Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

10 sự kiện Văn hóa - Giải trí nổi bật năm 2006

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 13:08
gửi bởi Theme Hunter
(Dân trí) - Năm 2006 chứng kiến nhiều biến đổi với các cột mốc quan trọng trong lĩnh vực Văn hóa - Giải trí Việt Nam, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2006 do chuyên trang Giải trí của báo Dân trí bình chọn.

1. Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi và một năm “chu du thiên hạ”

 

Sau khi vinh danh với những cơn mưa giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh (ngày 18/3/2006), hai bộ phim nhựa Chuyện của PaoSống trong sợ hãi bắt đầu một năm chu du khắp các LHP Quốc tế. Trong chuyến “dã ngoại” của mình, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giành được giải thưởng Đạo diễn trẻ triển vọng tại LHP Thượng Hải, và Giải thưởng lớn của BGK dành cho Sống trong sợ hãi tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương.

 

So với Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao cũng có một năm khá đình đám với những chuyến phiêu lưu bất ngờ tại các LHP Quốc Tế. Phim đã trở thành đại diện của điện ảnh Việt Nam tham dự LHP tại Canada, Nhật Bản, đồng thời, trình chiếu tại hơn 10 trường ĐH Mỹ… Tuy nhiên, Chuyện của Pao chỉ dừng lại với một giải thưởng duy nhất - Giải thưởng đặc biệt của BGK tại LHP châu Á - Thái Bình Dương năm 2006. Song, điện ảnh Việt Nam vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào bộ phim này bởi trong năm 2007, Chuyện của Pao sẽ đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự giải Oscar.

  

2. Sao mai điểm hẹn - “cơn sốt” tìm “sao” của tuổi teen

 

 SMĐH - Chân lý của giải thưởng thuộc về

phái mạnh. (Ảnh: An Phúc)

 

Sức “nóng” của Sao mai điểm hẹn (SMĐH) (kéo dài từ 24/6 - 19/8/2006) được thể hiện qua làn sóng hâm mộ mãnh liệt của các fan tuổi teen, qua những con số khổng lồ trên hệ thống bình chọn mỗi tuần. Không chỉ có vậy, show ca nhạc này còn là chương trình truyền hình thu hút đông khán giả nhất và là kênh thông tin không thể bỏ qua của báo giới.

 

Thậm chí, có lẽ không quá khi kết luận, SMĐH với sức nóng của nó đã làm trầm đi cả thị trường âm nhạc suốt một thời gian.

 

Từ SMĐH, những “sao” mới bắt đầu hé lộ: một cá tính rock rực lửa Anh Khoa, một giọng hát đầy xúc cảm Ngọc Anh, khả năng tinh tế trong xử lý ca từ Phương Linh, cũng như hấp lực sân khấu mãnh liệt của Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn…

 

Và thực tế đã chứng minh, sau SMĐH, một thế hệ ca sỹ trẻ có thực lực bắt đầu được tìm chỗ đứng của mình trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp. 

 

3. Mai Phương Thúy giành vương miện Hoa hậu Việt Nam 2006

 Mai Phương Thúy trong đêm chung kết

cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006. (Ảnh: Việt Hưng) 

 

Những ngày nắng đẹp trên hòn ngọc Việt - Vinpearl hẳn vẫn là kỷ niệm đẹp khó quên đối với những người đẹp tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (tháng 8/2006). Mỗi người đều mang những nét đẹp riêng, những cá tính riêng nhưng vương miện chỉ có một và phần thắng đã thuộc về cô tân sinh viên Mai Phương Thúy.

 

Sau khi đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam, tháng 9/2006, Mai Phương Thúy đã đại diện cho nhan sắc và trí tuệ Việt Nam lên đường tới Ba Lan tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới. Tại đây, cô sinh viên 19 tuổi Mai Phương Thúy đã xuất sắc lọt vào top 17 Hoa hậu đẹp nhất và phần nào gây ấn tượng với các bạn bè thế giới.

 

Những gì người đẹp tuổi teen này làm được trong năm qua cho phép chúng ta nuôi hy vọng, Việt Nam sẽ sớm có tên trên bản đồ Hoa hậu thế giới!

 

4. Tự truyện Lê Vân

 

 Bìa cuốn tự truyện gây xôn xao

dư luận “Lê Vân yêu và sống”.

