Vượt qua hàng chục km đường đất đỏ bazan, qua những triền đồi, những rừng cao su ngút tầm mắt, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Xuân Tý (làng Yên Trung, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) - tộc trưởng dòng họ Trương, người đang giữ bộ chiêng quý 9 đời để nghe ông kể về gốc gác dòng họ mình và những câu chuyện huyền thoại về bộ chiêng quý này.
Huyền thoại về bộ chiêng quý
Tương truyền, Gia tộc họ Trương ngày xưa ở làng Sẩm - Một làng quê thuộc khu vực phía Tây Bắc Nghĩa Đàn (giáp tỉnh Thanh Hoá) là dòng họ lớn, có tiếng tăm trong vùng, ông Tổ của dòng họ đã dựng Đình Sẩm làm nơi thờ tự. Theo luật tục, mỗi năm dòng họ làm lễ tế Tổ vào Rằm tháng Ba âm lịch. Đây là dịp con cháu trong dòng họ sắm sửa hương hoa quả vật dâng lên tiên tổ, hướng về nguồn cội của mình và trong ngày tế tổ, bộ chiêng quý được mang ra đánh để mời linh hồn người quá cố cùng về tụ họp…
Bộ chiêng đã có mấy trăm năm không ai biết, nhưng đến ông Tý là đời thứ 9 theo phả hệ. Con cháu dòng họ Trương từ trẻ đến già không ai là không biết đánh chiêng. Bộ chiêng gồm 4 chiếc, được đúc với kỹ thuật điêu luyện, trên mặt chiêng không có dấu búa dạt, màu đồng đã lên nước vàng bóng.
Chiếc chiêng cái có đường kính 46 cm, trọng lượng 3,5kg; chiếc chiêng hai có đường kính 44 cm, trọng lượng 3,7kg; chiêng ba có đường kính 41 cm, trọng lượng 2,6kg; chiêng tư có đường kính 36 cm, trọng lượng 1,4kg.
Bộ chiêng bốn chiếc này nhìn vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt so với những bộ chiêng khác của đồng bào dân tộc Thổ nhưng khi đánh lên, âm thanh của nó có âm vang khác lạ, độc đáo, lôi cuốn lòng người… Đặc biệt, chiếc chiêng Hai (chiếc chiêng thiêng trong bộ chiêng), được đúc dày hơn 3 chiếc còn lại, chỉ cần xoa nhẹ vào núm chiêng thì nghe có tiếng phát ra u…u như gió thổi, khi đánh có âm thanh vang như tiếng đồng.
Theo ông Tý cho biết, bộ chiêng này theo lời nguyền của dòng họ chỉ được dùng trong dịp tế Tổ, cưới xin trong nội tộc, dứt khoát không được sử dụng trong chuyện ma chay, và tuyệt đối không được đem ra khỏi phạm vi dòng tộc. Đến đời thứ tư thì lời nguyền được phá lệ, mỗi khi trong vùng có việc tang thì chiếc chiêng Tư được đem ra sử dụng với điều kiện: người hỏi mượn đến trình bày lí do, tộc trưởng (người giữ chiêng) bày lễ vật: cau, trầu, rượu, thắp hương, khất âm dương, nếu được sự cho phép của tiên tổ thì được mượn chiêng về. Đã có những người đến mượn chiêng nhưng gieo tiền âm dương đến lần thứ ba cũng không được đành phải chấp nhận tay không ra về.
Vốn quý của cha ông
Sau hàng trăm năm im lìm trong phạm vi nội tộc, người trong vùng chỉ biết đến bộ chiêng qua những câu chuyện huyền thoại được lưu truyền trong dân gian, năm 2005, bộ chiêng quý lần đầu tiên tham gia lễ hội làng Vạc. Đây là lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc Nghĩa Đàn tổ chức vào các ngày 7, 8, 9 tháng Hai âm lịch. Lễ hội diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc; trong đó, độc đáo nhất là liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số.
Năm 2005, trước đêm diễn ra lễ hội, cán bộ văn hoá địa phương đã đến tận nhà thuyết phục ông Tý dứt bỏ lời nguyền của dòng họ, đem bộ chiêng quý tham gia lễ hội để mọi người được chiêm ngưỡng, thưởng thức giá trị văn hoá của bộ chiêng cổ 9 đời của dòng họ Trương. Nhận thấy đây là dịp để bộ chiêng quý “ra mắt” du khách gần xa, nhằm tôn vinh giá trị dòng họ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, ông Tý bàn với anh em trong dòng tộc, làm lễ xin ý kiến tổ tiên. Thật kỳ lạ, 3 lần khất âm dương đều được chấp thuận và hương thắp trên bàn thờ tự nhiên cháy sáng. Mọi người cho rằng tổ tiên ủng hộ việc làm của họ. Từ lễ hội năm đó, bộ chiêng quý của dòng họ Trương được đem ra tham gia liên hoan cồng chiêng tại lễ hội làng Vạc cùng các lễ hội khác.
Cũng từ lễ hội, bộ chiêng được nhiều người biết đến, có nhiều người lặn lội hàng trăm cây số tìm đến để chiêm ngưỡng, tìm hiểu về bộ chiêng quý, cũng có những người ở mãi Lạng Sơn, Bình Định tìm đến nhà ông hỏi mua với số tiền mà đời ông không bao giờ dám mơ tới. Nhưng ông nhất quyết không bán vì “Đó là vật gia bảo của dòng họ Trương do tổ tiên để lại, con cháu đời sau phải giữ gìn, bảo quản, không được bán đi. Giá trị của bộ chiêng không thể tính bằng của cải, vật chất bởi đó là linh hồn của một dòng họ…”
Hiện, bộ chiêng đang được cất giữ cẩn thận trong tủ thờ nhà ông, thỉnh thoảng ông lại đem ra lau chùi với cả sự tỉ mẩn, trân trọng. Vào dịp lễ hội, tết Độc lập, rằm Trung thu, Tết Nguyên đán… hoặc nhà nào trong vùng có cưới xin, làm lễ mừng lúa mới, lễ cầu may… bộ chiêng quý được đem ra góp vui, tham gia cùng các tiết mục văn nghệ của bà con trong vùng…
Bộ chiêng quý 9 đời của dòng họ Trương với âm vang “Bồng…bồng..bi…bi…” quyện cùng khúc hát giao duyên “Đu đu Điềng điềng” của người dân tộc Thổ mỗi dịp Tết đến Xuân về đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn giá trị văn hoá cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây bắc Nghệ An.
Bích Huệ
TTXVN