Cổ tích “Thân thiện”

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Cổ tích “Thân thiện”

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 13:54

(Dân trí) - Tháng 7/2006, ngay sau khi tiếp nhận cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa đầy một tháng, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đăng đàn kêu gọi cho Hai không. Hơn một năm sau đó, ông lại tiếp tục đăng đàn. Nhưng lần này là kêu gọi cho “hai có”.
Nếu “Hai không” là “Không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” thì “Hai có” chính là: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Dư luận nhìn nhận về hai lần đăng đàn kêu gọi này của người đứng đầu Ngành giáo dục như là một “chiến dịch” hợp lý và nhịp nhàng giữa “chống” và “xây”.
 

Niềm vui của mọi trẻ em là được học trong môi trường thân thiện
 
Từ một giấc mơ bị lãng quên…
Tại Khu di tích Đền thờ Chu Văn An, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Trường học thân thiện học sinh tích cực” sẽ phối hợp cùng Đài truyền hình VNtổ chức chương trình “Ước mơ dưới mái trường thân thiện ” giao lưu với các tập thể và cá nhân xuất sắc của phong trào thi đua này.
 
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên VTV2 lúc 20h ngày 22/8/2009, được tiếp sóng trên kênh VTV4 và phát lại trên VTV1 sau 1 tuần. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức có truyền hình trực tiếp nhân dịp khai giảng năm học mới, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9/2009.
 
Thực ra, xây dựng Trường học thân thiện đã là mô hình trường do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đề xướng từ những thập kỷ cuối của thế kỷ trước, và đã được triển khai có kết quả tốt ở nhiều nước trên thế giới. Mô hình này không hoàn toàn là mới đối với Việt Nam.
 
Từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, với triết lý “đời sống học đường là cuộc sống thực của trẻ em ngay ngày hôm nay, là thời hiện tại chứ không chỉ chuẩn bị cho tương lai”, nên phương châm “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” đã được phổ biến và áp dụng ngay từ những ngày đó. Nhưng chỉ được vài năm thì nó bị lãng quên.

Năm 2008, trong không khí khá căng thẳng của việc “nói không với bệnh thành tích và tiêu cực” trong toàn ngành, người đứng đầu ngành giáo dục đã đánh thức giấc mơ này trở lại với hy vọng nó sẽ như một “liều thuốc thần” tiếp thêm sức mạnh cho “cuộc chiến” Hai không.

Khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho Vụ Công tác học sinh sinh viên, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học và Dự án THCS II gánh vác trách nhiệm biến giấc mơ này thành làn sóng rộng khắp trước hết cho tất cả các trường tiểu học và THCS trong toàn quốc trong năm học 2008 - 2009, rồi sau đó sẽ“lan tỏa” tất cả các trường phổ thông cho tới năm 2013.
 

Hơi thở của trường học thân thiện sẽ xua bớt nhọc nhằn của giáo dục vùng cao...

Ngay khi được “đánh thức”, trường học thân thiện của ngày mới có thêm 2 điểm mới so với ngày cũ  là đẩy mạnh việc “chơi mà học” trong nhà trường và mỗi trường học là một địa chỉ nhận chăm sóc công trình văn hóa, lịch sử và được hầu khắp các trường học trên cả nước hào hứng đón nhận. Mỗi trường với mỗi sự sáng tạo khác nhau đã làm thêm cho giấc mơ này ngày càng trở nên tươi mới và tràn đầy sức sống.

Chẳng hạn như từ tháng 4/2008, các trường học trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nằng) đã triển khai giới thiệu cho học sinh những giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của quận. Những buổi ngoại khoá, chào cờ đầu tuần… được nhà trường lồng ghép kể chuyện về tấm gương các danh nhân, anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của quê hương; giới thiệu các hình thức diễn xướng đặc trưng của xứ Quảng như hát bội, hô bài chòi, hát bã chạo…

Còn tại  trường THPT Phan Châu Trinh - được Sở GD&ĐT Đà Nẵng chọn để triển khai thí điểm phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã phát động trong học sinh tham gia dự thi làm đồ dùng dạy học sau các tiết học. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức một loạt hoạt động sáng tạo, phát huy trí tuệ và năng lực hoạt động của học sinh như thuyết trình, lập báo cáo, làm mô hình kỹ thuật, viết phần mềm tin học, sáng tác thơ văn… Các tổ bộ môn cũng giao một số đề tài nghiên cứu nhỏ cho học sinh thực hiện như: sưu tầm tranh ảnh, tài liệu theo chủ đề… Để tạo thêm sân chơi cho học sinh, tuỳ vào sở trường của mình, các em có thể tham gia các CLB Lý, Hoá, Sinh, Thiên văn,  Kỹ thuật…

