Phát triển theo hướng khai thác “tài nguyên vô tận”: chất xám
Với vai trò là Phó chủ tịch phụ trách công nghiệp và khoa học công nghệ của TP năng động và lớn nhất nước, theo ông, bài toán nào để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước?
Làm sao để Việt Nam phát triển mạnh, mang tính đột phá, câu hỏi đó cứ thôi thúc chúng tôi.
Tôi thường nói đùa là ước gì nước ta không có tài nguyên, vì khi không có tài nguyên thì không còn con đường nào khác, buộc ta phải đi theo hướng khai thác “tài nguyên vô tận”, đó chính là chất xám. Chất xám phải được dùng trong mọi lĩnh vực và đặc biệt để phát triển khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ thực sự phải trở thành động lực của sự phát triển.
Hiện chúng tôi đang cố gắng áp dụng khoa học, công nghệ vào một số vấn đề lớn của TP.
Ví dụ, để giải bài toán giao thông, TPHCM đã giao Viện khoa học công nghệ tính toán giải pháp tối ưu về giao thông, bao gồm thu thập số liệu, xây dựng phần mềm mô phỏng, điều khiển hệ thống giao thông với các tham số đầu vào thực tế. Chúng ta không thể giải quyết tình trạng giao thông hiện nay bằng biện pháp rời rạc, mang tính nhất thời. Bài toán giao thông là bài toán rất lớn nên cần được mô phỏng và giải trên hệ thống máy tính lớn để có được kết quả mang tính tổng thể và khoa học.
Chúng ta hãy nhìn các nước khác, giàu nhất thế giới không phải là ông chủ các mỏ dầu mà chính là những “ông” làm công nghệ thông tin (CNTT).
Bài học của Hàn Quốc cho thấy, con đường phát triển dựa vào khoa học công nghệ (KHCN) và CNTT là hoàn toàn chính xác. Trước đây, nói đến hàng điện tử “xịn”, người ta chỉ nghĩ đến hàng Nhật. Nay thì công ty Samsung của Hàn Quốc đã trở thành thương hiệu vượt trội toàn cầu về thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông, di động… Đến nay CNTT đã đóng góp 1/3 GDP của Hàn Quốc.
Ngành CNTT là ngành có hàm lượng khoa học rất cao và quan trọng hơn, đây là ngành mà từ khoa học đến ứng dụng rất ngắn, tính khả thi cao. Khác với nhiều ngành mang tính truyền thống và phải dựa trên nền tảng cơ sở vật chất mạnh cũng như khoa học phát triển cao, CNTT là ngành “ tay không bắt giặc”.
Có ý tưởng đột phá và khả năng biến ý tưởng đó thành hiện thực, bạn sẽ khiến cả thế giới kính nể.
Sự phát triển của Microsoft, Yahoo, Google, Facebook là như vậy, những tài năng trẻ đã làm thay đổi thế giới. Đây là ngành rất phù hợp với người Việt Nam: giỏi tính toán, ham mê khám phá và rất… nghèo.
Muốn phát triển đột phá thì trước hết phải có chính sách đột phá. Những chính sách này là do trung ương ban hành. Tất nhiên, TPHCM không ngồi chờ chính sách. Chúng tôi đang suy nghĩ, tìm tòi để có thể đề xuất những chính sách mới cho phát triển KHCN và CNTT.
Nhiều doanh nghiệp của TP đang lâm cảnh khó khăn trước bờ vực phá sản hoặc đang loay hoay tìm một hướng đi trên con đường hội nhập toàn cầu. TP sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn sống còn này, thưa ông ?
Tôi đang chỉ đạo chương trình tái cấu trúc các doanh nghiệp (DN) của TP. Trong đó đi vào việc tái cấu trúc cho từng DN, nói nôm na là làm cho DN đó mạnh hơn. Muốn vậy, phải “khám” toàn diện DN để biết bệnh nằm ở đâu để chữa cho đúng thuốc.
Chúng ta cứ nghĩ đơn giản thế này, “ốm thì phải chữa”, người bệnh thì cần bác sĩ. DN cũng vậy. Từng DN phải biết “sức khỏe” của mình đến đâu, yếu chỗ nào để “uống” đúng thuốc.
Lâu nay chúng ta có đội ngũ tư vấn như tư vấn quản trị, tư vấn bán hàng,… đó chỉ là những hoạt động mang tính nhỏ lẻ. Để “định bệnh” cho DN, ta cần xây dựng hẳn lực lượng tư vấn toàn diện và chuyên nghiệp. Đây là nhu cầu của xã hội.
TP đang tập hợp và sẽ phát triển đội ngũ chuyên gia “khám tổng quát, định bệnh cụ thể” cho từng DN.
Song song với việc tập hợp đội ngũ “bác sĩ doanh nghiệp”, TP sẽ lên danh sách “bệnh nhân - DN” cần được ưu tiên khám, chữa bệnh. Phải chẩn đoán đúng bệnh và chữa lành cho vài DN điển hình rồi từ đó nhân rộng mô hình này.
Thời gian qua dư luận có nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề dân nhập cư. Xin ông chia sẻ quan điểm cá nhân về việc này.
Theo tôi, không nên coi dân nhập cư là gánh nặng mà phải xem đó là lợi thế của TPHCM.
Khác với làng quê, bản chất của đô thị là nơi người từ mọi miền, thậm chí từ quốc gia khác đến sinh sống và làm việc.
Tôi không đồng ý cái cách người ta gọi người dân từ nơi khác đến là dân nhập cư. Đã là dân thành phố thì hầu như ai cũng là nhập cư. Tại sao người đến trước lại kỳ thị người đến sau, gọi họ là nhập cư và không muốn họ được như mình?
Đông dân là một lợi thế. Nếu TPHCM không có 10 triệu dân thì có thể đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước hay không? Bất cứ TP nào muốn phát triển cũng phải đạt một ngưỡng dân số nào đó mới đủ lực. Nếu TPHCM chúng ta chỉ có 2-3 triệu dân thì chưa chắc mạnh hơn các tỉnh thành khác.
Đông dân, trước hết là một thị trường lớn mà thị trường quyết định sự phát triển của kinh tế. Thị trường với 10 triệu khách hàng là mơ ước của mọi doanh nghiệp, là nơi thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư.
Đông dân thì có lực lượng lao động dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Thành phố đông dân sẽ có ngành nghề phong phú, ngành này phục vụ ngành kia và thúc đẩy nhau phát triển. Thành phố không thể chỉ có người lao động trí óc, lao động trình độ cao. Phải có người bán hàng, có người lái xe ôm và thậm chí bán vé số. Không thể nói họ không có nghề nghiệp rồi không cho vào. Ai cũng là đại gia, cũng là trí thức cả thì người này hớt tóc, đánh giầy cho người kia à?
Thông thường người từ các nơi về TP là những người muốn vươn lên và bản lĩnh. Trong hàng triệu người đến sinh sống và làm việc chỉ có một số rất ít gây nên những mặt trái, không nên chỉ vì số ít này mà kỳ thị, ngăn cấm.
Đô thị lớn luôn có vấn đề của nó, phải giải quyết nó một cách khoa học và thực tế, không phải bằng biện pháp hành chính và hạn chế quyền tự do cư trú.
Từ giám đốc Sở Thông tin Truyền thông lên Phó Chủ tịch UBND TP, ông có thể chia sẻ cảm xúc sau mấy tháng làm việc trên cương vị mới?
Quyền lực là thứ ai cũng say mê. Với tôi, vị trí mới này giúp tôi làm được nhiều việc có ích hơn cho người dân. (cười)
Nếu ông có một điều ước?
Tôi ước Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước phát triển nhất (G10) .
Hồng Tâm