(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, vừa đưa ra ý kiến đưa tiếng trống khuyến học vào lúc 19h hàng ngày trên VTV. Theo đó, Đài truyền hình Việt Nam sẽ dành khoảng 15 - 20 giây cho tiếng trống khuyến học này để nhắc nhở học sinh học bài.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nơi đề xuất ý tưởng này cho biết: “Tiếng trống khuyến học, tiếng kẻng khuyến học vào lúc 19h hàng ngày đã hoạt động nhiều năm nay tại các địa phương trong cả nước có tác dụng rất thiết thực tới từng học sinh, từng nhà, tạo nên nếp học tập cho các em. Do vậy, Hội Khuyến học đã đề xuất thực hiện tiếng trống khuyến học này trên VTV với Bộ GD-ĐT".
Cũng theo ông Nhĩ, trước đó, trong buổi làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ý kiến này. Và, tại buổi họp Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" ngày 5/2, Phó Thủ tướng đã nhắc lại.
Chấp thuận với đề nghị của Hội Khuyến học, tại buổi họp Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" vừa qua, Phó Thủ tướng Nhân cho biết: "Sẽ "xin" Đài Truyền hình Việt Nam khoảng 15 -20 giây vào 19 giờ hàng ngày để nhắc nhở học sinh cả nước ngồi vào bàn học tập. Trong thời gian đó, ngoài việc thông báo đến giờ học cho học sinh trên cả nước thì màn hình sẽ chạy một vài hình ảnh hoạt động học tập của các địa phương và lời tuyên bố là đến giờ học bài để các học sinh vào học".
Được biết, tiếng trống Khuyến học do Hội Khuyến học làm đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.
Cứ 7 giờ tối hằng ngày, ông Nguyễn Văn Chung lại mở đài phát tiếng trống khuyến học: (Ảnh - Hà Thanh)
Tiếng trống Khuyến học ấy cũng đang giúp phong trào học tập ở Quỳnh Tân, xã miền núi nghèo của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ngày càng khởi sắc. Để thực hiện phong trào này, đúng 19 giờ vào mùa đông và 19 giờ 30 phút vào mùa hè, Ban văn hoá xã sẽ phát lệnh bằng tiếng trống được ghi âm trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Từ đây, tất cả học sinh đều ngồi vào bàn học dưới sự giám sát của phụ huynh. Đồng thời, mọi phương tiện nghe nhìn trong các gia đình và nơi công cộng đều phải giảm thiểu.
Toàn xã Quỳnh Tân có hơn 1,1 vạn dân với 16 thôn, bản nằm rải rác trên các sườn núi. Tuy xa xôi, cách trở nhưng tiếng trống vẫn đến từng nhà, khơi dậy khát vọng học tập của thế hệ măng non. Để tiếng trống khuyến học đạt được kết quả cao, thầy Nguyễn Đình Quông, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Tân đã cùng giáo viên xuống các gia đình để giám sát. Thầy Quông cho biết: “Phong trào tiếng trống khuyến học được Đoàn trường triển khai mấy năm nay và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong năm học vừa qua, nhờ tiếng trống khuyến học, thành tích học tập của học sinh xã nhà đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh kết quả học tập, một hiệu quả ngoài mong đợi nữa là các em học sinh cũng trở nên chăm ngoan hơn, có ý thức vươn lên. Phong trào tự giác học tập tạo nên khí thế thi đua sôi nổi từ mỗi gia đình đến các trường học trong xã”.
Cứ đúng 7 giờ tối, bác Dũng lại gõ vang ba tiếng kẻng báo hiệu giờ tự học bắt đầu
Còn cụ Đoàn Đình Quỳnh, năm nay 85 tuổi đời, là Chi hội trưởng Hội Khuyến học khối Yên Hoà, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết: “Cứ đúng 19 giờ hàng ngày (trừ Chủ nhật), Hội Khuyến học dóng một hồi trống để nhắc nhở con em vào bàn học tập”. Sáng kiến này nhanh chóng được chi bộ và nhân dân trong khối hoan nghênh và đưa vào hương ước của khối.
Tiếng trống Khuyến học đã vang lên 18 năm qua tại làng Trác Bút (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh). Sau tiếng trống khuyến học, một đoàn kiểm tra gồm đại diện hội khuyến học thôn, các giáo viên trong làng đến từng nhà kiểm tra tình hình học tập của học sinh.
Ông Nguyễn Văn Hiểu, thành viên Hội Khuyến học thôn Trác Bút cho biết: “Năm 1990, hội khuyến học thôn đề xuất, cứ 7 giờ tối hằng ngày sẽ có hiệu lệnh nhắc nhở học sinh học tập, sau hiệu lệnh là 3 hồi trống. Vì thế mới có tên là tiếng trống khuyến học. Để thực hiện được ý tưởng này, chính quyền thôn kết hợp với hội khuyến học đến nhà trường đề nghị giáo viên nhắc nhở học sinh học bài sau khi nghe tiếng trống khuyến học, đồng thời, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu biện pháp này".
Được biết, ý tưởng thành lập tiếng trống khuyến học là của cụ Nguyễn Văn Thúc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Phong. Năm 1984, cụ Thúc nghỉ hưu. Về làng, cụ làm Trưởng ban Khuyến học thôn Trác Bút. Tiếng trống khuyến học được ghi âm thành băng, đĩa và đều đặn phát vào 7 giờ tối hằng ngày. Hiện nay, ông Nguyễn Văn Chung, 61 tuổi, con của cụ Nguyễn Văn Thúc, cũng là thành viên hội khuyến học thôn, đảm nhiệm.
Không chỉ tiếng trống, cũng vào 19 giờ, con phố nhỏ thuộc khu vực Quan Thành 4B (P.Hoà Khánh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã chìm vào không gian yên sau tiếng kẻng khuyến học. Bác Dũng, một thành viên trong tổ đánh kẻng cho biết: “Vốn trước đây tình hình an ninh trật tự ở khu phố này khá phức tạp, có cái kẻng để người dân khi phát hiện kẻ gian thì đánh báo động. Sau này mọi người lại nảy ra sáng kiến đánh kẻng khuyến học theo phong trào vừa được phát động. Nên từ hơn một năm nay, cứ 19h, ba tiếng kẻng vang lên báo cho các em học sinh biết là đã đến giờ tự học”.