Bùi Thạc Chuyên - Tú Oanh vươn lên từ niềm đam mê

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Bùi Thạc Chuyên - Tú Oanh vươn lên từ niềm đam mê

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 14:43

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sớm ghi dấu trong lòng công chúng bởi những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo nghiêm túc. Tú Oanh được nhiều khán giả mến mộ, không phải bằng sắc đẹp mà bằng sự nỗ lực trong từng vai diễn. Họ đã cùng xây tổ ấm, hạnh phúc bên những đứa con yêu.

Thạc Chuyên - Tú Oanh.
Thạc Chuyên - Tú Oanh.

Bố mẹ làm xây dựng, nhưng họ muốn Oanh học y, vì tâm lý "mỗi một dòng họ nên có người làm nghề y để phòng khi đau ốm, bệnh tật", nên 3 năm học cấp 3, Oanh miệt mài "cày" các môn toán, hóa, sinh để "ứng thí" vào Đại học Y Hà Nội. Bất ngờ Oanh thi vào Sân khấu - Điện ảnh, chỉ vì "chiều" bạn gái. Lúc đó tiêu chuẩn chiều cao tối thiểu đối với thí sinh nữ là 1m55. Nhưng do thày giáo kiểm tra sức khỏe có cảm tình với Oanh, nên "phê": "1m54, còn lớn".

Oanh thú nhận: "Mình không phải là người có cá tính mạnh, sống khép mình, dễ tổn thương, dễ gục ngã". Thời sinh viên, Oanh đã hai lần "đo ván", có lẽ do sự "đỏng đảnh" của nghề.

Năm 1988-1990, sinh viên trường Điện ảnh thường bị chê trẻ quá, khó đảm nhận vai chính. Ra trường, nhóm bạn cùng lớp được nhận về Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhưng một đạo diễn thân tình khuyên Oanh: "Nếu về Nhà hát Kịch cháu sẽ thiệt. Vì ở đây toàn người to cao, cháu nhỏ bé sẽ bị hạn chế vai". Đạo diễn đã tư vấn và giới thiệu Oanh sang Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi có toàn người nhỏ bé giống Oanh như Minh Hằng, Ngọc Huyền, Lan Hương

Về Nhà hát Tuổi Trẻ, đức tính chăm chỉ, ham học hỏi đã giúp Oanh. Cơ hội đầu tiên là vai chính trong vở Trò đời của tác giả Nguyễn Khắc Phục. Vở diễn thành công, bước đầu Oanh tìm được chỗ đứng trên sân khấu.

Để đảm bảo cuộc sống, Oanh đã năng động tìm thêm nghề tay trái. Song song với công việc ở Nhà hát, Oanh xin vào làm trong một công ty nước ngoài. Khi công ty này hết dự án, Oanh lại xoay sang mở cửa hàng ảnh cùng Ngọc Huyền. Nhưng chỉ có ánh đèn sân khấu là giữ được chân Oanh lâu.

Sau nhiều thử thách, Oanh đã gây được ấn tượng với khán giả ở những vai hài, vai tính cách. Nhưng trên phim truyền hình, Oanh thường bị đóng khung ở những vai đào thương, có số phận nổi chìm. Có lần được đạo diễn mời quay minh họa karaoke. Trước ngày quay Oanh nghĩ lần này mình sẽ có cơ hội mặc quần áo đẹp, son phấn lộng lẫy, nhưng khi lên Bắc Giang, người chịu trách nhiệm phục trang lại đưa cho Oanh váy đụp và áo rách. Hóa ra, Oanh minh họa cho ca khúc Đò nghèo. Chưa kịp phàn nàn đạo diễn đã cười xòa: "Đó là cái dớp đấy, vai đầu tiên người ta thấy em mặc áo nâu đẹp, thì cả đời em sẽ phải mặc áo nâu".

Chuyện của Chuyên

Bố là nhà văn quân đội, cũng có chút năng khiếu văn chương, nhưng Bùi Thạc Chuyên là người tự lập. Lựa chọn đầu tiên của Chuyên không phải văn chương, cũng chẳng phải nghệ thuật, mà là Đại học Xây dựng. Có một sự sắp đặt kỳ lạ là cũng như Oanh, Chuyên thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh vì theo bạn. Vô tình, Oanh và Chuyên gặp nhau ngay từ lúc đăng ký thi, chỉ vì bạn gái đi cùng Oanh chơi với bạn trai đi cùng Chuyên.

Đỗ đại học và học cùng lớp với Oanh. Thời kỳ đó vai diễn dành cho Chuyên rất ít và chỉ dừng ở những vai phụ. Ra trường, Chuyên được nhận về Nhà hát Kịch Việt Nam vì to cao, phù hợp với dàn diễn viên của đoàn.

Trên sân khấu Nhà hát Kịch, Chuyên dần khẳng định được mình ở nhiều dạng vai. Nhà hát Kịch có rất ít vở, mà Chuyên lại không thích sự nhàn rỗi, nên quyết định thi đạo diễn. Thêm cái duyên nữa, một người bạn thân của Chuyên học khoa quay phim, khi làm bài thi tốt nghiệp, nhờ Chuyên viết kịch bản và nhân tiện làm đạo diễn.

