Bí quyết thành công của chủ nhân giải Nobel Vật lý 1990
15 giờ, giáo sư Friedman xuất hiện với một vẻ bề ngoài thân thiện, giản dị trong sự đón tiếp nồng nhiệt của trường ĐH Huế. Trong bài nói chuyện của mình, ông đã rút ra từ cuộc đời làm khoa học đầy gian nan và vinh quang của mình những kinh nghiệm quý, truyền tải đến những sinh viên trẻ như những bài học nằm lòng trên đường tới thành công.
Dân trí xin trích đăng những thông điệp của GS Friedman muốn gửi gắm tới các bạn trẻ:
“Việt
Thông điệp mà tôi muốn chuyển đến các bàn là với nền giáo dục tốt, sự làm việc hết mình, các bạn có thể hoàn thành công việc tốt hơn cả mong đợi và sẽ có một tương lai vượt xa những gì các bạn từng mơ ước”.
Đến với Vật lý nhờ “lực hấp dẫn” của Thuyết tương đối
“Tôi sinh ra ở Chicago (Hoa Kỳ). Bố mẹ tôi là những người nhập cư từ Nga… Họ không được hưởng một nền giáo dục chính thống. Nhưng họ tự học và quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi lớn lên trong một thời điểm khó khăn. Khi nghĩ về hoàn cảnh của mình, tôi nghĩ bất cứ người nào biết tôi đều không tưởng tượng có ngày tôi đoạt giải Nobel. Tôi lớn lên ở một khu nhà nghèo ở phía Tây Chicago, ở đó thiếu trường công lập và có nhiều tệ nạn đường phố. Đó là thời kỳ “Đại suy thoái” (Great Depression) và bố mẹ tôi đối mặt với nhiều khó khăn tài chính. Thưở nhỏ, tôi thích vẽ tranh, tô màu… và ước vọng của tôi là trở thành họa sỹ.
… Đến năm thứ 4 trường trung học, tôi bắt đầu quan tâm thực sự đến vật lý. Đó là kết quả của việc tôi được đọc cuốn sách ngắn nói về “Thuyết tương đối” của Albert Einstein… Những gì tôi đọc đã làm tôi say mê, tôi nghĩ rằng cuốn sách này có thể đã cho tôi đôi chút hiểu biết về những bí ẩn của việc thước đo co lại và đồng hồ chạy chậm lại khi chúng chuyển động nhanh. Nhưng rốt cục tôi thực sự đã không hiểu các khái niệm cơ bản của Thuyết tương đối. Điều đó càng làm tôi tò mò hơn và quyết tâm tìm hiểu các khái niệm phức tạp này.
… Năm 1950, tôi vào học ở khoa Vật lý. Tôi nhận được một nền giáo dục tuyệt vời, nhưng vẫn cảm thấy khó khăn vì kiến thức chuyên ngành của tôi ở trung học về toán và vật lý không đủ, và thời gian đó tôi phải chiến đấu rất chật vật. Thỉnh thoảng, tôi tự hỏi không biết mình đã có quyết định đúng hay không, nhưng tôi không nản bởi tôi thực sự yêu thích những gì tôi đang học. Tôi học hết mình và vượt qua tất cả các kỳ thi.
“Sẵn sàng đối mặt với thất bại”
Khi bắt đầu hoàn thành chương trình tiến sỹ, tôi quyết định đề nghị thầy Fermi (Enrico Fermi - nhà vật lý vĩ đại của TK 20) hướng dẫn đề tài nghiên cứu. Tôi không tự tin lắm về việc ông ấy sẽ chấp nhận tôi làm học trò, nhưng rồi nghĩ tôi không có gì để mất khi hỏi ý kiến ông. Dĩ nhiên tôi cũng chuẩn bị chấp nhận bị một người nổi tiếng như vậy từ chối. Và tôi thực sự ngạc nhiên khi ông đồng ý ngay lập tức.
Điều này cho tôi một bài học: hãy sẵn sàng đối mặt với thất bại. Các bạn cứ cố gắng đi xa hơn nữa ngay cả khi các bạn nghĩ mình không có đủ cơ hội. Các bạn có thể thành công.
…Vào năm 1954, có nhiều lời nhận xét gây hoang mang về sự phân rã của một loại hạt vừa được khám phá và đó là nguyên nhân của những cuộc tranh luận và suy đoán trong giới vật lý hạt nhân. Trong một bài báo táo bạo, 2 nhà vật lý trẻ T.D.Lee và C.N.Yang cho rằng nghịch lý này xuất phát từ sự không đảm bảo tính chẵn lẻ trong lực tương tác yếu và họ đề nghị cần có một vài thí nghiệm cho giả thuyết này.
