các em đi tiếp. Như vậy mỗi người thầy phải lao động cật lực một cách nghiêm túc để đáp ứng nhu cầu tìm tòi, khám phá của học trò.
Bên cạnh ấy thì người thầy giỏi còn cần phải có đạo đức tốt. Đạo đức ở đây thực chất là kỹ năng xử lý các mối quan hệ, và nói gọn lại là kỹ năng sống. Là một người thầy, ngoài nỗ lực chuyên môn còn cần chú ý đến ứng xử trong các mối quan hệ.
Quan hệ gia đình, bạn bè, thầy trò mình đều cần có những chuẩn mực riêng. Bởi vậy mới nói mỗi nhà giáo phải là một kiến trúc sư giỏi để kiến tạo nên những mối quan hệ tốt trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ với học trò.
Theo Tuần Việt