Anh được phong là số một trong làng thời trang VN cùng những nhận xét "cá tính, độc đáo", "có sức ảnh hưởng đến đồng nghiệp", "là niềm tin hàng đầu về phục trang của giới nghệ sĩ"... Gạt ra ngoài mọi sự công nhận, nhà thiết kế tâm đắc điều duy nhất "đang sống thoải mái với công việc yêu thích".
- Anh nghĩ gì về 2 chữ cá tính mà người ta vẫn thường nói về mình?
- Nghĩa là người ta chưa hiểu tôi. Có thể như vậy là đúng, vì tôi chẳng bao giờ bộc lộ để người khác hiểu. Lúc đó, sẽ nhận một câu chung chung nhất "Công Trí là người cá tính". Nếu tôi lười biếng giải thích thì tôi sẽ chịu chữ "cá tính" đó, dùng như một cách khi không tự nói được về bản thân mình (cười).
Còn cá tính thực sự, theo tôi, nó nằm trong mỗi con người. Vấn đề, cá tính trong mắt người này khác, người kia khác và không ai có thể "kiểm soát" cá tính của mình cả. Tôi nghĩ "mình rất đẹp, rất hay ho" nhưng mà người ta nhìn nhận "không có gì hay cả" thì cũng phải biết chấp nhận.
Nhà thiết kế Công Trí. Ảnh: C.T. |
- Còn nhận xét "Công Trí cá tính trong thiết kế" thì sao?
- Con người luôn gắn liền với công việc. Công việc phản ánh con người. Tôi chẳng bao giờ trốn chạy điều đó.
- Anh hãy giải thích cụ thể câu trả lời của mình?
- Tối nghĩa là cá tính đấy (cười). Thực tế, có những khi người ta không hiểu hay hiểu hơn cái mình làm, hiểu tốt cho mình mà không phải là sự thật. Tất nhiên, đó là tích cực, nhưng cảm nhận cho công bằng thì điều đó đâu có nghĩa lý gì. Ví dụ, khi tôi làm theo bản năng, cảm tính bình thường, nhưng người khác nhìn vào nghĩ đến cái gì đó hay ho, cái gì đó ghê gớm lắm.
- Anh nói mình thiết kế theo bản năng. Anh nghĩ sao về việc hướng đến một ý nghĩa của trang phục ngoài việc nó phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của con người, hay gửi một thông điệp gì đó qua thiết kế?
- Sự thật đơn giản là quần áo không bao giờ triết lý một cái gì đó nặng nề. Nếu ai áp đặt triết lý nhiều vào thời trang thì đó là không tưởng. Một bộ áo quần chỉ đẹp khi con người ta cảm thấy tự tin với nó, chứ nó chẳng thể nói lên cái gì cao siêu cả, trừ trường hợp áp đặt. Một nhà thiết kế hăng say nói về sự gợi cảm, sexy, giải phóng phụ nữ... trong một chiếc áo, nhưng thực tế chính người phụ nữ mặc áo đó cảm thấy chẳng có gì cả thì cũng bằng không. Hay có những ý tưởng rất cao như "hướng về tính dân tộc", nhưng người xem chẳng thể cảm nhận nó có sáng tạo ghê gớm, thì tôi chẳng hiểu cái hay ở chỗ nào.
- Anh nghĩ thế nào khi nhìn ở khía cạnh trang phục cũng là một tác phẩm nghệ thuật?
- Đứng trước mọi việc, ngay cả khi nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật thì cứ để nó tự nhiên, đừng nên áp đặt. Sự gò bó, khuôn khổ, ràng buộc theo một đường hướng nào đó sẽ làm cho nghệ thuật không còn là nghệ thuật. Lúc đó nó chỉ phục vụ cho mục đích riêng tư mà thôi.
Cùng là tác phẩm nghệ thuật, trang phục khác bức tranh ở chỗ nào? Bức tranh độc lập, trang phục thì phụ thuộc vào cơ thể, cấu trúc con người. Bức tranh không treo lên tường thì để xuống đất, không thì để lên bàn... Còn trang phục thì không thể nói đẹp quá, ý nghĩa ghê gớm quá, nhưng không mặc được.
