Phim truyền hình dài 30 tập về nghề marketing (FPT Media sản xuất) bị nghi ngờ đã copy ý tưởng từ kịch bản phim đề tài thị trường chứng khoán mang tên 'Phiên chợ số' (Vietbooks và TFS sản xuất).
Ngày 25/8, ông Lê Trần Trường An, tổng giám đốc Vietbooks - đơn vị đầu tư kịch bản phim Phiên chợ số đã gửi công văn tới ông Huỳnh Văn Nam - Tổng giám đốc Đài truyền hình TP HCM, nêu ra những nghi ngờ về việc đạo diễn Trần Cảnh Đôn sử dụng kịch bản gốc Phiên chợ số để chế tác kịch bản phim Sóng gió thương trường.
Một cảnh trong phim 'Sóng gió thương trường' của đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Ảnh: FPT media. |
Từ ngày 26/4/2007, tại phiên giao dịch bản quyền đầu tiên ở VN đã diễn ra lễ công bố ký kết giữa công ty Vietbooks, hãng phim TFS và ông Trần Đắc Sinh (Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM) về việc bảo trợ cho bộ phim truyền hình dài 30 tập có tên Phiên chợ số. Kịch bản phim này được giao cho nhà văn Nguyễn Thu Phương viết và Trần Cảnh Đôn làm đạo diễn. Nhưng tháng 5/2008, đạo diễn Trần Cảnh Đôn thỏa thuận ngưng hợp đồng với TFS.
Tháng 6 năm nay, FPT Media mời Trần Cảnh Đôn về làm đạo diễn phim Sóng gió thương trường (tác giả kịch bản Quách Thùy Nhung - Nguyễn Vũ). Hiện tại, phim này đã quay xong 30 tập, đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện phần hậu kỳ. Còn Phiên chợ số sắp sửa khởi quay. Khi biết thông tin về việc Trần Cảnh Đôn làm bộ phim, qua tìm hiểu riêng, Vietbooks đặt vấn đề nghi ngờ: "Có phải đạo diễn Trần Cảnh Đôn đã sử dụng kịch bản gốc Phiên chợ số để chế tác kịch bản phim Sóng gió thương trường hay không?".
Giấy chứng nhận kịch bản phim 'Mùi vị thương trường' (tên ban đầu của "Sóng gió thương trường") đã được đăng ký bản quyền. |
Lý do của nghi ngờ này là trong thời gian còn hợp tác với nhau, tại các cuộc gặp trao đổi ý tưởng và sơ đồ nhân vật của bộ phim, kể cả việc đi tìm hiểu thị trường chứng khoán TP HCM, Vietbooks khẳng định ông Trần Cảnh Đôn đều có mặt. Trong suốt thời gian triển khai kịch bản, công ty này đồng gửi kịch bản cho TFS và Trần Cảnh Đôn. Do đó, ông Đôn đã tiếp xúc với Phiên chợ số từ ý tưởng ban đầu cho đến khi kịch bản hoàn chỉnh.
Bà Ngô Hoàng Giang, người biên tập kịch bản Phiên chợ số, cho biết kết quả thẩm định ban đầu của bà cho thấy nhiều điểm giống nhau giữa hai kịch bản này.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Cảnh Đôn đã bác bỏ những thông tin nghi ngờ. Đạo diễn này cho rằng kịch bản Sóng gió thương trường ra đời trước Phiên chợ số.
Để rộng đường dư luận, VnExpress.net trao đổi với ông Đoàn Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc sản xuất FPT Media về vụ việc: - Xin ông nêu rõ thời điểm FPT Media tiếp xúc với kịch bản "Sóng gió thương trường"? - Khoảng tháng 8, tháng 9/2007, FPT Media tổ chức một khóa đào tạo viết kịch bản cho các cây bút trẻ, do anh Phạm Thùy Nhân và Đào Bá Sơn đứng lớp. Kế thúc khóa học, chúng tôi thu hoạch được nhiều kịch bản và trong đó có 3 kịch bản đạt chất lượng để làm làm phim là: Gõ cửa yêu thương, Những cuộc tình trắng đen và Bước chân hoàn vũ. Cả 3 kịch bản này đều đã được chúng tôi lập tức đăng ký bản quyền tại Cục bản quyền tác giả Văn học nghệ thuật. Riêng kịch bản Gõ cửa yêu thương sau vài lần thay tên, trong đó có tên Mùi vị thương trường, thì được đổi tên thành Sóng gió thương trường để nghe hấp dẫn hơn. - Giấy chứng nhận bản quyền của "Mùi vị thương trường" ghi tên tác giả là Đỗ Đăng Khoa, trong khi phim "Sóng gió thương trường" giới thiệu tác giả kịch bản là Quách Thùy Nhung - Nguyễn Vũ. Ông giải thích sao về sự khác biệt này? - Nguyễn Vũ chính là nghệ danh của tác giả Đỗ Đăng Khoa. Vì anh Khoa là người viết chính của kịch bản này, còn Quách Thùy Nhung chỉ viết kịch bản 10 tập phim, nên chúng tôi đăng ký bản quyền với tên anh Khoa. - Công ty Vietbooks nghi ngờ đạo diễn Trần Cảnh Đôn sau khi ngưng làm "Phiên chợ số" đã chuyển ý tưởng kịch bản của phim này sang "Sóng gió thương trường". Là đơn vị đầu tư và sản xuất, ông nghĩ sao về điều này? - Chúng tôi mua kịch bản Sóng gió thương trường một cách đơn phương, độc lập từ chính hai tác giả kịch bản trước khi kịch bản này đến tay anh Trần Cảnh Đôn vào tháng 6/2008. Nghĩa là chúng tôi đã nắm kịch bản trước khi mời anh Đôn làm đạo diễn. Thật ra, anh Trần Cảnh Đôn là người được chúng tôi thuê để làm đạo diễn cho phim. Anh ấy hoạt động chuyên môn trong một guồng máy và một êkíp, còn chúng tôi là nhà sản xuất độc lập nên không thể có chuyện đạo diễn tự ý "xỏ mũi", "dắt dây" hay thay đổi kịch bản đã được duyệt từ đầu để lái theo ý đồ của đạo diễn. Mọi việc đều theo trình tự đã được duyệt từ trước. Hồi tháng 1/2008, trước khi đưa kịch bản vào sản xuất, chúng tôi cùng lúc giao kịch bản cho 3 đạo diễn là Xuân Cường, Trần Quang Đại và Trần Cảnh Đôn để xem phù hợp với đạo diễn nào. Cuối cùng thì FPT Media hợp tác với Trần Cảnh Đôn vì hai đạo diễn kia bận các dự án khác vào thời điểm đó. Tôi chưa được đọc qua kịch bản Phiên chợ số nhưng cá nhân tôi nghĩ, một phim nói về va chạm của nghề tiếp thị trong bối cảnh biến chuyển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam và một phim về thị trường chứng khoán thì khó có thể giống nhau hoàn toàn về nội dung. Thật ra, đây là một sự việc mà các bên liên quan hoàn toàn có thể ngồi lại với nhau để trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra câu trả lời hợp lý nhất. |
Anh Vân