Tối qua, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, các nghệ nhân và đoàn nghệ thuật của 9 tỉnh Nam bộ đã cùng khai mạc những ngày văn hóa này. Không chỉ đơn thuần mang đến những phong tục tập quán đặc trưng, họ đã giới thiệu cả một nền văn hoá dân gian độc đáo và giàu bản sắc.
Nói đến văn hoá Khmer Nam bộ là nhắc đến hình thức tôn giáo gồm tín ngưỡng dân gian, Đạo Bà la môn và đạo Phật tiểu thừa. Với hơn 450 ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, trang trọng, uy nghi, chùa được coi là trung tâm văn hoá của đồng bào Khmer bởi đại đa số người dân theo đạo phật dòng tiểu thừa. Ở đó không chỉ lưu trữ kinh điển phật giáo mà còn là nơi tổ chức lễ hội, học chữ và học đạo lý làm người.
Người Khmer có rất nhiều dịp tổ chức lễ hội trong năm như Tết Chol Chanam Thmay (năm mới); Ok Om Bok (cúng trăng); Đôl Ta (cúng ông bà)... Nhiều lễ hội mang tính đặc trưng của văn hoá sông nước và núi rừng như đua ghe ngo, đua bò... Mỗi lễ hội mang một sắc thái ý nghĩa khác nhau nhưng để cầu mong có được một cuộc sống yên bình và tốt đẹp hơn.
Các chương trình hoạt động dự kiến diễn ra: Đua ghe ngo trên cạn; kéo co đẩy gậy; tết Chol Chnam Thmay; lễ hội cầu an; lễ hội Ok Om Bok; lễ hội chúc thọ; giao lưu văn hoá ẩm thực; Toạ đàm về văn hoá vùng dân tộc Khmer Nam bộ. |
Các hình thức sinh hoạt văn hoá của người Khmer cũng rất đa dạng. Sân khấu có nhiều loại hình từ đơn giản đến phức tạp như Roobăm, Yukê, Lonkhon... Còn tại các dịp vui chơi, tụ tập, người Khmer thường tổ chức múa. Trong quá trình phát triển, giao lưu với các dân tộc khác, người Khmer cũng đã hình thành, du nhập những nét văn hoá mới. Điển hình nhất là loại hình kịch nói với Lonkhon Cheat (kịch dân tộc) và Lonkhon Kâmpheng (hài kịch).
Nhạc cụ của người Khmer rất đặc trưng và phong phú. Nổi bật như dàn nhạc ngũ âm (Phlênh Pinpeat), đàn Choei, Trô Khse, trống Sayăm... Trong một dàn nhạc Phlênh Khse của người Khmer bào giờ cũng có các nhạc cụ như đàn Thôsô (đàn nhị trầm), Trô Ro lea (nhị trung), Khưm (đàn bán nguyệt), Krav (cặp phách bằng tre), Skor Phlênh (trống bịt bằng da trăn), Khloy (sáo trúc)...
Những ngày văn hóa Khmer tại Hà Nội kết thúc vào 30/10.
C.M.T