- Vậy theo anh vì sao người ta lại phải gán cho những thiết kế của mình một ý tưởng nào đó?
- Cũng dễ hiểu, dễ thông cảm cho những ý tưởng "vu vơ". Đơn giản người muốn xác nhận được đâu là chủ đích công việc của mình. Để nó hay ho, đẹp đẽ trước công chúng phải có một sự chủ quan nào đó của người làm. Nếu đem ra trình diễn một cách vô tư, thì áo quần chỉ là quần áo.
Theo quan điểm của tôi, một bộ áo quần chỉ có thể là tác phẩm nghệ thuật khi mình truyền cảm xúc cho nó, chứ không phải là lên gân lên cốt cho nó. Cảm nhận một điều gì đó rồi truyền tải bằng cảm xúc, tài năng cho ra sản phẩm, đó là nghệ thuật thực sự. Còn nếu làm ra sản phẩm rồi, mới hướng cho nó nghệ thuật, buộc mình nghĩ nó là nghệ thuật thì e rằng không còn giá trị nữa.
Tôi thấy ở Việt Nam thì luôn thích những chuyện đó. Một bộ sưu tập ra đời, nhà thiết kế nghĩ ra ý nghĩa, gán cái gì đó thật lên gân lên cốt, hay những cái hoa mỹ, bóng bẩy để người khác nhớ. Nhưng thực tế khi ra công chúng, người ta có thể thấy nó đẹp, nhưng không phải ai cũng cảm nhận được cái ý tưởng và bộ quần áo có liên quan gì với nhau.
- Anh nghĩ gì về quan điểm trang phục cũng là một một mặt của văn hóa?
- Đúng. Nhưng mặc một cái áo đẹp, người ta chỉ nói là "đẹp" chứ không thể nói rằng: "đây là văn hóa dân tộc". Giá trị này tồn tại ở chỗ nó là điều để nhắc nhở của người đi trước cho người đi sau. Người mặc làm gì có mong muốn trang phục của mình làm nên lịch sử. Còn với nhà thiết kế, chuyện "tôi may áo này lấy cảm hứng từ ý tưởng dân tộc để nói lên vẻ đẹp của người đẹp của người phụ nữ", nhưng cuối cùng người mặc chỉ thắc mắc mỗi chuyện "sao chỗ này đẹp, chỗ kia không đẹp" thì rõ ràng tuyên ngôn của anh ta là không có ý nghĩa.
Cái bên ngoài thì nên để nó là cái bên ngoài, cái hình thức thì nên để nó là cái hình thức, chứ không nên gán ghép lung tung. Trang phục phục vụ cho đời sống, nhu cầu giải trí, sở thích cá nhân... thì cứ để nó thể hiện đúng chức năng như vậy.
- Anh làm kinh doanh bên cạnh công việc thiết kế. Anh thấy thế nào về việc "ghép ý tưởng" cho trang phục với mục đích tiếp thị cho sản phẩm?
- Hiện tại thời trang Việt Nam đang bị tình trạng như vậy. Một bộ sưu tập được đưa lên báo phải có ý tưởng, phải có lời dẫn dắt cho người xem, chứ bản thân nhà thiết kế chẳng nghĩ ra được những ý tưởng ghê gớm.
Với những thương hiệu nước ngoài, người ta chỉ cần ghi là D&G, Versace... là đủ hiểu. Ở Việt Nam, tôi có thể ghi Nguyễn Công Trí mà không cần những dòng giải thích đi kèm. Nhưng hình như biên tập của báo cũng không đủ cam đảm để làm chuyện đó. Bởi vì người ta nghĩ đó là sự quảng bá cho một thương hiệu chứ không phải là giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật.
- Theo anh, sự gán ghép giữa ý tưởng và sản phẩm sẽ dẫn đến hậu quả gì?
- Các nhà thiết kế sẽ bị bệnh hoang tưởng. Thật ra, giá trị thực thì ai cũng hiểu.
- Anh cảm thấy sao khi mang suy nghĩ khác với đồng nghiệp?