Không ngờ bộ phim Nỗi buồn vĩnh cửu làm hộ ấy đã góp phần giúp bạn Chuyên tốt nghiệp xuất sắc khoa quay phim. Sau đó, phim tiếp tục được giải nhất cuộc thi của sinh viên trong trường. Hành trang bước vào nghề đã tạo cho Chuyên một niềm phấn khích lớn.

Chuyên là người nghiêm túc, đã làm là làm đến cùng, làm hết trách nhiệm. Với quan điểm: Không vội vàng, phải chắc, có thể chậm nên Chuyên làm phim nào là "ăn" phim đấy, từ phim video đầu tay Giọt nước mắt, đến 12A và 4H, Đức tin. Thời gian này, Chuyên tạm dừng xuất hiện trên sân khấu, về ăn lương Hãng phim truyện 1.

Rẽ sang phim ngắn, Chuyên cũng đạt thành công. Nỗi buồn vĩnh cửu, Cuốc xe đêm đã khẳng định bản lĩnh và tay nghề Bùi Thạc Chuyên. Chuyên đang ấp ủ hy vọng được làm phim nhựa do chính tay mình viết kịch bản.

Tình yêu giản dị

"Mắt chạm mắt" từ những ngày thi đại học, nhưng bước sang năm thứ hai Chuyên và Oanh mới "tay trong tay". Bạn bè biết chuyện ai cũng bất ngờ. Tình yêu đã giúp cả hai người "cùng tiến" trong học tập. Họ đã ý thức được hình ảnh của mình phải đẹp hơn trong mắt "đối tượng", nên điểm chuyên môn của mỗi người cao hơn rõ rệt, luôn trong top dẫn đầu lớp.

Khi nghề nghiệp có nhiều sóng gió, Chuyên đã "tư vấn" cho Oanh đi học mỹ thuật, không phải vì muốn vợ bước sang một ngả rẽ mới, mà chỉ đơn giản: "Thấy em đứng sau giá vẽ, anh rất thích, lúc đó trông em thật tự tin". Chỉ là những khích lệ giản dị, nhưng lại là bước chuyển lớn trong suy nghĩ, Oanh không còn rụt rè và thụ động như trước.

Chuyên làm đạo diễn, nhưng rất ít khi Oanh xuất hiện trong phim của Chuyên. Duy có một vai gây ấn tượng với khán giả, nhưng lại là ấn tượng xấu! Đó là vai người vợ chanh chua, ghê gớm của thày giáo Thi trong phim 12A và 4H.

Trong cuộc giao lưu với khán giả truyền hình, khán giả hỏi Oanh: "Ở ngoài nhìn chị hiền lành, sao lại đóng một vai ghê gớm như vậy?", Oanh dí dỏm đáp: "Có lẽ do chồng tôi là đạo diễn, nên anh ấy nhìn thấy tiềm ẩn ở trong tôi một sự ghê gớm nào chăng?".

Chuyên và Oanh luôn rạch ròi: Tình yêu không có trong công việc. Khi Chuyên làm phim, không nhất thiết vai chính phải "dành" cho vợ, còn Oanh: "Khi đọc kịch bản của chồng, thấy nhân vật chính là vai xinh đẹp trẻ trung thì biết là không có mình", nên chưa bao giờ Oanh mơ ước đóng vai chính trong phim của chồng.

Riêng có một phim Chuyên viết kịch bản dành riêng cho Oanh, đó là vai người vợ trong phim Bỏ vợ. Phim kể về cuộc sống của hai vợ chồng trẻ. Người chồng đi công tác xa, ở nhà vợ bị làm nhục. Khi chồng về lại nghĩ sự tình không phải như vậy, mà là vợ dan díu với người tình cũ. Cuối cùng, sau bao sóng gió mới tìm ra sự thật, nên chuyện "bỏ vợ" không thành. Chuyên thường đùa: "Bỏ mà không được". Còn Oanh thấy sự chịu đựng, nhún nhường của mình có ở trong tác phẩm của chồng!

Cả Chuyên và Oanh đều không muốn con trai mình tiếp xúc với nghề sớm. Oanh luôn muốn các con trưởng thành hồn nhiên như những đứa trẻ khác. "Đồ chơi" đặc biệt mà Oanh dành cho cậu con trai học tiểu học là cây đàn piano.

Theo Oanh, cây đàn chỉ là hành trang sống, giúp con khi buồn không có người tâm sự, chứ không phải "hành trang" vào Nhạc viện Hà Nội. Những hôm Chuyên và Oanh đi làm về, nhìn cậu anh ngồi chăm chú đánh đàn, cậu em 2 tuổi hồn nhiên nhảy bên cạnh, bao nhiêu mệt nhọc của công việc đều bị đẩy lùi

(Theo Tiền Phong)

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến253 khách


cron