Là một trong những công trình nổi bật nhất, nhà tắm lớn Mohenjo - daro do nền văn minh sông Ấn để lại. Toạ lạc giữa vùng đất hoang nửa khô hạn thuộc tỉnh Sindh ở Pakistan, công trình là một kỳ quan độc đáo về kỹ thuật quy hoạch và thủy lợi có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 3 TCN.
Một thời, nền văn minh sông Ấn chiếm diện tích hơn 1.000.000 km2, và cũng là văn minh Thời kỳ đồ đồng lớn nhất thế giới, với nhiều thành phố phát triển mạnh từ năm 2500 đến 2000 TCN, có các mối quan hệ thương mại với các thành phố Mesopotamia ở phía Tây. Mohenjo-daro, hay "gò đất người chết", vốn là thành phố lớn nhất thuộc nền văn minh sông Ấn, nằm gần các con sông lớn để được phù sa bồi đắp qua các trận lụt hàng năm và thuận tiện trong vận tải đường sông, nhưng cũng có khoảng cách an toàn để tránh những đe doạ của sự ngập nước.
Mohenjo-daro ngày nay gồm hai gò, thành phố bên dưới và thành trì. Thành phố bên dưới hình thành một trung tâm định cư, với một hệ thống đường sá chia nhà thành khu vực. Các công trình đồ sộ, kể cả Nhà tắm lớn, bao quanh gò đất xây thành ở phía Tây.
Gần trung tâm gò đất xây thành là một phức hợp xây gạch bùn. Ở cạnh nam của công trình có hai ô cửa đi vào tiền sảnh hẹp ngó ra một sân trong hình chữ nhật có hàng cột, bên trong là Nhà tắm lớn. Ở cạnh đông, tám phòng nền gạch ở bên hông dãy cột một số trang bị máng dẫn nước. Ở phía bắc, các khoảng trống dẫn vào sân trong có dãy cột đỡ trần. ở một góc của khu phức hợp, một cầu thanh dẫn lên phía trên cho thấy lúc đầu vốn là tầng trên. Toàn bộ cách bố trí có vẻ dùng cho lễ hội trang trọng hay hành lễ.
Nhà tắm lớn hay chính các bể chứa không thấm nước có thể tích 12x7 m. Đổ đầy nước vào bể chứa quả là một công việc khó khăn, vì phải kéo nước từ các giếng lớn nằm ở mặt trong những phòng nhỏ phía đông, bể có thể tháo cạn bằng các ống dẫn có tay đỡ, một người có thể chui qua được ống dẫn này. Sự có mặt của một bể chứa như thế với dung tích 160 m3, đặt trên một bục đài vòng xây bằng gạch bùn cao 12m ngay giữa vùng đất hoang nửa khô hạn, khiến Nhà tắm lớn Mohenjo-daro là một công trình thực sự kỳ lạ.
Đá, gỗ rất hiếm, hầu như không có ở vùng đồng bằng ngập lũ của sông Ấn. Kết quả, người ta xây dựng nhà tắm lớn hầu như toàn bằng gạch, với các phòng chiều ngang qua chưa đến 4m, chiều dài tối đa của gỗ có sẵn. Tường không thấm nước của Nhà tắm lớn gồm ba lớp. Lớp ngoài cùng là một bức tường gạch, gia cố bằng nhiều trụ tường để chịu áp lực nước, cách ly với lớp bao bằng gạch phía trong bằng một lớp nhựa đường không thấm nước dày 3 cm. Các bậc thang rộng dẫn xuống nhà tắm ở hai đầu, trên mặt bậc thang lót gỗ đặt trong nhựa đường. Giếng cung cấp nước có hình trụ, xây gạch theo kiểu hình nêm cho phép phần thân giếng chịu được áp lực ở độ sâu 15m. Ống dẫn cũng xây bằng gạch, với mái vòm có tay đỡ bằng gạch.
Hệ thống chữ viết sông Ấn, nhận dạng lần đầu năm 1922, nhưng đến nay vẫn chưa được giải mã. Người ta biết rất ít về tổ chức xã hội hay các tín ngưỡng sông Ấn. Chức năng của thành Mohenjo-daro, cùng các công trình nằm trên đỉnh, cũng chưa sáng tỏ. Thế nhưng tính chất khác thường của nhà tắm lớn và sự hiện diện của một khối lượng nước như thế trên đỉnh một bậc đài vòng xây cao, làm nổi bật tầm quan trọng của công trình. Ngoài ra, các phòng tắm đèo có hầu hết trong từng ngôi nhà ở thành phố bên dưới, có khoảng hơn 700 giếng và hệ thống tháo nước phức tạp, chúng ta kết luận rằng điều này không chỉ là niền tự hào công dân đơn thuần. Ý nghĩa của nước ở Mohenjo-daro khiến người ta có nhiều liên tưởng về vai trò của nước trong các truyền thống tôn giáo quan trọng trong khu vực hiệnnay. Nước vừa quý giá vừa để tẩy uế - một năng lượng quan trọng đối với sự sống và sự chết.
(Theo 70 kỳ quan thế giới cổ đại)