Ben Wirawan thành công nhờ ý tưởng “khai thác tính chất cộng đồng, phục vụ lại cộng đồng” - Ảnh: Khổng Loan |
Tại hội thảo về "Các doanh nghiệp sáng tạo" do Hội đồng Anh tổ chức ở Bandung từ ngày 3 đến 9-8, với sự tham gia của các đại diện trong ngành sáng tạo ở Anh và Đông Á, Ben Wirawan là một trong những ví dụ cụ thể về sức trẻ sáng tạo ở thành phố này.
Đưa văn hóa vào…áo thun
Ben Wirawan, 32 tuổi, có dáng người dỏng cao, làn da nâu đen như phần lớn đàn ông Indonesia. Anh thành lập Mahanagari, một nhãn hiệu áo thun và phát triển cho đến nay đã được bốn năm. "Lý do thành công là khiến người dân địa phương hiểu công ty của những người địa phương thật sự quan tâm tới lịch sử và văn hóa địa phương - Ben nói - Các công ty khác thất bại vì thiết kế của họ không mang tinh thần của chính Bandung. Ý tưởng của chúng tôi là đưa văn hóa trở lại với cuộc sống".
Gian hàng đầu tiên của Mahanagari chỉ gồm năm kiểu thiết kế áo thun. Màu sắc không có gì đặc biệt, kiểu cách cũng bình thường, chất liệu cotton thấm mồ hôi. Điều đặc biệt là những đồ họa trên áo thun. Ở đó có thể là mô tả cột mốc lịch sử của thành phố Bandung, hoặc một bản đồ kết nối các địa điểm mang tính lịch sử trong vùng, hay các nhân vật lịch sử được người dân yêu quý, cũng có thể là bản đồ xe buýt ở Bandung... Ý tưởng của Ben Wirawan là vừa làm kinh doanh, vừa nâng cao kiến thức cho người dân thành phố về nơi mình sinh sống, nhờ đó tạo keo dính kết họ với thành phố Bandung.
Không sử dụng bao nilông để đựng hàng bán, Ben và các đồng nghiệp thiết kế một túi đựng bằng bìa cactông. "Khi đó, khách hàng nghĩ chúng tôi là công ty "xanh", rất quan tâm tới môi trường. Và họ mua hàng của chúng tôi mà không phải băn khoăn rằng họ gây hại tới môi trường".
Đến nay Ben đã có hai gian hàng. Một trong số đó tọa lạc ở Cinampelas Walk, một siêu thị ở Bandung. Những người như Ben đã tạo ra một xu hướng mặc áo thun có những thông điệp ý nghĩa cho người dân địa phương.
Thương hiệu của văn hóa
Theo cuốn sách Sáng tạo Anh: Những tài năng mới cho nền kinh tế mới của Bộ Văn hóa - thể thao và truyền thông Anh xuất bản tháng 2-2008, định nghĩa về ngành công nghiệp sáng tạo là sự kết nối giữa các lĩnh vực quảng cáo, kiến trúc, thị trường nghệ thuật và đồ cổ, đồ thủ công, thiết kế và thiết kế thời trang, phim ảnh, các phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, truyền hình, phát thanh... (Xem video về hội thảo, các ý kiến chuyên gia về các ngành công nghiệp sáng tạo tại website của Tuổi Trẻ, địa chỉ http://www3.tuoitre.com.vn/Media/ |
Mạng lưới các doanh nghiệp ở Bandung đưa ra lộ trình nhiều bước, từ việc đào tạo để người dân sáng tạo hơn, đến biến thành phố trở thành một nơi rất thú vị, nhiều không gian sáng tạo, nhiều không gian cho mọi người vui chơi, đưa nghệ thuật vào cuộc sống, không xa lạ với mọi người. "Chúng tôi có sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương. Các chương trình của chúng tôi đã thuyết phục họ để họ hiểu rằng các ngành công nghiệp sáng tạo rất quan trọng cho nền kinh tế hiện nay".
Có lẽ tính sáo mòn, cũ kỹ sẽ làm Bandung dừng chân trước sự phát triển, đồng nghĩa với việc tụt hậu và dễ biến mất. "Giữ gìn văn hóa trong quá trình phát triển là điều luôn gây tranh cãi. Giữ gìn nguyên trạng là điều không thể trong bối cảnh toàn cầu hóa này" - Ridwan nói khi đề cập việc phải linh hoạt trong cách suy nghĩ khi thực hiện các dự án quy hoạch thành phố, tạo thêm các không gian đẹp cho người dân thưởng thức. Anh cho biết hiện các ngành công nghiệp sáng tạo ở Tây Java chiếm 8% GDP, thu hút 3,12% nhân công và tăng trưởng 4,55% hằng năm. Tây Java đã đi trước một bước so với nhiều nơi khác là tính toán được các con số liên quan tới ngành này trong nền kinh tế. Nơi đây, các ngành như thời trang, âm nhạc, thiết kế, kiến trúc, nghệ thuật, hoạt hình, phần mềm rất phát triển. Bandung cũng là nơi có tới 400 nhãn hiệu quần áo và âm nhạc, đóng góp vào 23% kinh tế thành phố.
Từng làm việc tại dự án kiến trúc ở Nam Sài Gòn cho một tập đoàn kiến trúc của Mỹ trước đây, Ridwan cho rằng: "Đừng đợi chính quyền đưa ra chương trình phát triển. Những người sáng tạo hãy kết nối thành một mạng lưới để có tiếng nói tập thể cho các chương trình sáng tạo vì cộng đồng của mình".
Bandung đang đi một hướng đáng để tham khảo cho bất kỳ một thành phố nào đang hướng đến mục tiêu phát triển một thành phố sáng tạo mang tính bền vững.
KHỔNG LOAN