Người lính làm “phao cứu sinh” trên biển

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Người lính làm “phao cứu sinh” trên biển

Gửi bàigửi bởi Inviblesi » 16 Tháng 7 2010, 13:40

(Dân trí) - Trung tá Nguyễn Đăng Tâm cùng đồng đội ở Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế được coi là “phao cứu sinh” của bà con ngư dân bởi mỗi khi bà con gặp nạn là các anh lao mình xuống cứu người, chẳng kể nguy nan…

Trung tá Nguyễn Đăng Tâm, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong số ít chiến sĩ được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp toàn quân. Đơn vị anh vừa vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong thực hiện: Ngày biên phòng toàn dân, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo của tổ quốc …

 

Mê làm thủy thủ từ những ngày lội sông vớt củi

 

“Tôi xuất thân từ nông dân nhưng đã “nằm” trong quân ngũ và gắn bó với sóng nước biển khơi tỉnh Thừa Thiên Huế đã hơn 20 năm nay ” - Trung tá Nguyễn Đăng Tâm bắt đầu cuộc trò chuyện - “Tôi lớn lên ở vùng quê Lệ Thủy (Quảng Bình), năm nào cũng ngập trong nước lũ. Cứ mùa lũ đến, người dân chúng tôi lại đua nhau bơi ra giữa dòng nước để vớt củi trôi từ trên nguồn đổ về, nhờ rứa mà tôi bơi lội giỏi. Tôi mê khám phá biển khơi, thích làm thủy thủ từ những ngày còn bé”.

 

Tháng 3/1983, anh Tâm làm đơn xin nhập ngũ và đứng vào hàng ngũ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Năm 1985, anh được đơn vị cử đi học lớp cơ điện hàng hải và lớp thuyền trưởng để rồi sau này anh thực hiện được ước mơ gắn bó đời mình với sông nước.

 

Kinh nghiệm sông nước tích lũy từ thời trai trẻ, cùng với sự sáng tạo, lòng nhiệt tình của trái tim người lính trẻ những năm qua, anh liên tiếp lập nhiều thành tích và anh được vinh dự chọn là đại biểu duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế đi báo cáo điển hình tổng kết 2 năm “Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng tổ chức.

 
 Hải đội trưởng Nguyễn Đăng Tâm (thứ hai từ trái sang) đang cùng anh em chiến sĩ tuần tra trên biển.
 

Ở các cương vị khác nhau, là thuyền trưởng, Hải đội phó rồi Hải đội trưởng Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, anh Tâm luôn là người mẫu mực, cần mẫn trong công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chín năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2007, anh vinh dự được Bộ Quốc phòng khen thưởng là chiến sĩ thi đua cấp toàn quân.

 

Khi hỏi về thành tích của mình, anh chỉ cười và nói: “công lao của anh em chiến sĩ trong đơn vị mới lớn, nếu không có anh em thì bản thân tôi cũng chẳng làm được gì nhiều”. Và anh vui vẻ kể về đơn vị mình: “Hải đội 2 là đơn vị mẩu của lực lượng biên phòng tỉnh, được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng 3. Năm năm liền đơn vị tôi được bình chọn là đơn vị quyết thắng và nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, đơn vị tôi lại vinh dự được Thủ tướng tặng bằng khen vì đã có thành tích trong thực hiện “Ngày biên phòng toàn dân”, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo của tổ quốc. Đó chính là phần thưởng cao quý của anh em trong đơn vị và là niềm vui lớn của bản thân tôi”.

 

Làm “phao cứu sinh” cho ngư dân

 

Từ lâu ngư dân vùng cửa biển Thuận An và người dân trong vùng luôn ghi nhớ, mang ơn anh Tâm và các chiến sĩ biên phòng Hải đội 2 vì hành động dũng cảm cứu người trong hoạn nạn. Anh Tâm và đồng đội được mệnh danh là “phao cứu sinh” cho bà con ngư dân vùng này mỗi khi tàu thuyền họ gặp nạn trên biển; là “thần hộ mệnh” của người dân vùng ngập lũ Thừa Thiên Huế.

 

Dưới sự chỉ huy của anh Tâm, Hải đội 2 đã cứu sống được hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển. Rồi hàng năm, cứ mỗi mùa lũ đến người dân vùng này lại bắt gặp anh Tâm, một người dáng nhỏ gầy, sạm đen vì nắng gió cùng anh em chiến sĩ đi từng nhà, giúp dân di dời ra khỏi vùng lũ nguy hiểm.

 

Người vùng biển Thuận An vẫn còn nhớ như in cái ngày Hải đội 2 bị “xóa sổ”. Trận lũ lịch sử năm 1999 đã phá tan đập Hòa Duân và cuốn phăng toàn bộ doanh trại của Hải đội 2 ra biển. Hai chiến sĩ của hải đội này đã anh dũng hi sinh trong đợt lũ này khi đang cố gắng di dời người dân ra khỏi vùng rốn lũ.

 

“Sau trận lũ, anh em chúng tôi phải bắt tay làm lại từ đầu. Khó khăn muôn vàn nhưng nhờ sự đồng tình, đoàn kết của anh em nên chỉ sau ba năm chúng tôi đã có được doanh trại khang trang. Đời sống anh em chiến sĩ đã được đảm bảo tốt và ngày một nâng cao. Đơn vị luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của tỉnh” - anh Tâm cho biết.

 

Không phải ngẫu nhiên Hải đội 2 được chọn là đơn vị mẫu, lá cơ đầu trong phong trào thi đua của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế. Tâm bão, rốn lũ ở trên đất liền hay ngoài ở biển xa, dù ở đâu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đều có mặt chiến sĩ Hải đội 2 xuất hiện sớm nhất, khẩn trương giúp dân thoát nạn, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn… góp phần giảm được thiệt hại cả về người và tài sản cho người dân vùng ngập lũ. Và không lúc nào vắng bóng người chỉ huy Nguyễn Đăng Tâm.

