“Nhà báo làng” và những câu chuyện xúc động về Đài phát than

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

“Nhà báo làng” và những câu chuyện xúc động về Đài phát than

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 22 Tháng 6 2011, 10:46

(Dân trí) - “Cảnh máy bay thả bánh mỳ cứu trợ xuống đất. Bà con người Dao chạy ào lại nhặt. Bới tung đất không thấy bánh mỳ đâu, họ trách cán bộ tham lam giấu đi. Đến cảnh một khẩu súng nổ, dân bản sợ chạy nháo nhác. Anh em chúng tôi vừa xót xa vừa thương...”.
“Nhà báo làng” là cái tên thân mật mà những người dân bản Gà, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đặt cho ông Hà Xuân Thùy (60 tuổi) - người đã gắn bó cùng “Đài phát thanh bản Gà”, gần 30 năm phục vụ bà con dân bản.
 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, khi ông Thùy đang ở tuổi 20 thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thùy viết đơn xung phong vào quân ngũ. Nhưng phải đến lá đơn thứ 3 ông mới được cầm súng vào chiến trường. Đó là năm 1972. Cái duyên đến với nghiệp báo của ông cũng bắt đầu từ đó.

Ông Thùy đọc chương trình phát thanh

Ông được giao nhiệm vụ làm tuyên huấn Trung đoàn Pháo binh 40, Quân đoàn 3 hay còn gọi là Binh đoàn Tây Nguyên. Để viết được tin bài tuyên truyền cho Trung đoàn, ông phải nghe đài để lấy thông tin, cập nhật tin tức từ hậu phương, tuyền tuyến và cũng là để học cách viết.

“Làm tuyên huấn, tuyên truyền mà không bám sát đơn vị, không xông vào trận địa cùng đồng đội thì không thể viết được”, ông Thùy tâm sự.

Chiến tranh kết thúc, năm 1977 ông phục viên. Với chút ít kiến thức và kinh nghiệm làm báo, ông được cơ quan cử đi học thêm nghiệp vụ tại Trường Công nhân kỹ thuật phát thanh (nay là Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1). Tốt nghiệp, ông vào làm việc trong đội chiếu bóng quốc doanh Hà Bắc cho đến năm 1987 thì về công tác tại địa phương.

Nghiên cứu tư liệu để tìm kiếm thông tin

Gần 10 năm trời, đi hết làng này bản kia chiếu bóng, ông thấu hiểu được sự thiếu thốn thông tin của bà con. Chính điều đó đã thôi thúc ông lập “Đài Phát Thanh Bản Gà”. Ông nhớ lại: “Có lần đội chiếu bóng về phục vụ đồng bào người Dao, khu suối Hai, xã Vân Sơn, trong phim Chiến tranh thế giới thứ 2 có cảnh máy bay thả bánh mỳ cứu trợ xuống đất. Người dân trong bản không hiểu đã chạy ào lại nhặt. Bới tung cả đống đất không thấy bánh mỳ đâu, họ đã quay sang trách móc cán bộ tham lam, đã giấu đi mất. Còn khi đến cận cảnh một khẩu súng nổ, dân bản sợ quá chạy nháo nhác. Anh em chúng tôi vừa xót xa vừa thương không biết giải thích thế nào cho đồng bào hiểu. Ngay cả mẹ tôi cũng vậy.

Chiếc đài tôi mang ở chiến trường về đi đâu bà cũng mang theo để nghe. Đi nương trời mưa bà lấy thân che cho đài còn mình chịu ướt. Bà bảo: người ốm còn có thuốc, đài ướt hỏng mất thì không còn cái để nghe nữa. Mấy ngày đầu khi mới mang đài về nhà, hôm có chương trình ca nhạc, thấy hay quá bà đã tắt đi... để dành mai nghe tiếp. Tối nào cũng vậy, đặc biệt là hôm thứ bẩy cả bản tập trung ngồi chật kín sân nhà tôi để nghe “kỷ vật chiến trường” kể chuyện”.
 
Ông Thùy bên chương trình phát thanh do ông dựng

Mọi kết nối với thế giới bên ngoài của bà con trong bản đều qua chiếc đài của một thời vào sinh ra tử với ông Thùy. Nhưng “kỷ vật chiến trường” đã già, tiếng nhỏ, lại hay tậm tịt. Thương bà con trong bản đói thông tin, nhận thức hạn hẹp ông bàn với vợ rồi “bấm bụng” bán con lợn cùng mấy tạ ngô lấy 400 nghìn để mua chiếc đài mới.

Ông mạnh dạn lên xã mượn lại chiếc loa phóng cũ vất trong kho về phục chế lại treo lên cây nhãn đầu nhà, ngày ngày mở Đài cho cả bản nghe. Ông Thùy cười hóm hỉnh nói: “Năm đó vì đầu tư trang thiết bị cho đài mà nhà tôi bị đói, tết đến dân trong bản đùm bọc mỗi người cho một thứ để đón xuân”.
 
Đáp lại niềm tin yêu của mọi người, với mong muốn mang tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với dân bản được tốt hơn. Ông nghĩ đến chiếc máy phát điện. Nghĩ là làm, cả tháng trời một mình ông hì hục dưới suối, đắp đập ngăn dòng chảy, thiết kế máy phát điện. Đắp cả đêm đắp một mình không xong ông gọi cả vợ con xuống làm cùng.

Cho đến 1980 ông đầu tư thêm 3 cái loa phát thanh mắc từ đầu đến cuối bản để cả bản được nghe “Tiếng nói Việt Nam” vào mỗi sáng từ 5h cho đến 6h30 phút và từ 17h đến 18h30 phút buổi chiều. Sau đó ông xin phép cán bộ văn hóa mở “Đài phát thanh bản Gà”, với nhạc hiệu là bài hát “Cô giáo người Tày”. Các chương trình với thời lượng từ 5 đến 10 phút về cuộc sống thường ngày của bà con trong bản được phát trực tiếp tại nhà ông.

Những thành tích của ông đã được ghi nhận

Ông lập đài từ năm 1987. Vì không nằm trong biên chế của thôn xã, gần 30 năm “vác tù và hàng tổng” ông chưa bao giờ nhận một đồng lương nào. Tất cả tiền khen thưởng ông đều đầu tư mua trang thiết bị cho đài ngày càng hoàn thiện hơn.

Vào một ngày cuối tháng 12 năm 2005 ông bị tai nạn giao thông trên đường đi lấy tin làm chương trình tuyên truyền về dịch lở mồm long móng. Tai nạn đã làm ông liệt nửa người, việc đi lại rất khó khăn. Với tâm niệm: “Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo mọi người dân trong bản được nghe đài”, vượt qua mọi khó khăn về vật chất, tuổi tác, bệnh tật với niềm yêu nghề, ham học hỏi, sáng tạo các chương trình do ông làm đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, mang lại những lợi ích thiết thực, được bà con trong bản yêu thích.

Thành tích Đài phát thanh bản Gà:

Năm 1992, 1993, 1999 được Bộ VH-TT tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong sự nghệp củng cố, phát triển phát thanh ở địa phương.

Huân chương lao động hạng ba; giải nhất liên hoan phát thanh Toàn quốc lần thứ VII, tháng 8/2005.

Bằng khen trong phong trào thi đua thời kỳ đổi mới (1987 - 2000).
 
Nguyễn Khoát - Duy Tuyên
Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến50 khách


cron