Niềm tin nối tiếp niềm tin
Năm 1999, khi có quyết định thành lập Quỹ Khuyến học TP. thì quỹ Hội không có đồng nào. Nhưng bằng vào niềm tin "ai cũng có tấm lòng khuyến học", Quỹ Khuyến học TP. HCM đã mạnh dạn thành lập Chương trình học bổng Khuyến tài theo phương thức 1 ân nhân nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho 1 sinh viên (SV) trong suốt quá trình học đại học. Do đó, nó còn được gọi là học bổng 1&1.
Với 1,5 triệu đồng/năm, 1 suất học bổng 5 năm trị giá 7,5 triệu đồng không phải là số tiền lớn, nhưng cũng không nhỏ đối với một viên chức. Nhưng nếu chia nhỏ ra mỗi năm 1,5 triệu đồng thì nhiều người vẫn sẵn lòng. Và trong năm đầu tiên (1999-2000), 5 suất học bổng 1&1 đã được trao cho 5 SV thật sự khó khăn của TP. HCM trong đó có 2 SV khiếm thị. Đích thân Phó Chủ tịch Lê Minh Ngọc cũng nhận bảo trợ cho SV khiếm thị Trần Thị Minh Tuyết.
Với phương thức này, các ân nhân nhận có thể quản lý được khoản hỗ trợ của mình, thấy được sự trưởng thành của SV mình bảo trợ, thấy được kết quả tốt đẹp từ hành động của mình. Do vậy, họ nảy sinh niềm tin đối với Chương trình, họ giới thiệu cho bạn bè, con cháu, anh chị em cùng tham gia. Đến năm 2007, Chương trình đã nhận bảo trợ cho 530 SV, có 118 SV đã tốt nghiệp ra trường.
Giọt trước rỏ đâu, giọt sau rỏ đó
Nối tiếp và nối tiếp, Nguyễn Vương Quốc Thịnh - một trong số 5 SV nhận học bổng năm đầu tiên, nay đang học thạc sĩ tại Pháp đã vận động các du học sinh thành lập một học bổng mang tên Đồng hành. Anh lập học bổng này với ý nghĩa: mình không phải là một ân nhân mà là một người bạn, một người anh đồng hành cùng những người cùng cảnh ngộ.
Cùng ý nghĩa đó, những SV nhận học bổng 1&1 đã tốt nghiệp, hiện đang làm việc trong nước cũng liên kết nhau lại thành lập học bổng Rước bạn đi sau, chung nhau bảo trợ cho lớp em. Một SV vừa tốt nghiệp có thể không đủ sức bảo trợ 1 SV khó khăn; nhưng 2, 3 người có thể dành dụm chung nhau dìu dắt một đàn em. Và cứ thế, niềm tin lan tỏa qua những trái tim, phong trào khuyến học TP lớn mạnh bằng phương thức nghĩa tình.
Học bổng không chỉ là học bổng
Với phương thức ấy, người đỡ đầu và SV nghèo hiếu học lại gắn bó với nhau bằng tình thân như ruột thịt. Rất nhiều trường hợp SV nhận học bổng 1&1 vui mừng ôm chầm lấy ân nhân của mình trong ngày lễ tốt nghiệp, ân nhân thì hạnh phúc ngắm nhìn tân cử nhân mà mình đùm bọc những năm qua. Nó như một thành quả tuyệt vời đến từ tình thương, sự gắn bó giữa những con người vốn là xa lạ.
Khi SV nhận học bổng Khuyến tài ra trường, họ vẫn tiếp tục gắn bó với Chương trình trong CLB SV nhận học bổng Khuyến tài. Những SV này sinh hoạt với nhau dưới một mái nhà chung là CLB, khi ra trường họ vẫn được sống và sinh hoạt trong mái nhà ấy, chia sẻ và dìu dắt nhau cùng học tập, trưởng thành.
Nói như anh Nguyễn Văn Cải (một trong 5 SV nhận học bổng đầu tiên): "Đây là mái ấm của những con người có chung mẫu số: Tuổi thơ gắn liền với nghèo khổ, cơ cực, vất vả mưu sinh kiếm ra đồng tiền để cắp sách đến trường. Dù nghèo khó nhưng ý chí và khát vọng sống và học tập rất mãnh liệt".
Cũng từ đó, học bổng Rước bạn đi sau của SV đã tốt nghiệp ra đời. Đáng quý là 2 SV khiếm thị Trần Thị Minh Tuyết và Nguyễn Văn Long đã thành tài, quay lại nhận bảo trợ cho nhiều SV lớp kế cận.
Đánh giá về học bổng Khuyến tài của Hội KH TP. HCM tại buổi lễ trao học bổng Khuyến tài 2007-2008, PGS-TS Lương Ngọc Toản - Phó Chủ tịch Hội KHVN, cho rằng: "Đây là một mô hình sáng tạo, một sáng kiến hay với nhiều tên gọi rất ý nghĩa, đã làm xúc động lòng người".
Cũng từ đó, hoạt động của Hội Khuyến học TP. phát triển rộng khắp đến từng quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố. Đến nay, 301/322 phường, xã của TP đã có tổ chức Hội, toàn thành có 173.609 hội viên; 38.753 gia đình đạt danh hiệu Gia đình hiếu học các cấp.
Năm 2007, Hội Khuyến học TP. HCM các cấp vận động được gần 19 tỉ đồng cho phong trào khuyến học; trong đó riêng Thành hội là 2,3 tỉ đồng. Nhờ đó, Hội đã thực hiện được một số hoạt động khuyến học như: - Trao hàng ngàn suất học bổng Khuyến tài, Tiếp sức đến trường, Chắp cánh tương lai, Đồng hành, Rước bạn đi sau... - Vận động xây dựng 2 trường mầm non ở huyện Bình Chánh và Củ Chi trị giá trên 3,5 tỉ đồng. - Xây dựng nhà tập thể cho giáo viên trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè. - Vận động xây dựng trên 100 căn nhà tình thương cho giáo viên nghèo. - Cho giáo viên nghèo ở ngoại thành vay tiền học nâng cao trình độ với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng... |
Tùng Nguyên