Đạo diễn Việt làm phim theo công nghệ Discovery

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Đạo diễn Việt làm phim theo công nghệ Discovery

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 17 Tháng 7 2010, 08:13

Các nhà làm phim Việt Nam nhận được một khoản tiền đủ để biến ý tưởng của mình thành tác phẩm điện ảnh cùng nhiều bài học về công nghệ làm phim hiện đại.

Nhóm làm phim
Nhóm làm phim "Người ước đoạt tượng Oscar". Ảnh: Mạnh Cường.

Nhằm khuyến khích các đạo diễn trẻ Việt Nam bộc lộ tài năng, kênh truyền hình Discovery châu Á tổ chức dự án phim tài liệu mang tên "Lần đầu làm phim với Discovery".

20.000 USD cho 20 phút làm phim

Cách làm phim của Discovery rất cẩn thận. Ngay từ khâu kịch bản, các nhóm làm phim Việt Nam đã phải làm đi làm lại nhiều lần. Trung bình mỗi nhóm phải viết kịch bản tới 10 lần. Mỗi lần là một kịch bản mới chứ không phải chỉ là bổ sung. Giải thích cho sự kỹ càng đó, các chuyên gia Discovery khẳng định: Kịch bản có tốt thì quay mới tốt được.

Điều được đặc biệt nhấn mạnh là vấn đề bản quyền. Tất cả nhân vật, hình ảnh xuất hiện trong phim đều phải có giấy phép. Chị A, chị B khi chấp thuận phỏng vấn đều phải ký vào văn bản đồng ý cho sử dụng hình ảnh đó trên phim theo form chuẩn đã được phía Discovery gửi sang từ trước.

Lượng người trong một êkíp làm phim không nhiều hơn bình thường nhưng trách nhiệm được phân công rất cụ thể. Kinh phí cho một bộ phim là 20.000 USD. Lúc đầu, mọi người đều nghĩ một bộ phim tài liệu dài khoảng 20 phút với kinh phí 20.000 USD là quá nhiều. Nhưng theo các đạo diễn, con số này thực ra chỉ đủ cho bộ phim có quãng đường di chuyển ngắn. Các bộ phim lần này đều quay tại Hà Nội. Trong 20.000 USD này, phía Discovery quy định rất chi tiết từng khoản tiền: bao nhiêu cho tư liệu, bao nhiêu cho bản quyền âm nhạc, bao nhiêu cho phỏng vấn nhân vật, bao nhiều cho quay phim, bao nhiêu cho đạo diễn, bao nhiêu cho dựng hình... Tiền được cấp theo bốn giai đoạn và có cả một công ty giám sát.

Tuy nhiên, các kíp làm phim đều khẳng định, điều học được lớn nhất qua dự án này chính là cách thực hiện một bộ phim. Làm phim tài liệu, việc có ý tưởng quan trọng hơn là cách thể hiện ý tưởng đó thành phim như nào. Những người tham gia dự án lần này học được nhiều từ quá trình làm việc chung với các chuyên gia Discovery - những người trẻ, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo kỹ càng, bài bản.

Tái hiện thực tế hay bám sát thực tế?

Đạo diễn Phan Ý Ly từng cho biết, lâu nay chị vẫn nghĩ phim tài liệu là ghi lại trung thực những gì xảy ra, nhưng Discovery đòi hỏi đạo diễn ngay từ đầu phải tiên đoán, tìm hiểu mọi khía cạnh, rồi đi tìm những mẩu chuyện hay và kết nối sao cho hấp dẫn như phim truyện, có mở nút, thắt nút, cao trào… Đạo diễn Phan Duy Linh cũng cho rằng, cách làm phim của Discovery là tái hiện thực tế dựa trên điều có thật, còn cách làm của Việt Nam bám sát thực tế quá. Phan Duy Linh cho biết, qua những điều học được từ Discovery, trong phim Những người chống lại tắc đường, anh luôn đề cao kịch tính, sao cho khán giả xem luôn phải băn khăn tự hỏi liệu nhân vật có đạt được mục đích không và làm như thế nào.

