Chống hồ sơ “ảo”: Cần nhìn rõ lại bản chất
Tuy vậy, những ý kiến bàn luận này lại “lạc hướng” so với phát ngôn trước đó của một lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc chống “ảo” bằng cách cho thí sinh nộp duy nhất một hồ sơ và cho đổi ngành trước ngày thi.
“Khi chưa có văn bản ban hành chính thức của Bộ thì các ý kiến của các Cục, Vụ với giới truyền thông chỉ là trao đổi mà thôi”- Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận |
Theo cách trả lời của TS. Nguyễn An Ninh thì với mỗi trường chỉ cho phép thí sinh nộp một bộ hồ sơ duy nhất và cho phép đổi ngành trước ngày thi để tránh tình trạng như các năm qua cùng một trường nhưng thí sinh nộp nhiều bộ hồ sơ vào nhiều ngành khác nhau để dựa trên tỷ lệ chọi sau đó quyết định chọn ngành dự thi.
Như vậy, ý tưởng này hoàn toàn không đề cập đến chuyện mỗi thí sinh dự thi ở mỗi khối thi chỉ được phép nộp duy nhất một bộ hồ sơ.
Ý tưởng có mới?
Vấn đề TS. Nguyễn An Ninh đề cập ở mùa tuyển sinh năm nay không phải là điều mới gì so với các năm trước đây. Từ khi Bộ GD-ĐT quyết định thi “3 chung” thì vấn đề khá “đau đầu” này đã được nhiều trường đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên qua nhiều năm cùng với sự hỗ trợ đắc lực của phần mềm tuyển sinh thì cho thấy: Nguyên nhân bài toán thí sinh “ảo” không xuất phát từ việc thì thí nộp nhiều bộ hồ sơ vào một trường mà xuất phát từ việc ở mỗi khối thi thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT vào nhiều trường khác nhau.
Tại hội nghị tuyển sinh vừa qua nhiều trường cho biết, vấn đề “ảo” do thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào một trường đã được giải quyết triệt để bằng cách đối chiếu kiểm tra và xếp duy nhất một số báo danh chứ không như trước kia là phải bố trí theo số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký.
Cách làm này không quá phức tạp bởi dựa vào các thông số họ tên, ngày sinh, nơi sinh, trường THPT theo học… có thể xác định chính xác thí sinh đó nộp bao nhiêu bộ hồ sơ vào trường của mình. Khâu tiếp theo là chỉ cần gửi giấy báo dự thi tương ứng với số lượng hồ sơ thí sinh đã nộp nhưng các giấy này chung một số báo danh và chỉ khác ngành đăng ký dự thi.
Khi thí sinh xác định dự thi ngành nào thì chọn giấy báo dự thi đó. Căn cứ vào sự lựa chọn của thí sinh các trường chỉ cần tích vào ngành thí sinh đã chọn là mọi chuyện đã được giải quyết.
Như vậy ngay cả khi cùng một ngành (có tổ chức nhiều khối thi) mà thí sinh làm hồ sơ ĐKDT vào nhiều khối khác nhau (tất nhiên là cùng một đợt thi) thì khâu giải quyết vấn đề cũng không khó khăn gì.
Như vậy ý tưởng của lãnh đạo Bộ sẽ mang lợi ích cho thí sinh vì không phải làm nhiều hồ sơ và đỡ tốn kém. Trái lại thì các trường phải gồng lưng chạy theo thí sinh để giải quyết các yêu cầu nhưng không được “trả lương” trong khi hàng năm vẫn phải chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.
Ngoài hành lang hội nghị, một đại biểu chia sẻ: “Hiện nay việc thí sinh nộp nhiều bộ hồ sơ vào một trường không còn là vấn đề lớn. Các trường cũng “khoái” có nhiều thí sinh làm điều này vì sẽ thu thêm được một khoản tiền hồ sơ ĐKDT trong khi đó mình chỉ cần bố trí một số báo danh là đủ”
Thí sinh “ảo”: Quy luật tất yếu
Khi Dân trí chia sẻ bài toán thí sinh “ảo”, TS. Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, bộc bạch: “Thí sinh “ảo” là quy luật tất yếu của xã hội. Bài toán thí sinh “ảo” chỉ được giải quyết nếu Bộ cho phép thí sinh làm hồ sơ vào một trường nhưng có thể đăng ký nguyện vọng ở nhiều trường khác”.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh thì vào thời điểm hiện tại để chống "ảo" là rất khó. Để chống “ảo” thì khâu đầu tiên cần làm đó là công tác hướng nghiệp trong nhà trường cần phải được đẩy mạnh hơn.
Nếu công tác hướng nghiệp trong nhà trường tốt thì thông qua năng lực của mình thí sinh sẽ biết nên chọn trường nào, ngành nào… Khi điều này trở thành hiện thực thì chắn chắn sẽ không còn tồn tại tâm lý “phòng thủ” nộp hồ sơ ĐKDT vào nhiều trường.
"Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, công tác hướng nghiệp trong nhà trường còn quá yếu thì biện pháp khả thi để bù lỗ cho các trường do hậu quả thí sinh "ảo" đó là tăng lệ phí tuyển sinh" - một chuyên gia tuyển sinh nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng