>> Giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết: Chúng tôi hoan nghênh!
>> Giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết?
>> Lợi ích của học sinh là trên hết
Đọc phát biểu trên của vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Tuổi Trẻ 18-1-2007), những phụ huynh đang có con em ở độ tuổi tiểu học chắc hẳn hết sức vui mừng. Như thế là trẻ sẽ có những kỳ nghỉ cách khoảng giữa các học kỳ để hồi phục sức lực và có dịp nhìn lại chặng đường học tập ngắn vừa trải qua để có thể điều chỉnh việc học của bản thân.
Trẻ sẽ có kỳ nghỉ hè không quá dài đến nỗi làm phụ huynh lo lắng vì chuyện không biết làm thế nào để giúp con mình trải qua được 90 ngày hè một cách bổ ích và thú vị.
Hi vọng ý tưởng giáo dục trên mau chóng trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ý tưởng cải cách lịch trình nghỉ trong năm học sao không dành cho cả cấp giáo dục phổ thông bao gồm cả bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông? Không chỉ học sinh tuổi nhi đồng, các em độ tuổi thanh thiếu niên cũng có nhu cầu nghỉ ngơi sau học tập, và xét về phương diện lứa tuổi, nhu cầu ấy nhiều khi còn lớn hơn. Sao các vụ giáo dục phổ thông không cùng kết hợp thảo luận để đưa một kế hoạch cải cách đồng bộ?
Tất nhiên, “việc văn ôn võ luyện” vẫn là một nhu cầu bên cạnh việc nghỉ ngơi vui chơi trong các đợt nghỉ dài của năm học, do vậy vấn đề cốt yếu là giúp các em ôn luyện sao cho nhẹ nhàng, hiệu quả. Ở đây, thiết nghĩ điều cần bàn hơn có lẽ đó là việc vạch ra lộ trình và giải pháp xây dựng các chương trình hoạt động thực tiễn, bổ ích và thú vị cũng như phát triển nguồn lực tổ chức các hoạt động ấy nhằm giúp học sinh có thể “chơi mà học” trong những dịp nghỉ, giúp các em phát triển các kỹ năng sống tốt hơn, trở thành những con người gắn bó với cộng đồng hơn. Làm thế nào để nhà trường có thể đảm đương được chức năng tổ chức thường xuyên và hiệu quả các hoạt động như thế cho học sinh trong các kỳ nghỉ?
Làm thế nào để có thể huy động sự tham gia của xã hội, của nhân dân vào việc này? Một cách tự phát, đâu đó nhân dân - xã hội đã tham gia. Trung tâm IDO (Intelligence Development Organizaton - Tổ chức Phát triển năng khiếu cho thanh thiếu niên) đặt tại quận Phú Nhuận, TP.HCM là một điển hình. Với 14 chương trình đào tạo nhiều loại kỹ năng sống khác nhau cho học sinh, với những câu lạc bộ năng khiếu, và với những chương trình dã ngoại gắn học với hành như cho học sinh tham quan xưởng sản xuất của Vinamilk để giúp các em hiểu thế nào là dây chuyền sản xuất, tham quan những khu rừng bị tàn phá để cảm nhận ý thức bảo vệ môi trường... IDO gợi cho chúng ta một hướng tạo sân chơi lành mạnh cho lứa tuổi học đường.
HOÀNG TUYẾT