Thổi bùng ngọn lửa say mê sáng tạo ở ba miền đất nước
Tham gia buổi giao lưu có lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nhiều nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các trường đại học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, viễn thông.
Nồng ấm đêm mưa Hà Nội
6h30 chiều 22/5, hội trường buổi giao lưu đã ken chật chỗ.
Bãi gửi xe Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khó tìm một chỗ để. Màu áo xanh tình nguyện “rải” từ cổng trường vào khu vực sân khấu ngoài trời nơi tổ chức cuộc Giao lưu giới thiệu Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2009. Cả khoảng sân hội trường mọi ngày rộng thênh thang giờ nêm kín chặt. Sinh viên 8 trường đại học tham gia cuộc giao lưu chung nhau từng mép ghế ngồi, những nụ cười hào hứng, cuồng nhiệt nhễ nhại mồ hôi hòa với nước mưa.
Bao hai bên cánh sân khấu cho tới vòng ngoài, những gương mặt trẻ chen vai, reo hò hưởng ứng. Không khí buổi Giao lưu Nhân tài Đất Việt ngập tràn sức trẻ, hào hứng, nhiệt tình. Dù lợi thế “sân nhà” như khu vực sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông, áp đảo về số lượng như ĐH Bách khoa hay chỉ nhóm nhỏ như Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐH Quốc gia Hà Nội… thanh thế, độ nhiệt huyết cũng khó đo cao thấp.
Lời hẹn dấy lên niềm hi vọng
Các Cuộc thi Nhân tài Đất Việt trước đây, chỉ dành riêng cho lĩnh vực CNTT nhưng năm nay, sẽ mở rộng sang lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nói về ý tưởng mở rộng này Trưởng ban tổ chức Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập báo Khuyến học & Dân trí - Dân trí điện tử cho biết 4 năm qua, trong những cuộc tiếp xúc sinh viên, giới trẻ từ Bắc tới Nam, BTC đều nhận được một câu hỏi gần giống nhau: Vì sao cuộc thi chỉ dừng ở lĩnh vực CNTT&TT?
Những phút giây trẻ lại của vị giáo sư già
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ những cảm xúc 4 năm cùng Nhân tài Đất Việt
Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, người đã sát cánh sẻ chia, gánh vác Nhân tài Đất Việt từ những ngày đầu và cũng 4 năm qua, ông trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đưa tay vuốt mái đầu bạc trắng: “Mỗi cuộc giao lưu, đối thoại, làm việc cùng sinh viên, tôi có cảm giác tuổi trẻ ngày nay so với chúng tôi những ngày lập nghiệp trước đây giỏi giang, năng động hơn nhiều. Đáng vui mừng! Làm sao để phát hiện ra tài năng của tuổi trẻ để phục vụ đất nước trong một lĩnh vực hiện đại, phát triển rất nhanh này - Nhân tài Đất Việt có nhiệm vụ đó”.
Giáo sư Hiệu khẳng định, quan trọng hơn giải thưởng là việc theo dõi các sản phẩm dự thi, kể cả sản phẩm chưa đạt giải nhưng có ý tưởng tốt để có sự hỗ trợ, thúc đẩy kịp thời để sản phẩm có thể đưa vào ứng dụng ngay trong đời sống.
Xúc động cả nhà tài trợ
Chung quan điểm về mục đích thúc đẩy sáng tạo, phát hiện, hỗ trợ nhân tài, ông Phan Hoàng Đức - Phó Tổng GĐ tập đoàn VNPT, nhà tổ chức và tài trợ chính cho Giải thưởng chia sẻ lý do đã đồng hành cùng Nhân tài Đất Việt suốt thời gian qua. Theo ông Đức, dù có rất nhiều dự án, sự quan tâm khác, VNPT vẫn chung đường với Nhân tài Đất Việt, đơn giản vì tiêu chí khuyến học, khuyến tài của cuộc thi phù hợp mục tiêu hoạt động của tập đoàn. “Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT&TT, chúng tôi cũng rất mong mỏi tìm được nhân tài trong lĩnh vực này, ứng dụng sản phẩm ngay trong ngành nghề kinh doanh của tập đoàn. Chúng tôi cũng chờ đợi lực lượng lao động trẻ trong tương lai về lĩnh vực này” - ông Đức xúc động nói.
Các đại biểu trẻ lại cùng không khí buổi giao lưu.
Người đi trước “bật mí”
Khách mời nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ứng viên tiềm năng là nhà vô địch của Nhân tài Đất Việt 2006. Trưởng nhóm tác giả đoạt Giải nhất cho loại sản phẩm có tiềm năng ứng dụng với ý tưởng “Phần mềm thi trắc nghiệm và chấm điểm tự động Mr Test 3.0”, thầy Đào Kiến Quốc chia sẻ câu chuyện thành công.
Ý tưởng “độc” nhưng chưa có điều kiện áp dụng, kiểm chứng. Thầy Quốc cho biết, sau cuộc thi năm 2006, với sức mạnh truyền thông từ Giải thưởng, sản phẩm mới có cơ hội ra thị trường. Từ chỗ chỉ bán được vài bản, Mr Test đã tiêu thụ được 350 bản sau 2 năm. “Đến nay, chúng tôi đã đa dạng hóa sản phẩm với 2 dòng, dành cho các trường phổ thông, các sở GD-ĐT. Chúng tôi cũng cải thiện giao diện cho dễ dùng, tăng năng suất để xử lý 50 nghìn bài/giờ, nghĩa là có thể chấm toàn bộ số bài thi tốt nghiệp của 1 tỉnh trong 1 giờ”, tác giả của Mr Test 3.0 không giấu vẻ tự hào.
Chiều 22/05/2009, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm đã dành nhiều thời gian trao đổi với Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu - Chủ tịch Hội đồng giám khảo và ông Phạm Huy Hoàn - TBT Báo điện tử Dân trí, Trưởng BTC Giải thưởng NTĐV về định hướng mục tiêu phát triển Hà Nội tương xứng với vị thế là thủ đô của cả nước và ngang tầm với thủ đô các nước khác trong khu vực. Nhân dịp này, Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu đã giới thiệu với Thành ủy về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng và đã được tổ chức thành công từ 4 năm qua. Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu còn muốn được làm thuyết khách cho Thành ủy Hà Nội để mời các nhà khoa học khác phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội Khi được biết mục tiêu của Giải thưởng là phát hiện những nhà khoa học, những nhân tài thực sự nhưng chưa được nhiều người biết đến, những công trình khoa học có chất lượng nhưng chưa được sử dụng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Bùi Duy Nhâm cho biết: “Hà Nội mong muốn được tiếp nhận nhiều nhà khoa học, nhiều nhân tài qua nguồn phát hiện của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, đặc biệt khi Giải thưởng đã được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên.” Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm thứ 5 này sẽ được mở rộng sang lĩnh vực mới - khoa học tự nhiên. Cơ cấu giải thưởng vì thế cũng song hành 2 hệ thống, giải CNTT và giải KHTN. Mỗi hệ thống giải tiếp tục xét 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba cho nhóm sản phẩm đã được ứng dụng và nhóm sản phẩm có tiềm năng ứng dụng. Trị giá mỗi giải thưởng tương ứng là 100 triệu đồng, 50 triệu đồng và 30 triệu đồng cùng nhiều phần thưởng khác của các nhà tài trợ. Quốc Long |
Bài: Phương Thảo
Ảnh: Quốc Long