Buôn Cô Thôn nằm cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột chỉ hơn 2 km về hướng bắc. Nét độc đáo ở đây chính là mô hình một buôn làng nằm ngay trong lòng thành phố. Ấn tượng đầu tiên khi tới Cô Thôn là sự ngăn nắp và sạch sẽ.
Có thể cho đây là một buôn vệ sinh và hiện đại nhất Tây Nguyên. Người dân địa phương có ý thức rất cao về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung cho cộng đồng. Những con đường trong buôn, các khu vườn, nhà được quét dọn chu đáo. Cô Thôn có 37 hộ với 260 nhân khẩu là đồng bào Ê đê sinh sống. Trước đây đồng bào sống chủ yếu nhờ tạm canh các loại cây lương thực và hoa màu. Sau này họ đã chuyển qua trồng cà phê, tiêu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. 100% số trẻ em trong buôn đều được đến trường. Tỷ lệ học sinh đỗ đạt các cấp học cao trong buôn ngày càng tăng.
Dù đời sống vật chất khá giả, hiện đại nhưng Cô Thôn vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của người Ê đê. Dọc theo con đường chính chạy dài từ đông sang tây có hơn 39 căn nhà, được xây cất vững chãi, khang trang, lợp ngói đỏ duyên dáng với những nét kiến trúc độc đáo đặc trưng của nhà sàn Ê đê. Trong buôn có những ngôi nhà tuổi đời vài chục năm, được làm bằng gỗ cà chít, giáng hương cứng chắc và bóng láng không thể mục mọt. Hầu như hộ nào cũng cất giữ và bảo quản cồng chiêng trong nhà một cách kỹ lưỡng, vì người Ê đê quan niệm cồng chiêng là vật thiêng liêng, là tâm linh của mình. Các loại nhạc cụ nhóm hơi như Ky Pá, Đùng Tác Ta, Đing Năm; nhóm dây như Kơ Ny, Brố; nhóm gõ: Kốk, Ching, Sar... vẫn được lưu giữ cẩn thận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đội nghệ nhân của buôn thường xuyên được ngành du lịch Đăk Lăk mời biểu diễn cho du khách thưởng lãm và được tán thưởng nhiệt liệt.
Cái hay, cái đẹp khác của Cô Thôn là dù nằm ngay ở lòng thành phố nhưng buôn vẫn còn bảo tồn được một khu rừng nguyên sinh 3 ha với nhiều loại động thực vật quý hiếm như cẩm lai, cà chít, giáng hương, kơ nia; chồn, sóc, gà rừng... Vẻ thơ mộng, êm đềm và không kém phần hoang dã, hấp dẫn của Cô Thôn cũng chính là nhờ khu rừng này tạo thành.
(Theo SGGP)