Một “bài giảng” của Bộ trưởng Giáo dục
Ngành giáo dục luôn có mong muốn đổi mới phương pháp giảng dạy, tuy nhiên, như nhận xét của Phó Thủ thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: “Đổi mới phương pháp dạy học đã có từ lâu nhưng chưa có mô hình hay phổ biến rộng rãi”.
Trăn trở nhiều về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ở bậc phổ thông, cách đổi mới phù hợp nhất là nên coi học sinh cũng là đồng tác giả của quá trình giáo dục. Giáo viên phải có công nghệ thiết kế quy trình bài giảng mới, phải thu hút học sinh vào bài học, phải có tư liệu cuộc sống bổ sung vào ngoài sách giáo khoa. Tất cả thầy cô dạy một bộ môn cần lập một trang web để làm tư liệu…
Và điều “cốt tử” của đổi mới phương pháp giảng dạy được ông đúc kết là: “Đổi mới phương pháp không phải lấy từ trên xuống mà phải từ dưới lên để thúc đẩy bộ máy”.
“Đối thoại của yêu thương”
Cũng vì điều “cốt tử” này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có một “bài giảng” ngắn gọn và đầy yêu thương với học sinh trường THCS Đống Đa (Hà Nội) vào lúc 7h30 sáng 14/11, đó cũng là hôm phát động cuộc thi “Sáng tạo giáo dục”. Một bài giảng sâu sắc mà vẫn rất hồn nhiên và sau đó được các thầy cô giáo và học sinh ở đây đặt cho cái tên rất trìu mến là bài giảng “Đối thoại của yêu thương”.
Bài giảng của ông bắt đầu bằng một loạt những câu hỏi rất gần gũi:
- Tôi rất xúc động vì lần đầu tiên được về trường THCS Đống Đa. Các em có biết vì sao Bộ GD-ĐT lại chọn trường Đống Đa là nơi tổ chức lễ phát động cuộc thi “Sáng tạo giáo dục?”
Một học sinh xung phong trả lời: “Vì trường em xanh sạch đẹp, có cô hiệu trưởng giỏi và có cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà ạ!”
- Đúng rồi. Hơn 584 trường THCS nhưng chỉ có một trường THCS có hiệu trưởng là tiến sĩ. Đó là trường THCS Đống Đa. Còn cô Đỗ Hồng Hà, cô có còn trẻ không các em?
- Có ạ!
- 53 tuổi rồi mà đối với các em học sinh vẫn là còn trẻ. Cô Hồng Hà không còn trẻ. Cô Hà có khoẻ không? Không khoẻ! Cô đã bị mổ 3 lần. Lương của cô Đỗ Hồng Hà có cao không? Không cao! Lương thầy cô giáo thì cao làm sao được. Vậy là cô Hà có 3 không: Tuổi không trẻ, sức khoẻ không tốt, lương không cao. Nhưng cô vẫn sáng tạo được.
Sáng tạo lúc nào hả các em? Sáng tạo lúc dạy học, lúc ở nhà, lúc ở bệnh viện, trên giường bệnh vẫn ôm máy tính để thiết kế chương trình môn Toán, tất cả là vì học sinh. Khi xây dựng thư viện phần mềm toán lớp 7, cô Hà cũng phải tự học thêm cả tiếng Anh. Chính tình yêu đối với học sinh đã giúp cô Hà trở thành một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo. Giúp các em học sinh vui học tốt cũng chính là giúp cho đất nước phát triển.
Với tấm gương của cô Hà thì các em học sinh, các em còn có cả một tuổi trẻ và sức khoẻ, vậy các em phải làm thế nào để học thật tích cực, học cho mình để sau này có được thu nhập tốt để chăm sóc được bố mẹ, ông bà và giúp ích cho xã hội…
“Những người làm giáo dục đang làm thay đổi tương lai của đất nước này”
Đáp lại sự nhiệt tình và tha thiết của Phó Thủ tướng, cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà đã “xung phong” trả lời giúp học sinh của mình. Tiếp thu rất nhanh ý tưởng của người đứng đầu ngành giáo dục, cô Hà chia sẻ cùng ông: “Tôi đã chọn nghề dạy học như là lựa chọn một nghề mà luôn có những thách thức nho nhỏ mỗi ngày. Trước một bài giảng mới, tôi luôn tự hỏi làm sao để học sinh có thể tiếp nhận và phát triển những điều thú vị mà tôi muốn chia sẻ.
Gần 30 năm đứng trên bục giảng, tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về nỗi bất hạnh, sự dũng cảm và lòng trắc ẩn, nhưng không có câu chuyện nào lại hứng khởi như những câu chuyện về niềm vui của học sinh khi tìm được sự gần gũi từ thầy cô hay khi tiếp thu được kiến thức mới dễ dàng như hít thở bầu không khí trong lành
Tôi nghĩ rằng sáng tạo trong giáo dục là một việc giản dị nhưng cần thiết như là hít thở không khí mỗi ngày. Sáng tạo trong giáo dục bắt đầu đơn giản từ việc mang đến cho học sinh nụ cười trong những giờ học khô khan. Sáng tạo trong giáo dục là làm sao để thầy cô trở thành người bạn của mỗi học sinh, để bài giảng kiến thức trở thành niềm vui khám phá…”
“Buổi học” đầy ý nghĩa này cũng được khép lại bằng chính lời của “học sinh” khi cô Hà đã có một phát biểu rất xúc động: “Mỗi ngày, trong từng giờ học, trong mỗi lớp học khang trang nơi thành thị hay nhà tranh vách đất ở miền núi xa xôi, trong phòng học của Trường THCS Đống Đa hay của Bộ GD-ĐT, những người làm giáo dục đang làm thay đổi tương lai của đất nước này”.
Sáng 14/11, tại trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), Bộ GD-ĐT tổ chức Lễ công bố cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” cấp THCS. Nội dung cuộc thi "Sáng tạo giáo dục" là đề xuất các giải pháp có tính sáng tạo, khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cấp THCS. Sẽ có 22 đề tài được chọn đầu tư với các mức từ 45-200 triệu đồng. Tổng giá trị của các đề tài này trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Cuộc thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ quản lý, giáo viên, những người tham gia cuộc thi phát huy khả năng sáng tạo trong các hoạt động giáo dục. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo và đạt hiệu quả cao phù hợp với hoàn cảnh nhà trường. Lễ phát động cuộc thi trên toàn quốc sẽ được tổ chức vào ngày 20/11/2008 và tháng 2/2009 sẽ trao giải thưởng. |
Bài và ảnh: Đoàn Trần