Tại nơi thâm sơn cùng cốc như Nà Hang (Tuyên Quang), hơi thở của trường học thân thiện dường như xua bớt  nhọc nhằn, gian nan của sự học vùng cao. Cũng nhờ phong trào này, năm học 2007-2008 có 210 học sinh bỏ học thì năm nay đã giảm xuống còn 87 em (trong đó không có học sinh tiểu học); năm học 2007-2008, toàn huyện có trên 10% học sinh yếu kém, đến năm học 2008-2009 con số này chỉ còn hơn 5%; tỉ lệ học sinh lên lớp đạt trên 90%...

…đến tâm sự của một thầy giáo già
 

Đó phải là nơi các em được ươm mầm những khát vọng cháy bỏng của đời mình…

“Ngày hôm qua, tôi có dịp trao đổi với một số thầy cô giáo trẻ, tôi được biết có những thầy cô không mấy quan tâm về chủ trương này. Tôi được nghe nhưng câu đại loại “Chẳng lẽ lâu nay trường học ta chưa thân thiện ?”, “Trường học thân thiện là gì ?”.

Đó là tâm sự của thầy giáo già Lê Như Thuyết, trường THCS Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng). Tiếp tục chia sẻ những nhiệt huyết về giấc mơ trường học thân thiện, ông viết:

“Dẫu không muốn nhưng chúng ta phải nhìn thấy một thực tế này: Trường học chúng ta lâu nay chưa thân thiện hay chí ít cũng không mấy thân thiện đối với học sinh. Một số trường học trở thành nỗi khốn khổ của thời thơ ấu các em. Tôi mơ hồ cảm nhận rằng : Nền giáo dục của chúng ta đang hình như còn nhồi nhét. Tôi không muốn nói đến khía cạnh quá tải của hệ thống kiến thức, tôi chỉ muốn nói đến việc chúng ta đang dùng quyền của phụ huynh, của thầy cô để áp đặt việc học cho học sinh. Một số thầy cô giáo và phụ huynh học sinh xây dựng cho học sinh những động cơ học tập bằng cách khêu gợi những ước mơ, những tham vọng cho học sinh bằng những địa vị xã hội, cuộc sống sung sướng, tiền bạc.

Hằng năm chúng ta sản xuất được bao nhiêu học sinh giỏi, chúng ta có được bao nhiêu giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, giải thành phố. Chúng ta an tâm rằng chúng ta đã làm việc hết lòng vì Tổ quốc . Chúng ta đòi hỏi học sinh của chúng ta phải chăm ngoan học giỏi. Điều đó là đúng , nhưng liệu chúng ta có lúc nào tự hỏi học sinh của chúng ta nghĩ gì ? thích gì ? Làm gì? Nhiều người cho rằng lũ trẻ con ấy ăn chưa no, lo chưa tới, để chúng nó làm theo ý thích của chúng thì “có mà đi… ăn mày”. Chúng ta buộc chúng làm theo ý của chúng ta.

Hãy nhìn lịch học của một đứa trẻ trong một ngày: Sáng học 5 tiết ở trường, chiều về học thêm hai ba “cua” chưa kể còn phải đi học võ, học đàn, học bơi… Thì giờ còn lại còn phải học bài, làm bài… Các em không có thì giờ dành cho riêng mình, làm những điều mình thích, thậm chí có em không biết mình thích gì (?).

Cần làm cho mỗi giờ học đem đến cho trẻ một niềm vui, một khám phá mới. Có như thế học sinh mới say mê học tập, kích thích những năng lực tiềm tàng trong các em. Rõ ràng là chúng ta đang đối mặt với một thực tế: trường học của chúng ta chưa thân thiện, chưa thân thiện đối với cả thầy và trò. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện.

Tôi quan niệm trường học thân thiện là một trường học mà giáo viên không phải đối phó, học sinh tìm được niềm vui ở đó, tìm được sự tin tưởng, tìm được tình bạn trong sáng, tình thầy trò cảm động, Nơi các em được ươm mầm, được chăm sóc và thực hiện những khát vọng cháy bỏng của đời mình… Với khả năng của một thầy giáo già tôi chỉ nói lên một cách thành tâm rằng chúng ta cần xây dựng một nhà trường thân thiện và những học sinh thực sự tích cực”.

Đoàn Trần

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến268 khách


cron