Đặng Vương Hưng sẽ tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Đặng Vương Hưng sẽ tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình

Gửi bàigửi bởi Zelda » 16 Tháng 7 2010, 14:26

Hôm qua, Bộ VH-TT tổ chức lễ trao tặng bằng khen cho báo Tuổi Trẻ và nhà thơ Đặng Vương Hưng vì những đóng góp trong việc sưu tầm, giới thiệu cuốn 'Mãi mãi tuổi 20' và 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm'. VnExpress có cuộc trao đổi với nhà thơ Đặng Vương Hưng - người khởi xướng cho sự xuất hiện của dòng nhật ký chiến tranh.

- Ông biết đến cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc trong hoàn cảnh nào?

- Trong quá trình đi làm báo, tôi nhận ra rằng có một khối lượng rất lớn những tư liệu về chiến tranh còn nằm trong dân. Đó là thư từ, nhật ký của những người lính từng tham gia chiến tranh. Cho dù họ còn hay mất thì những di vật của người lính luôn được gia đình và những người thân coi trọng và gìn giữ cẩn thận. Xuất phát từ thực tế này, tôi đã nuôi ý tưởng sưu tầm và giới thiệu những bức thư, những cuốn nhật ký đó để lớp trẻ ngày nay ý thức được sự tồn tại của một kho tàng di sản tinh thần quý giá của cha ông.

Tháng 6/2004, tôi gặp một nhà văn Mỹ tên là Andrew Carroll. Anh sinh năm 1970, là người chuyên sưu tầm những lá thư viết trong chiến tranh của lính Mỹ. Trong chuyến sang VN lần này, anh được nhà văn Benjamin F. Schemmer (Tác giả của cuốn Vụ tập kích Sơn Tây) giới thiệu đến gặp tôi và nhà văn Bảo Ninh. Trong cuộc gặp gỡ, Carroll có đề nghị với tôi về vấn đề trao đổi những tư liệu mà chúng tôi sưu tầm được. Cuộc chuyện trò này càng giúp tôi quyết tâm hơn trong việc thực hiện ý tưởng của mình.

Tháng 11/2004, tôi công khai bày tỏ ý định sưu tầm thư từ chiến tranh của mình trên báo An ninh thế giới và một số tờ báo khác. Khoảng tháng 3 năm nay, anh Nguyễn Văn Thục (anh trai anh Thạc) cung cấp cho tôi một số tư liệu về cuốn nhật ký của anh Thạc. Sau khi đọc hết cả cuốn nhật ký tôi cho rằng đây là một tư liệu có thể xuất bản được.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

- Trong quá trình sưu tầm và giới thiệu cuốn sách, ông đã gặp phải những khó khăn như thế nào?

- Đầu tiên là việc thuyết phục gia đình và những người thân của anh Thạc cho xuất bản cuốn sách. Khi tôi đưa ra đề nghị này với chị Như Anh, chị đã khóc rất nhiều và rất lâu. Tôi hiểu tâm trạng của chị bởi cuốn nhật ký liên quan tới những tình cảm riêng tư, tới mối tình đầu trong sáng của hai người. Sau khi phân tích về những giá trị to lớn mà cuốn nhật ký có thể tạo ra đối với cộng đồng, gia đình anh đã cho phép công bố cuốn nhật ký.

Thứ hai là việc đặt tên cho cuốn sách. Ban đầu chúng tôi đưa ra rất nhiều cái tên khác nhau. Gia đình anh Thạc đề nghị lấy tên là Nhật ký chuyện đời Nguyễn Văn Thạc nhưng tôi vẫn chưa tâm đắc lắm. Sau một đêm trằn trọc, tôi nghĩ ra được cái tên Mãi mãi tuổi 20 và tiếp tục thuyết phục gia đình anh thuận theo cái tên này.

Ngoài ra, chúng tôi còn gặp một số trở ngại trong việc xuất bản cuốn sách vì NXB thật sự không mặn mà gì lắm với những cuốn sách về chiến tranh trong thời điểm hiện nay. Lần này tôi vừa "thương thuyết" vừa "áp đặt", vì tôi biết tôi có sự đảm bảo chắc chắn là giá trị và sức hấp dẫn không thể phủ nhận của tác phẩm.

- Hiện tại, ông có tới hơn 30 cuốn nhật ký và khoảng 20.000 lá thư tình thời chiến khác. Điều gì khiến ông chọn nhật ký Nguyễn Văn Thạc là tư liệu được công bố đầu tiên?

- Trước hết bởi cuốn nhật ký này là của một học sinh giỏi văn, điều này thể hiện rõ ở văn phong của Nguyễn Văn Thạc. Có những trang nhật ký viết như là thơ văn xuôi vậy. Thứ nữa là cuốn nhật ký có đề cập đến một mối tình lãng mạn trong trắng của những con người thời bấy giờ. Một mối tình mà người con trai chỉ dám thơm nhẹ lên má của người yêu để rồi sau đấy cứ phải day dứt, ân hận mãi.

Ngoài ra còn có một nguyên nhân mang tính chất riêng tư là anh Thạc từng đóng quân 4 tháng trời tại làng Tân Trung, Tân Yên, Bắc Giang - ngôi làng nơi tôi sinh ra.

- Ông có thể nói rõ hơn những đánh giá của minh về chất văn học của cuốn nhật ký?