… Khi hầu hết giới vật lý cho rằng định luật bảo toàn tính chẵn lẻ là một nguyên tắc bất khả xâm phạm, giáo sư Telegdi đề nghị tôi tham gia thực hiện các phép đo để thử nghiệm các giả thuyết táo bạo của Lee và Yang. Hầu hết các thành viên trong phòng thí nghiệm của chúng tôi đề nghĩ rằng làm điều này là phí thời gian. Tôi còn nhớ, sau cuộc tọa đàm về các phép đo mà chúng tôi đang thực hiện, một thành viên lớn tuổi trong khoa đã đến bảo tôi rằng bài nói chuyện của chúng tôi rất hay, nhưng chúng tôi cần thấy rằng công việc này chẳng đi đến đâu hết.
Hóa ra, chúng tôi là một trong 3 nhóm đầu tiên đã chứng minh được sự không bảo toàn của tính chẵn lẻ trong lực tương tác yếu, và nhờ vào những thí nghiệm này, một lý thuyết mới về tính tương tác yếu đã được phát triển…. Qua sự kiện này, tôi đã học được rằng các bạn nên sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới dù những ý tưởng đó bị mọi người bác bỏ.
…Từ năm 1967 đến khoảng năm 1975, nhóm MIT và SLAC (các nhóm nghiên cứu do GS Friedman tham gia hoạt động) thực hiện hàng loạt các phép đo tán xạ electron không đàn hồi từ proton và nơtron nhằm đưa ra bằng chứng thực hiện trực tiếp đầu tiên về việc proton và nơtron được tạo thành từ hạt QUARK (hạt cơ bản). Công việc này chứng minh được mô hình hạt QUARK và đưa ra cơ sở thí nghiệm cho Thuyết sắc động lực học lượng tử, nguyên lý của Lực tương tác mạnh. Nhờ công trình này mà Henry Kendall, Richard Taylor và tôi đã nhận được giải Nobel vật lý năm 1990.
Những bài học từ công việc
… “Các bạn có thể thắc mắc tôi đã học được những gì về cuộc sống từ công việc của mình. Đây là một vài điều tôi đã học được:
Có ước mơ và làm việc chăm chỉ, và những ước vọng xa nhất của bạn có thể thành hiện thực. Khi lựa chọn nghề, các bạn hãy chọn lấy lĩnh vực mà bạn thực sự yêu thích. Chỉ khi nào bạn có một niềm hứng thú, say mê đối với một lĩnh vực, bạn mới cam kết nỗ lực để đạt được một thành tựu quan trọng.
… Khi còn là một sinh viên và trong suốt sự nghiệp, tôi đã làm việc cật lực. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình làm việc một cách nặng nề vì tôi yêu thích môn vật lý. Tôi cảm thấy mình đã làm một trong những công việc lớn nhất trên thế giới. Tôi đã được đền đáp cho việc cố gắng tìm lời giải cho những bài toán hóc búa và cho việc giảng dạy một bộ môn mà tôi yêu thích.
Công việc là nguồn hạnh phúc to lớn. Khi tôi nắm rõ một vấn đề, tôi đươc trải nghiệm một niềm vui lớn. Và khi có được một phát kiến, niềm vui đó càng lớn gấp bội phần. Khi có một phát kiến, bạn có thể là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại quan sát được hoặc hiểu được một bí mật của tự nhiên mà bạn vừa khám phá ra.
Công việc này đã dạy cho tôi rằng: để vươn tới những thành tựu, bạn phải chấp nhận mạo hiểm để theo đuổi những mục tiêu và ý tưởng, ngay cả khi bị người khác phủ nhận, ngăn cản. Bạn phải ó đủ lòng can đảm và niềm tin vào những gì bạn lựa chọn. Tôi sẽ không nhận đuợc giải Nobel nếu không đi ngược lại những lời khuyên đầy thiện chí của những người đáng kính trọng…
… Sự phát triển của nhân loại gắn liền với những phát kiến ươm mầm từ óc sáng tạo của con người, từ những công cụ thô sơ thời nguyên thủy tới xã hội hiện đại…. Nhưng khoa học và công nghệ phải được xã hội sử dụng gắn liền với tính nhân văn. Nhà vật lý lý thuyết vĩ đại Victor Weisskopf đã nói: “Xã hội dựa trên hai trụ cột: tri thức và tình thương. Tình thương mà không có tri thức thì vô ích, tri thức mà không có tình thương là vô nhân đạo”.
* Thông tin bài viết được ghi, lược dịch từ bài phát biểu “Con đường đến giải Nobel” (The Road to the Nobel Prize) của GS Jerome Friedman. Có tham khảo bản dịch của trường ĐH Huế.
H.K