Sáng mãi gương Người - Hồ Chí Minh
Tham gia buổi mít tinh có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An;
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và Hà Nội... đã tham dự.
Về phía Hà Nội có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố; Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố; Phạm Lợi, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội.
Cùng dự có các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với nước, trên 1.000 đại biểu các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Phạm Quang Nghị đã nêu bật những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới.
Đồng chí khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản vô cùng quý giá, cả về tư tưởng, lý luận, những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp. Đạo đức Hồ Chí Minh được kết tinh trong các tác phẩm, bài nói, bài viết và trong toàn bộ cuộc đời hoạt động vô cùng phong phú, mẫu mực của Người. Đó cũng là những tinh hoa đạo đức của nhân loại và những giá trị đặc sắc, tiêu biểu nhất của đạo đức truyền thống Việt
Đồng chí Phạm Quang Nghị chỉ rõ, lễ kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng, đang tích cực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đồng chí nói: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là học tinh thần và ý chí vượt biển băng ngàn ngay từ lúc tuổi đôi mươi để quyết tâm tìm đường cứu dân, cứu nước; học tập tinh thần hy sinh, phấn đấu, suốt đời vì Đảng, vì dân, tinh thần đấu tranh bài trừ tham ô, lãng phí, quan liêu. Đồng chí nhấn mạnh: Phải thực hiện thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để tiến bộ không ngừng, đặc biệt phải đoàn kết xung quanh Đảng, phấn đấu về mọi mặt để xây dựng và bảo vệ Thủ đô xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, của một dân tộc anh hùng”.
Để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm theo gương sáng Bác Hồ, Hà Nội đã triển khai Cuộc vận động nghiêm túc, với tinh thần sáng tạo, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; gắn việc triển khai Cuộc vận động với thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2008 và các Chương trình công tác lớn của Đảng bộ thành phố với hai khâu đột phá là cải cách hành chính và công tác cán bộ.
Đại diện các tấm gương điển hình trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thay mặt các thí sinh đạt giải cao tại Hội thi toàn thành phố “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bác Phạm Thắng, 50 năm tuổi Đảng, phường Dịch Vọng; bác Phạm Hồng Thụy, 50 năm tuổi Đảng, cán bộ mặt trận Khu dân cư 12, phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) và chị Nguyễn Kim Quý, cử nhân tâm lý (thí sinh đạt giải Nhất Hội thi), đã bày tỏ niềm tự hào là những đảng viên từng được phục vụ Bác, được gặp Bác và được nghe huyền thoại về Bác qua những trang sách, cuốn chuyện, lời kể của mọi người.
Chị Nguyễn Kim Quý xúc động nói: “Thế hệ chúng tôi sinh ra khi Bác đã đi xa, đất nước thống nhất, chỉ được biết Bác qua những thước phim, sách báo, lời kể của cha mẹ, chú bác, anh em, bạn bè. Mỗi lần được nghe kể chuyện về Bác, chúng tôi càng nhận thức rõ trách nhiệm “phải sống sao cho xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, làm những công việc bình thường nhưng có ích cho đời”.
Các hoạt động nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh nhật Bác * Sau 1 năm phát động cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Các đoàn viên, thanh niên đã tham gia chương trình “Mái ấm tình thương” quyên góp được trên 2,2 tỷ đồng trong 3 năm (2005-2007) xóa 139 nhà tạm cho người dân nghèo vùng sâu, vùng xa. Đoàn viên, thanh niên ở cơ sở còn đóng góp trên 20.600 ngày công lao động xây dựng 106 nhà bán trú, phòng học cắm bản tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số... 10 gương mặt đoàn viên, thanh niên các dân tộc tiêu biểu xuất sắc đã được tuyên dương. * Hội thi kể chuyện “Hồ Chí Minh - đẹp nhất tên Người” diễn ra trong hai ngày (16-17/5) Tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức đã thu hút sự tham gia của 19 thí sinh xuất sắc được lựa chọn từ 872 thí sinh qua 79 cuộc thi cấp cơ sở.
Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Bá Sơn đoàn Dân Chính Đảng với câu chuyện “Những ngày cuối cùng trên gường bệnh của Bác Hồ”; giải nhì được trao cho thí sinh Nguyễn Bá Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp với mẩu chuyện “Bác viết di chúc” và giải ba thuộc về thí sinh Dương Thị Thu Thủy, Đại học Đà Nẵng với chuyện “Đêm nay Bác không ngủ” và“Đêm giao thừa Bác đến thăm người nghèo”. * Tại Phú Yên, Hội diễn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 5 với chủ đề “Sáng mãi phẩm chất bộ độ cụ Hồ” khai mạc tại thành phố Tuy Hòa tối 17/5 đã mở đầu cho các hoạt động văn hóa kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 18 đơn vị với hơn 535 diễn viên thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 5 tham gia hội diễn. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên và nhân dân huyện miền núi Sơn Hòa đã tổ chức lễ dâng hương tại Nhà thờ Bác Hồ ở xã miền núi Sơn Định. Sở văn hóa- thể thao và du lịch Phú Yên tổ chức chiếu phim lưu động tại 13 xã vùng sâu, vùng xa với những bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Thanh Bình
TTXVN