Nguyễn Bình Phương với thói quen quan sát người điên

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Nguyễn Bình Phương với thói quen quan sát người điên

Gửi bàigửi bởi Theme Hunter » 16 Tháng 7 2010, 14:41

Độc giả yêu thơ nhớ đến một Nguyễn Bình Phương của những vần thơ mượt mà sáng tạo, gần đây lại bắt gặp anh đầy tính bứt phá trong cuốn tiểu thuyết "Thoạt kỳ thủy". Một nhà thơ và một nhà tiểu thuyết cùng hội ngộ trong tác phẩm của anh.

- Thường làm thơ thì khó viết tiểu thuyết bởi hai lối tư duy khác xa nhau. Anh nghĩ sao về điều này?

- Có lúc người ta nhớ tôi là nhà thơ, lúc lại gọi tôi là nhà văn. Tôi thường tìm được mạch viết trôi chảy, thông suốt và theo cảm nhận của riêng tôi thì người làm thơ viết truyện bao giờ cũng táo bạo. Trong cấu trúc tiểu thuyết thường có những đoạn buông lỏng, và ở những đoạn đó lại trở về với bản chất cố hữu của một anh làm thơ lãng đãng. Nhà thơ viết tiểu thuyết thường có dáng dấp của một kẻ lang thang.

- Với cuốn tiểu thuyết "Thoạt kỳ thủy", cấu tứ táo bạo và những "đoạn buông lỏng" như anh nói thể hiện như thế nào?

- Tư duy thơ thấm nhuần vào trang viết từ cách xây dựng nhân vật đến cách hành văn của tôi. Tôi thường cho phép mình lãng đãng trong những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật Tính. Thoạt kỳ thủy là một thế giới phức tạp của những người điên, nhưng điên như Tính mà cảm nhận "mắt chó vàng như trăng", "trăng đen sao mày dập dềnh tôi mãi không biết", cũng là một thứ điên của thơ. Và bài hát chạm vào cỏ trắng của người đàn bà điên cuối tác phẩm được nhà văn Hùng ghi lại cũng là một thứ thơ thánh thiện của kẻ điên.

- Trước khi xây dựng một thế giới người điên trong cuốn tiểu thuyết này, có ý kiến cho rằng anh từng sống trong trại tâm thần thì mới có thể viết thật như thế, anh nghĩ sao?

- Từ nhỏ, tôi đã hay quan sát người điên, vừa thấy sợ vừa thấy thích. Người điên có nhiều cái không thể giải thích, khó gọi thành tên nhưng dường như vượt qua ngưỡng của con người bình thường. Thực tế, tôi cũng chưa một lần vào trại tâm thần để quan sát họ nhưng khi cầm bút, tất cả những người điên mình đã gặp trên đường phố cứ tự nhiên hiện ra rất rõ nét. Và hình ảnh người điên trong cuộc sống và trong văn học bao giờ cũng có mẫu số chung.

- Trong "Thoạt kỳ thủy", hình ảnh trăng luôn xuất hiện trong những mảng ký ức của người điên, liệu có mối liên tưởng nào với những vần thơ trăng trong thơ điên Hàn Mặc Tử?

- Tôi nghĩ, đó là một liên hệ độc đáo mà khi viết tôi không hề nghĩ đến. Có điều, trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là trăng của một thi sĩ điên thuần khiết. Nhà thơ hướng tới trăng như hướng tới một khát vọng, còn trong tác phẩm của tôi, không có thứ trăng cao cả ấy. Đó là ánh trăng hắc ám, nhân vật luôn cảm giác bị nó đe dọa và hủy diệt.

- Hình ảnh con cú xuất hiện ở đầu và cuối truyện, dụng ý nghệ thuật của chi tiết đó là gì? 

- Con cú là một thế giới con vật tồn tại song song với thế giới con người nhưng nó không hề có sự biệt lập mà chồng khít lên nhau. Con cú sống trong thời gian 45 phút, thế giới con người là hơn ba mươi năm nhưng con cú bị bắn rơi trôi trên dòng sông thì Tính ra đời. Và ở cuối tác phẩm, con cú đã bị trọng thương nhưng cố vùng lên. Con người cũng thế, ở một góc độ nào đó chúng ta luôn bị tổn thương nhưng không thể tuyệt vọng, buông xuôi mà vẫn phải sống, phải yêu.

- Truyện của anh thường có những tứ lạ nhưng độc giả luôn có cảm giác khó hiểu, sau "Thoạt kỳ thủy", anh có định tìm một lối đi khác để chinh phục người đọc?

- Tôi thuộc tuýp người bảo thủ. Hoàn cảnh thường ít có sự tác động. Dù luôn có mặc cảm văn mình khó đọc nhưng tôi vẫn sẽ viết theo hướng đi mình đã chọn, viết bằng cách mình cảm nhận về cuộc sống. Tôi tôn trọng độc giả nhưng vẫn luôn trung thành với phong cách của mình.

- Anh có nghĩ chính sự bảo thủ ấy sẽ làm cho độc giả "ngán"?

- Viết văn là một sự giải tỏa. Tôi viết truyện này cách đây 10 năm khi chưa lập gia đình. Trong căn phòng nhỏ chật chội, tôi viết liền một mạch suốt đêm trong sự cô độc khủng khiếp. Có nhiều người không hiểu tôi viết gì nhưng tôi tin những người trong cùng tâm trạng ấy sẽ hiểu được những gì tôi muốn gửi gắm. Tôi bảo thủ nhưng không có nghĩa sẽ tiếp tục ép người yêu mến tôi thưởng thức một Thoạt kỳ thủy thứ hai. Không có sự sáng tạo, nhà văn sẽ tự tiêu diệt mình.

- Và tác phẩm tiếp theo anh sẽ trình làng là gì?

- Tôi đã viết xong nhưng vẫn chưa in. Cách đây vài năm tôi viết truyện ngắn Đi đăng trên Văn nghệ trẻ, gây ra một số hiểu lầm. Anh em trong cơ quan sau lần đấy khuyên tôi: thôi đừng "đi" nữa, phiền phức lắm! Tôi chặc lưỡi, không "đi" nữa thì "ngồi" vậy. Cuốn tiểu thuyết tôi đang hoàn thành có tên là Ngồi.

- Sang tuổi 40, anh đã được xếp là "chiếu trên" so với các cây bút trẻ, anh đánh giá thế nào về họ?

- Tôi cũng có đọc một số truyện của các cây bút trong Nam như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần. Tư viết có chất, mộc mạc và có nhiều lời văn đẹp còn Nguyễn Ngọc Thuần luôn tìm cách làm mới mình. Chỉ có điều, tôi cảm thấy họ vẫn thiếu một cái gì quyết liệt, táo bạo, chưa thể hiện hết mình. Điều quan trọng khi đánh giá một nhà văn là phải viết đều, các tác giả trẻ có nhiều truyện hay nhưng để gọi tên một phong cách riêng, tôi thấy vẫn còn thiếu điều gì đó.

Thu Hà thực hiện

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
Theme Hunter
 
Bài viết: 120
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 23:45


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến183 khách


cron