 

Ngay từ khi cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống đưa những chương đầu tiên lên báo chí đã thu hút được đông đảo bạn đọc với nhiều cảm xúc, nhiều góc độ nhìn nhận và cách chia sẻ khác nhau.

 

Đặc biệt, những phản ứng vừa đau lòng, vừa xót xa và cả những lời phản đối từ phía gia đình, bạn bè của nghệ sỹ (có lẽ nằm ngoài dự tính của Lê Vân) đã khiến cuốn tự truyện trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận gay gắt.

 

Cuốn tự truyện phát hành không lâu, Lê Vân theo chồng ra nước ngoài, hành động ấy chắc hẳn đã khiến nhiều người hoài nghi: “Lê Vân đang tìm cách chạy trốn dư luận?”.

 

Sau khi cuốn Lê Vân yêu và sống trình làng gây xôn xao dư luận, trong năm 2006, khá nhiều nghệ sỹ (như ca sỹ Thanh Lam, NSND Thanh Hoa…) cũng tuyên bố sẽ sớm ra mắt tự truyện. Nhưng chính những nguồn dư luận trái chiều khá mạnh mẽ xoay quanh cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống đã khiến các nghệ sỹ phải trùn bước và dành thời gian cân nhắc lại.

  

5. “Chiến tranh” giữa các “vì sao”: Mỹ Tâm - Hồ Quỳnh Hương, Thanh Thảo - Hiền Thục…

 

 
 

Vụ cãi lộn giữa fan của Mỹ Tâm và Hồ Quỳnh Hương được xem là scandal đình đám nhất của showbiz Việt năm 2006.

 

Thật đáng buồn khi phải kết luận, Showbiz năm 2006 - thành tích thì… khiêm tốn mà scandal thì nhiều. Trong đó, tiêu biểu là những cuộc chiến không khoan nhượng giữa các “sao”. “Mở hàng” là cuộc giao tranh giữa Đoan Trang và Nhất Thiên Bảo về nghi án đánh cắp ý tưởng cho album nhạc nhảy Socodane.

 

Tiếp đó là cuộc chiến giữa các fan của “sao” khi những lời lẽ vô văn hóa do một cây viết tự xưng là fan của Mỹ Tâm lớn tiếng bôi nhọ Hồ Quỳnh Hương bị "đăng nhầm" trên một tạp chí dành cho học trò. Không lâu sau, một loạt các scandal như “Thy Dung lại thách thức Hồ Quỳnh Hương đi kiện”, “Đàm Vĩnh Hưng mắng Hồ Quỳnh Hương” đã khiến các fan ngao ngán vì bị “bội thực” scandal…

 

Gần đây, Hiền Thục và Thanh Thảo lại “hát tiếp khúc quân hành” khi lôi nhau lên báo với những lời lẽ cạn tình cạn nghĩa.

 

Giữa lúc thị trường âm nhạc đang nhộn nhạo “nhà nhà làm ca sỹ, người người làm ca sỹ”, nhiều nhân vật của showbiz đang tìm cách tiến thân bằng… scandal.

 

6. Hiệp hội người mẫu ra đời và sự khẳng định vị trí của những người mẫu

 

Thanh Hằng -

người mẫu xuất sắc nhất năm 2006

 

Sau một thời gian dài “vận động hành lang”, cuối cùng, vào sáng ngày 27/10/2006, Hiệp hội người mẫu đã chính thức ra đời. Sự xuất hiện của tổ chức này chính là sự hợp pháp hóa người mẫu là một nghề chính thức, xác định danh tiếng của mỗi người mẫu, đồng thời dẹp tan những dư luận không hay về công việc này.

 

Năm 2006 là một năm hoạt động tích cực của giới người mẫu trong nước, và cũng là một năm với nhiều dấu mốc quan trọng đối với giới người mẫu Việt. Đơn cử như, cuộc thi dành cho người mẫu nam lần đầu tiên được tổ chức, hay cuộc thi người mẫu Việt Nam (dành cho người mẫu chuyên nghiệp nữ) cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

 

7. “Gặp nhau cuối tuần” đóng cửa

 

Một cảnh trong Gala “Gặp nhau cuối tuần”.

 

Sau gần bảy năm “tung hoành” trên sóng truyền hình với những tiếng cười châm biếm, đả kích các thói hư tật xấu, chương trình Gặp nhau cuối tuần đã tuyên bố đóng cửa.