- Có thể nói, Mãi mãi tuổi 20 hấp dẫn một phần vì chất văn học của nó. Là một học sinh giỏi văn, những trang viết của Nguyễn Văn Thạc vừa có chất lãng mạn, anh hùng của văn học Nga Xô viết, vừa có sự thâm trầm, uyên bác của lối suy nghĩ phương Đông trong văn học Trung Quốc. Cái hay trong nhật ký của anh còn bộc lộ rõ ở tính khát vọng, tính lý tưởng, thể hiện được hơi thở của thời đại và tâm trạng chung của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Ngoài ra cũng cần phải kể đến những ưu thế của thể loại nhật ký - một thể loại biểu hiện được một cách thật nhất những suy nghĩ và đời sống tình cảm của con người. Trong cuốn nhật ký, cũng có những đoạn anh Thạc rơi vào tâm trạng buồn, chán nản. Gia đình anh không muốn cho in những đoạn như thế nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ lại vì đó mới là con người thật của anh.

- Ông đánh giá như thế nào về giá trị tư liệu của cuốn sách và vai trò của nó trong việc làm tài liệu tham khảo cho các nhà văn trẻ hiện nay khi viết về chiến tranh?

fằa
Bìa cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

- Như tôi đã nói, cuốn sách hay chính là ở chất văn chương của nó. Đây là một tác phẩm văn học đẹp, hướng con người ta đến một cuộc sống đầy khát vọng, đầy mơ ước trong tương lai, cung cấp cho văn chương cái nhìn chân thực về lối sống, nếp nghĩ và những hành động của con người lúc bấy giờ. Cuốn sách chỉ ra rằng, đã có một thời con người ta sống như thế, suy nghĩ như thế, hành động và ước mơ như thế. So với Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm phong phú hơn về phương diện đời sống chiến trường, về sự khốc liệt của chiến tranh, về sự mong manh của kiếp sống con người trong bom đạn. Mỗi cuốn sách có một giá trị tham khảo khác nhau nhưng đều là những tư liệu rất quý, không chỉ với văn học nghệ thuật.

- Ông nhận xét gì về tình yêu của con người trong thời chiến được biểu hiện qua cuốn sách của Nguyễn Văn Thạc?

- Đây là một mối tình đẹp, vừa chớm nở, rất điển hình cho những tình yêu thời chiến. Ngày đó, anh lính nào ra trận hầu như cũng mang theo hình bóng một người con gái nơi hậu phương. Thậm chí người nào không có mối tình thật cũng phải tưởng tượng ra một mối tình giả nào đó. Những mối tình tưởng tượng này chính là một sự an ủi, một nguồn sức mạnh mà con người tự tạo ra để có thể vượt qua những gian khó, khốc liệt trong chiến tranh, như câu chuyện của chị Kim Cương trong cuốn Những lá thư thời chiến Việt Nam do tôi sưu tầm và giới thiệu, trong đó một người lính thầm yêu chị đã viết những bức thư đại ý rằng: Tôi biết em không yêu tôi nhưng em hãy cứ nhận là em yêu tôi bởi như thế tôi sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua đạn bom, gian khó của chiến trường. Trong chiến tranh, con người ta phải huy động mọi nguồn sức mạnh để vượt qua chính mình.

- Ông đánh giá thế nào về lý tưởng sống của thanh niên ngày nay?

- Có nhiều người nói rằng tuổi trẻ bây giờ sống không có lý tưởng. Tôi không nghĩ như thế. Chỉ có điều lý tưởng của thanh niên bây giờ khác hẳn với lý tưởng của thế hệ trẻ ngày xưa. Thanh niên bây giờ có mơ ước làm giàu, có mơ ước chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học, họ vẫn là chỗ dựa rất đáng tin cậy cho đất nước. Chúng ta có thể vẫn nghe thấy những tin tức trên đài báo về tệ nạn dung thuôc lắc, đua xe, ma túy trong giới trẻ nhưng đó chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Mãi mãi tuổi 20Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã cho thấy những gì đi từ trái tim sẽ đến với trái tim bằng sự đồng vọng của nhiệt huyết tuổi trẻ dù họ ở những thời đại khác nhau.

- Những dự định của ông trong việc phát triển dòng sách nhật ký chiến tranh?

- Tôi đang có khoảng 30 cuốn nhật ký và trên 20.000 lá thư từ chiến tranh. Khoảng 10 cuốn nhật ký có khả năng xuất bản. Tập hợp những bức thư có thể được làm thành một cuốn sách khoảng 4-5 tập hoặc một tuyển tập có dung lượng lên tới 2.000 trang.

Trước mắt, tôi sẽ tiếp tục giới thiệu cuốn Sống để yêu thương và dâng hiến của liệt sĩ Hoàng Kim Giao và Tài hoa ra trận của anh Hoàng Thượng Lân, một cuốn sách tôi cho rằng còn hấp dẫn hơn cả Mãi mãi tuổi 20.

Tôi vẫn tiếp tục theo đuổi công việc sưu tầm thư từ, nhật ký thời chiến của mình và hy vọng sẽ nhận được những thông tin quý giá của độc giả về địa chỉ dangvuonghung@hn.vnn.vn.

- Bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

- Nó như là một sự ghi nhận, tôi trân trọng sự quan tâm này của Bộ Văn hóa Thông tin nhưng điều quan trọng hơn với tôi là ý tưởng của mình đã được xã hội thừa nhận va lam dấy lên một phong trào thu thập và bảo tồn những di sản tinh thần quý báu còn ẩn dấu trong nhân dân. Đó là điều có ý nghĩa hơn cả đối với tôi.

Lưu Hà thực hiện

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến161 khách


cron