 

“Ngày 21/12/2008, khi đơn vị chúng tôi đang kỷ niệm ngày QĐNDVN thì người dân đến kêu cứu vì cha, chồng của họ đang gặp nạn trôi dạt trên biển. Ngay lập tức, tôi quyết định dẹp bỏ tất cả, huy động lực lượng lên đường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Sau hơn nửa ngày tìm kiếm, đơn vị chúng tôi đã tìm thấy và cứu sống được 11 ngư dân vào bờ an toàn. Và món quà có ý nghĩa nhất đối với người lính chúng tôi trong lễ kỷ niệm ngày thành lập đó là những bó hoa, vòng tay siết chặt và lời cảm ơn chân tình của những người bị nạn”, anh Tâm tâm sự.

 

Nói rồi, anh Tâm lôi trong ngăn kéo tập báo cáo về những thành tích mà đơn vị lập được từ năm 1999 đến nay cho chúng tôi xem. Trong bản báo cáo có ghi “thành tích” lực lượng Biên phòng Hải đội 2 khi xua đuổi hàng trăm tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, trong đó có nhiều vụ phải bắt giữ thuyền viên vì cố tình xâm phạm lãnh hải để khai thác hải sản.

 

Ông Võ Văn Thành, một ngư dân ở Phú Vang, xúc động nói: “Nếu không có chú Tâm, không có các chú bộ đội biên phòng Hải đội 2 chắc tui đã trở thành người thiên cổ lâu rồi. Nhiều ngư dân vùng ni phải đội ơn các chiến sĩ biên phòng này lắm”. Ông Thành là một trong số 11 thành viên đi biển gặp nạn tháng 12/2008, được các chiến sĩ hải đội 2 cứu, đưa về đất liền an toàn.

 

Với thành tích xuất sắc trong việc cứu hộ cứu nạn, anh Tâm đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương và Trung ương. Và niềm vui nhất với anh là ngư dân luôn nhớ đến mình, đến đơn vị mình mỗi lần khởi hành ra khơi đánh cá…

 

Làm “ông tơ” cho lính già

 
Anh Nguyễn Đăng Tâm hướng dẫn chiến sĩ trong đơn vị mình trồng rau trên cát để cải thiện đời sống.
 

Để đạt được những thành tích như ngày hôm nay, anh Tâm đã kỳ công trong việc gây dựng một hải đội đoàn kết, vững mạnh. Chiến sĩ coi nhau như anh em trong nhà. “Đã trải qua nhiều cương vị khác nhau tôi thấu hiểu được tâm tư của anh em, nhất là những chiến sĩ trẻ xa nhà. Đối với chiến sĩ tôi luôn coi như những người bạn, người em, như con cháu của mình và luôn động viên, tạo mọi điều kiện để anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chiến sĩ biên phòng chúng tôi phải coi đồn là nhà, biển là quê hương” - anh Tâm bộc bạch.

 

Khi được hỏi điều gì giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không một phút suy nghĩ, anh trả lời: Hậu phương! Và quả đúng như vậy, hiện anh Tâm có hậu phương vững chắc là người vợ hiền và hai đứa con ngoan, học giỏi luôn luôn ủng hộ anh. Và việc anh Tâm luôn băn khoăn là làm sao để cho hậu phương của sĩ quan, chiến sĩ của mình ngày một vững chắc hơn nữa.

 

Anh cho biết: “Hiện trong đơn vị tôi vẫn có nhiều anh em còn gặp hoàn cảnh khó khăn, nhiều chiến sĩ tuổi đã lớn nhưng không dám lập gia đình vì sợ không “kham” nổi cuộc sống cho vợ con. Tôi cũng từng “dính” phải suy nghĩ này nên hơn 30 tuổi mới lập gia đình. Chính điều này làm cho tôi trăn trở, phải tìm cách nào để giải quyết khó khăn cho anh em và giúp họ sớm ổn định gia đình”.

 

Những anh em khá lớn tuổi mà chưa lập gia đình thì anh chủ động đứng ra làm “bà mối”. “Chiêu” mai mối của anh là thông qua việc kết nghĩa giữa đơn vị với đoàn viên thanh niên địa phương, qua các cuộc họp, hội nghị, lễ hội anh đều tranh thủ giới thiệu lính của mình với các cô gái. Và anh đã làm chủ hôn tổ chức đám cưới cho các anh em trong đơn vị.

 

Anh Tâm nói vui: “Ngày lễ tình nhân 14/2 vừa rồi, tôi đã ra lệnh “cưỡng chế” buộc các anh thanh niên trong đơn vị chưa có bạn gái thì phải đi chơi “kiếm mối”, tìm “hậu phương”. Và “giao chỉ tiêu” phải “tán” đổ cô gái trong vòng nửa năm nếu không có kết quả thì bị xem như “không hoàn thành nhiệm vụ”. Năm 2008, đơn vị chúng tôi đã thành công trong việc mai mối khi có bốn chiến sĩ thuộc diện U30 lập gia đình. Hiện còn 8 chiến sĩ nữa đang “xúc tiến” để sớm làm lễ kết hôn. Lính biển chúng tôi quán triệt rồi, làm gì thì làm chứ nhất định phải là “biển một bên và em một bên” mới hoàn thành được nhiệm vụ”, anh Tâm cười dí dỏm.

 

Hoàng Anh

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Inviblesi
 
Bài viết: 76
Ngày tham gia: 03 Tháng 7 2007, 13:46
Đến từ: Vietnam


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến254 khách


cron