Ông được người yêu nhạc cả nước biết đến với các ca khúc trữ tình, mộc mạc như Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Thăm bến Nhà Rồng, Lời người ra đi... Nhạc sĩ Trần Hoàn đã có cuộc trò chuyện cùng báo Văn Hóa.
- Hiện nay, ông vẫn dành nhiều thời gian cho việc sáng tác?
- Thời gian này tôi khá bận nên công việc sáng tác bị hạn chế khá nhiều. Hơn nữa, tôi thấy vốn kiến thức về thực tiễn hiện nay của tôi còn nghèo nàn, vốn hiểu biết về công cuộc đổi mới của đất nước tuy có nhưng chưa sâu. Thêm vào đó, tuổi già cũng làm giảm sự bay bổng, thăng hoa của sáng tạo. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng dành thời gian cho sáng tác.
- Ông có nhận xét gì về xu hướng của nhạc trẻ hiện nay?
- Cái thiếu của các nhạc sĩ trẻ hiện nay là vốn sống nên đề tài nghèo, chỉ quanh quẩn với tình yêu lứa đôi nhưng lại không đi sâu và thường bị lặp lại gây nhàm chán. Một số người chạy theo đồng tiền đã sáng tác ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật kém. Nhưng tôi tin cái đúng, cái sáng tạo sẽ thắng, cái lệch lạc, sáo mòn, lai căng bắt chước sẽ bị loại bỏ vì chúng sẽ bị thực tiễn kiểm tra.
- Thưa nhạc sĩ, các bài hát ca ngợi về Bác Hồ từng là cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhạc sĩ, nhưng hiện nay thì đề tài này dường như không được đề cập tới nhiều?
- Theo tôi có lý do của nó: Thứ nhất, nhạc sĩ chưa thực sự dành cho đề tài đó một sự đầu tư cao và sâu. Thứ hai, là nếu chưa tìm hiểu một cách sâu sắc tình cảm của Bác đối với nhân dân và ngược lại, thì theo tôi khó có thể làm nên những tác phẩm mới về Bác làm xúc động lòng người. Đây sẽ là thử thách và là món nợ đối với các nhạc sĩ bây giờ.
- Vậy theo ông, các thế hệ nhạc sĩ đi trước phải làm gì để giúp đỡ thế hệ sau?
- Trước hết tự các nhạc sĩ trẻ tuổi phải có sáng tác về Bác tốt và hay hơn. Chúng tôi sẽ giúp đỡ họ về phương pháp nhìn và kinh nghiệm nghiên cứu.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Văn Hóa, 12/3).