 

Tuy đạo diễn Khải Hưng - người chịu trách nhiệm nội dung chương trình tuyên bố đóng cửa từ tháng 7/2006, nhưng phải đến chương trình Gặp nhau cuối năm - lời tạm biệt chính thức mới được chuyển đến khán giả.  

 

8. “Cơn bão” đến từ… Rừng Nauy!

 

 Bìa cuốn tiểu thuyết “Rừng Nauy”

của Haruki Murakami.

 

Năm 2006, văn học nước ngoài vẫn tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình trên thị trường sách Việt Nam. Tuy không trở thành một trào lưu có ảnh hưởng mạnh mẽ như phong trào văn học LingLei (Trung Quốc) suốt năm 2005, nhưng thị hiếu đọc năm 2006 có những điểm nhấn với sức hút ghê gớm.

 

Trong đó phải kể tới cuốn tiểu thuyết Rừng Nauy, Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami, Katie.com của atherine Tarbox, Huynh đệ của Dư Hoa cộng thêm sức nặng của cuốn sách lịch sử xã hội thuộc hàng bán chạy tại Mỹ - Thế giới phẳng của Thomas L. Friedman… Bấy nhiêu điểm nhấn đã đủ tạo thành “cơn bão” sách ngoại trên các kệ sách và tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả Việt Nam.

 

9. “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” - thử nghiệm của sân khấu thử nghiệm

 

 Một cảnh trong vở “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử”.

 

Năm 2006 - năm đạo diễn, NSƯT Lê Hùng gây tiếng vang trong giới nghệ thuật sân khấu với vở diễn 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử.

 

Với những thử nghiệm độc đáo trong cách dàn dựng sân khấu, thủ thuật sử dụng hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, đưa ngôn ngữ của múa thể hình vào diễn xuất… NSƯT Lê Hùng đã làm nên “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” đầy chất thơ, vừa lãng mạn vừa huyễn hoặc, vừa liêu trai vừa điên dại trong những giằng xé nội tâm của thi sỹ Hàn Mặc Tử.

 

“100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” là một trong những đại diện của sân khấu Việt Nam tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4-16/12/2006. Tuy nhiên, theo dư luận đánh giá, hầu hết các vở diễn tại Liên hoan đều chưa làm hài lòng khán giả.

 

Dường như quá mải mê với những thử nghiệm mới trong cách dàn dựng diễn xuất, thủ thuật tạo hình bằng âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu hay cách kết hợp đầy bứt phá giữa các loại hình nghệ thuật sân khấu khác nhau… nên các tác giả quên đi vấn đề cốt lõi của một tác phẩm sân khấu, đó là kịch bản.

 

Do vậy, ước muốn được học hỏi để tháo gỡ những bế tắc cho sân khấu Việt Nam vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

 

10. Từ chối nhận giải thưởng của Hội nhà văn, Ly Hoàng Ly gây “sốc”

 

 Bìa của tập thơ “Lô Lô” tác giả Ly Hoàng Ly.

 

"Những ngày vừa qua, qua thông báo chính thức đăng trên một số tờ báo trong nước, tôi được biết Hội nhà văn Việt Nam quyết định “tặng thưởng” cho tập thơ Lô Lô (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản tháng 12/2005) của tôi. Một số đồng nghiệp và những người quen biết gọi điện chúc mừng tôi, nhưng cùng lúc tôi cũng được nghe những lời xì xầm về giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam", đó là nguyên văn đoạn trích trong bức thư nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly gửi Hội nhà văn vào ngày 22/10/2006 để từ chối nhận giải thưởng của Hội.

 

Sau khi Ly Hoàng Ly từ chối giải Tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam cho tập thơ Lô Lô, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng “xin miễn nhận giải thưởng” này.

 

Trong lễ trao giải thưởng và lễ kết nạp hội viên Hội Nhà văn cuối tháng 11/2006, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã phát biểu: “Đối với tôi, tình nghĩa của những người đồng nghiệp, sự đồng thuận trong tổ chức Hội và tình yêu của bạn đọc là phần thưởng có ý nghĩa quan trọng nhất. Do đó, tôi chân thành cảm ơn và xin Ban chấp hành, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng Chung khảo và Ban biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn miễn cho tôi nhận giải thưởng năm nay”.

 

Báo điện tử Dân trí

Sưu tầm từ dantri