- Nếu lạc lõng thì tôi đã không tồn tại. Tôi lấy ví dụ chuyện xay sinh tố. Khi người ta quẳng tất cả các loại trái vào xay để làm hỗn hợp gì đó. Trái cây sẽ bị nát, nhưng cái mùi của mỗi loại thì vẫn còn. Đặc biệt với sầu riêng, dù nát nhưng thể nào cũng mang mùi vẫn là nặng nhất. Tôi có thể là trái sầu riêng. Loại trái cây người thích rất thích, người ghét rất ghét.
Công Trí tại một hội chợ trời trang ở Nhật. Ảnh: C.T. |
- Thực tế, anh thực hiện một trang phục từ những suy nghĩ nào?
- Thiên hướng của tôi là nắm bắt những điều gần gũi với cuộc sống. Ngay cả những điều xa xỉ nhất thì tôi vẫn hướng về cuộc sống. Tôi nghĩ đó là sự cảm nhận cuộc sống xung quanh, không theo đường lối nào cả. Ví dụ, sự hợp thời, hợp vóc người... Mỗi người có một khả năng, một quan điểm, còn tôi không có ý níu kéo để lấy một giá trị mà tôi không có trong đầu.
Nhiều người nhận xét rằng thiết kế của tôi không mang tính dân tộc. Tôi chấp nhận. Tôi không chủ ý làm công tác chính trị xã hội, tôi không làm những bộ sưu tập gây tiếng vang..., tôi thích làm những cái mọi người công nhận là đẹp.
- Thành công của anh ngày hôm nay có thể lý giải bằng nguyên nhân gì?
- Có những người có cách nghĩ khác vẫn thành công hơn tôi nhiều, gấp trăm gấp nghìn lần tôi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: những gì làm được hôm nay thì làm, nếu nghĩ được xa tới ngày mai thì nên nghĩ, vẽ vời những mơ ước viển vông thì không nên. Ở Việt Nam, nhà thiết kế có tên tuổi, uy tín thì cũng chỉ trong nước thôi chứ chẳng bay đi đâu xa được. Có bay, chẳng là mọi người tự bay với nhau thôi, chứ chẳng có ai chấp cánh cả.
- Có khi nào vì áp lực, anh cảm thấy chán nghề?
- Chán thiết kế thì chưa, nhưng có lúc cảm thấy chán chính mình, vì sự dễ dãi. Có khi mình cho phép mình làm điều này, làm điều kia để phục vụ cho nhu cầu của người khác...
- Có người quan điểm nhà thiết kế cũng là nghệ sĩ, cũng phải làm việc theo cảm hứng. Anh thấy sao?
- Nếu làm việc theo cảm hứng thì một trang phục của tôi 10 năm sau mới bán được. Công thức làm việc của tôi là: cảm xúc + khuynh hướng + lợi nhuận.
- Nếu thiếu cảm xúc, hoặc thiếu lợi nhuận, anh chọn thiếu cái nào?
- Tôi sẵn sàng chọn cái thiếu thứ nhất. Tôi là nhà thiết kế, nhưng tôi còn là giám đốc của một công ty nên không thể bỏ lợi nhuận vì dưới tôi còn có nhiều con người khác đang cần mưu sinh. Cảm xúc thì luôn có ở mọi nơi, còn lợi nhuận thì không thể. Đi trên con đường "dơ dáy, hôi hám", thì anh vẫn có cảm xúc, dù là cảm xúc khó chịu. Còn lợi nhuận thì khó thể có được nếu đi trên con đường ấy.
- Còn một yếu tố khác là "bài bản được đào tạo" trong việc thiết kế, theo anh chức năng của đào tạo bài bản trong thiết kế thời trang là gì?
- Nó chỉ giúp người ta ý thức được rằng là mình đã được đào tạo. Một người học 10 năm mà cuối cùng anh ta chẳng áp dụng gì trong thực tế, thì đào tạo có ý nghĩa không?
