Ông Phạm Xuân Long, chủ nhân của bảo táng tư nhân này cho biết: hiện vẫn đang hoàn thiện các khâu phân loại, bài trí… để đón tiếp người xem. Giữa hàng trăm ngàn hiện vật ngổn ngang, những trang sức cổ ngàn năm tuổi thực sự có sức hút bởi vẻ đẹp thẩm mỹ còn nguyên với thời gian.
Được phát hiện từ năm 1909 bởi nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet, nền văn hóa Sa Huỳnh hình thành từ cách nay hơn 3.000 năm lập tức có sức hút với các nhà khảo cổ trên thế giới; từ đó đánh thức chiều dài hàng ngàn năm, giai đoạn cực thịnh kéo dài từ khoảng 2.000- 2.500 năm, trong quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Sa Huỳnh.
Qua đó, ngày càng làm sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung nước ta. Những chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh có một nền kinh tế đa dạng từ trồng trọt, khai thác lâm sản, đánh bắt cá, trồng lúa nước, thủ công, trao đổi buôn bán với những tộc người trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ…
Chế tác đồ trang sức là một trong những thành tựu đáng chú ý của người Sa Huỳnh. Mỗi món trang sức có nhiều ý nghĩa: làm đẹp cho chủ nhân, thể hiện sự giàu có và địa vị xã theo tập tục, tín ngưỡng của người đương thời. Những chuỗi hạt, vòng tay, khuyên tai, nhẫn… phong phú đa dạng về kiểu dáng được chế tác bằng nhiều nguyên liệu đá mã não, nephrit, carnehan, pha lê, vàng, thủy tinh màu làm từ cát và nhựa các loại cây…
Trong đó, thủy tinh nhân tạo dùng để chế tác trang sức được xem là thành tựu rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Từ cát trắng và nhựa các loại cây, người Sa Huỳnh đã sáng tạo nên những trang sức, nhất là những chuỗi hạt nhiều màu sắc: xanh lơ, xanh đen, đỏ, vàng, nâu xám, tím…
Những khuyên tai ba mấu duyên dáng của phụ nữ và những khuyên tai hình hai đầu thú đầy kiêu hãnh của nam giới thời Sa Huỳnh cũng khắc họa một nền văn hóa đa dạng và phong phú của con người từ thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam. Chính những khuyên tai cùng hình dạng được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan…cho thấy thông thương của người thời Sa Huỳnh với các nước trong khu vực.
Những trang sức chủ yếu được tìm thấy trong những mộ chum của người Sa Huỳnh qua các đợt khai quật, khảo cổ cho thấy sức sáng tạo, trình độ thẩm mỹ và đôi tay tài hoa của những thợ thủ công mỹ nghệ từ thời Sa Huỳnh. Được chế tác từ cách đây hàng ngàn năm, song phủi đi lớp bụi thời gian, những món trang sức vẫn đầy sức hút, và nhiều món được trưng bày trong bảo tàng cho thấy nó vẫn còn hợp thời.
Dưới đây là hình ảnh những món trang sức được ghi nhận tại bảo tàng
Những món trang sức chủ yếu được tìm thấy trong các chum mộ cổ của người Sa Huỳnh
Phủi đi lớp bụi thời gian ngàn năm tuổi, những trang sức với màu sắc tự nhiên vẫn đầy sức hút
Thậm chí, khi ướm vào người vẫn thấy còn hợp thời
Có nhiều chất liệu chế tác trang sức từ đá mã não, nephrit, vàng...
Những hạt kết chuỗi bằng thủy tinh màu nhân tạo được cho là thành tựu rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh
Những hạt lạt ma (ở giữa) cũng là món trang sức ưa thích theo tín ngưỡng của người Sa Huỳnh
Khuyên tai được tìm thấy trong mộ chum của phụ nữ
Những khuyên tai hình hai đầu thú đầy kiêu hãnh được tuy táng theo những nam chủ nhân- được cho là có địa vị cao trong xã hội thời Sa Huỳnh
Người xem chăm chú thưỡng lãm và ghi lại hình ảnh đầy sức hút của từng món trang sức.
Khánh Hiền