Với những người tham gia dự án "Lần đầu làm phim với Discovery", cái học được đầu tiên là cách kể chuyện bằng hình ảnh để khán giả trên thế giới chấp nhận. Những tiêu chuẩn làm phim mà Discovery đặt ra rất kỹ. Với Discovery ít nhất một phỏng vấn đều phải quay hai lần. Khi được hỏi nguyên nhân, anh John - chuyên gia người Singapore - cho biết, trong quá trình dựng phim, nếu đúp một vì lý do gì đó không lấy được thì đã có sẵn đúp hai để thay thế. Điều đó có nghĩa, họ luôn lường trước những rủi ro trong quá trình làm phim và yếu tố dự phòng đã được tính toán ngay từ đầu. Nó giúp hạn chế tối đa những sai sót cho một bộ phim. Những cảnh quay nói chung, họ cũng rất chú trọng tới những cảnh dùng để trám.

Nhóm làm phim
Yếu tố tự nhiên, chân thực được đoàn phim đặt lên hàng đầu. Ảnh: Mạnh Cường.

Cuộc sống thực của các nhân vật rất được chú ý. Phim tài liệu khác phim truyện, nhân vật càng gắn với đời thực bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nói vậy không có nghĩa là họ không dàn dựng, nhưng phải dàn dựng sao nhân vật thật nhất. Có nhiều cảnh phỏng vấn, các kíp làm phim Việt Nam phải làm đi làm lại. Vấn đề không ở nội dung phỏng vấn mà ở cách làm phỏng vấn. Ví dụ, nhân vật đang làm gì sau đó quay ra nói, với Việt Nam, cảnh này hoàn toàn có thể chấp nhận, nhưng với các nhà làm phim Discovery, chỉ thoáng qua họ đã nhận thấy đó là cảnh bố trí.

Hoặc cảnh một quay nhân vật đi từ ngoài đường vào trong cửa hàng, các êkíp Việt Nam thường bố trí máy quay sẵn trong cửa hàng. Theo Discovery, cảnh này không tốt vì người xem sẽ nhận thấy, người quay phim đã biết nhân vật đi từ đâu đến đâu nên bố trí máy đón sẵn. Cho dù cố gắng thay đổi nhiều góc quay nhưng nếu góc máy không hợp lý sẽ gây cảm giác giả tạo. Vấn đề quan trọng với cách làm phim của Discovery là người xem không nhận ra có sự bố trí trong đó.

Công nghệ làm phim Discovery có phù hợp với Việt Nam?

Ở Việt Nam khi làm về một nhân vật thường làm theo kiểu chân dung. Nhưng với Discovery, nó phải là một câu chuyện xâu chuỗi các nhân vật với nhau. Giả sử, khi muốn nói về nhân vật A, đạo diễn phải có câu chuyện về nhân vật đó và xoay quanh A có vài nhật vật khác nữa cũng được xây dựng. Với điều kiện, hoàn cảnh làm phim ở Việt Nam hiện nay, không thể khẳng định cách nào hay hơn nhưng rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới, hàng triệu khán giả thích xem kênh Discovery.

Theo nhà báo Mạnh Cường, một trong năm đạo diễn được chọn tham gia dự án thì lần đầu làm phim với Discovery không chỉ có thuận lợi mà cũng có vài khúc mắc. Họ nói rằng muốn làm phim về Việt Nam và do chính người Việt Nam thực hiện, nhưng trong quá trình làm phim đôi khi họ can thiệp quá sâu. Ví dụ, với công việc của đạo diễn, thực ra họ chỉ nên nói cách làm phim của Discovery là như vậy, các bạn phải làm theo cách như vậy thì bộ phim mới được phía Discovery chấp nhận. Còn cách làm cụ thể như thể nào phải do người đạo diễn Việt Nam và êkíp của mình thực hiện. “Có những cảnh, nội dung tôi xây dựng lên họ lại tham gia thay đổi toàn bộ. Thực ra, việc làm phim rất khó, mỗi người có một quan điểm khác nhau. Người Việt Nam nhìn về Việt Nam khác người nước ngoài mặc dù cũng câu chuyện ấy, nhân vật ấy, đề tài ấy. Một điều khác không phù hợp với Việt Nam là thời gian làm phim quá dài khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi và mất hứng thú. Những đề tài như vậy chỉ nên tập trung làm trong hai tháng” - ông Cường chia sẻ.

Dù vậy, lần đầu làm phim với Discovery vẫn là cơ hội lớn với các đạo diễn Việt Nam để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nhà làm phim quốc tế. Các phim sau khi hoàn thành sẽ được phát trên kênh của Discovery trong vòng ba năm. Dự án không chỉ là cơ hội lớn với các nhà làm phim Việt Nam mà còn là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới.

Yến Trang

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến121 khách