Nhưng tôi cho đó không phải là một sự thật phũ phàng. Bản thân tôi đã học những kinh nghiệm của thày cô trong trường đại học, nhưng đem nó ra áp dụng với thực tế bây giờ có được hay không, thì chính bản thân tôi phải tự cân nhắc. Kinh nghiệm mình có từ trường lớp là hạt cát, còn khi bước ra đời thì mình đi vào sa mạc. Nếu gặp đúng hạt cát mình cần thì tốt, nếu không thì mình phải biết tự thích nghi.
Với nghề thiết kế, dù có đào tạo thế nào mà không có cảm xúc thì tất cả cũng chỉ là lý thuyết. Ví dụ, tôi có thể học một bài phối màu theo đúng nguyên lý, nhưng cảm xúc hiện tại thì không như vậy. Lúc đó tôi phải chọn cái gì? Tất nhiên phải là cảm xúc của mình. Giống như một người diễn viên muốn thể hiện nỗi buồn trong đôi mắt, thay vì là giọt nước mắt thì thày cô cũng không đủ khả năng làm điều đó để thay đổi anh ta.
- Nếu có nhận xét Công Trí đang mang cái đầu quá "tỉnh" để làm nghệ thuật, anh sẽ nói thế nào?
- Tôi không đồng ý với quan điểm "một cái đầu tỉnh thì không thể làm nghệ thuật". Nghệ thuật là nghệ thuật, chuyện tỉnh táo hay không là chuyện thuộc về con người. Tỉnh lúc cần tỉnh, khùng lúc cần khùng là điều cần thiết. Nếu "khùng" để làm nghệ thuật mà không đem lại gì cho cuộc sống thực tại, mọi người không cảm nhận được gì từ việc mình làm, thì chẳng ai cổ vũ cả. Đối với người nghệ sĩ, không có sự cổ vũ thì chắc chắn khó làm nghệ thuật cho tới nơi tới chốn. Lúc đó, nghệ thuật là cái gì đó lập dị.
Tôi nghĩ mình không phải là thằng "khùng" xuất sắc, nhưng trong một đám "khùng", người ta vẫn nhận ra "thằng khùng Công Trí". Tôi không đoạt giải "hoa hậu" trong cuộc đua này, nhưng đâu đó trong top 15 (cười).
Tôi chấp nhận sự lập dị trong nghệ thuật, nhưng trong một thời điểm cần thiết chứ không nên kéo dài triền miên. Bởi vì sự lập dị kéo dài triền miên chứng tỏ sự không hiểu biết của người nghệ sĩ. Nghệ thuật gắn liền với cuộc sống, xã hội, không thể từ trên trời rớt xuống hay từ trong đất nứt ra. Trong quá trình lao động nghệ thuật, nghệ sĩ biết đâu là đường đi của mình, cần những lúc sáng lóe lên để người ta nhớ đến mình. Còn nếu lóe hoàn toàn thì người ta chẳng thấy sáng nữa.
- Quan niệm đầy tính thực tế, nhìn nhận vấn đề rất nguyên tắc. Anh thấy sao nếu có một sự thay đổi để cân bằng cuộc sống?
- Tương lai của tôi là những gì cụ thể nhất, không mơ hồ, không mộng mị. Tôi chỉ biết hôm nay mình làm gì, cụ thể ngày mai tôi sẽ làm được gì. Làm những điều cho xã hội, cho nhiều người công nhận, nhưng phải làm cả những điều cho bản thân mình. Như vậy thì mới gọi là con người biết sống. Tôi không thể nói là tôi yêu nghề, trăm năm sau vẫn làm nghề này. Chỉ biết hôm nay tôi làm được gì thì tôi cứ làm, giờ phút nào tôi hưởng thụ được thì tôi phải biết hưởng thụ. Còn nếu lỡ có đau khổ thì cũng phải chấp nhận, phải đương đầu. Thật ra cũng không phải vì bản lĩnh, tự tin gì ghê gớm cả. Đơn giản vì những bất trắc trong cuộc sống này như là không khí, nếu còn muốn sống thì không thể trốn nó. Mà chết đi rồi chưa chắc thoát.
(Theo Thanh Niên Tuần San)