Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Những thách thức lớn của ngành giáo dục năm 2008

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 13:46
gửi bởi Zelda
(Dân trí) - Trường lớp xập xệ, chất lượng dạy, học tiếp tục chuyển biến chậm, chất xám ngày một “chảy” đi nhiều hơn... Đó là những thách thức lớn mà ngành giáo dục sẽ phải đối mặt trong năm 2008.

“Đánh vật” với bài toán chất lượng

Khai giảng năm học 2005-2006, ngành giáo dục có tuyên bố dành ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Gần 3 năm đã trôi qua, chất lượng dạy và học luôn là một vấn đề được đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng hầu như chưa có hiệu quả gì.

Nguyên nhân của sự dai dẳng này, theo G.S Hoàng Tụy là vì ngành giáo dục thường chỉ lo giải quyết vấn đề một cách chắp vá, tạm thời mà không giải quyết vấn đề cơ bản và gốc rễ, là tập trung cải cách toàn diện cả hệ thống.

Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có chỉ ra rằng trong bối cảnh hiện nay, chất lượng và lương tâm của thầy cô giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.

Ông Nhân khẳng định: “Chúng ta phải suy nghĩ và sáng tạo, lao động và thi đua để chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao. Chính vì vậy mà năm học 2007- 2008, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động cuộc vận động trong toàn ngành tới năm 2012: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Đây là điều kiện cần thiết, không thể thiếu để nhà giáo chúng ta làm tròn trách nhiệm xã hội vô cùng vinh quang của mình: giáo dục cho các em học sinh từ tuổi thơ ngây trở thành con ngoan, hiếu thảo, công dân tốt, người có ích cho gia đình, dân tộc và nhân loại.

Tuy vậy, niềm hy vọng nâng cao chất lượng dạy và học theo cách này của người đứng đầu ngành giáo dục đã trở nên ngày càng khó khăn hơn bởi ngay sau khi ngành phát động cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức liên tục gia tăng. Chỉ trong khoảng 2 tháng đã có tới 18 vụ bạo hành học sinh bị phát hiện.

Chất lượng dạy và học chính vì thế tiếp tục là một bài toán nan giải trong năm 2008.

Nguy cơ “chảy máu chất xám” ngày càng lớn

Sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), riêng trong lĩnh vực giáo dục, sự có mặt của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng đã ngày càng nhiều hơn và kéo theo đó là một nguy cơ lớn về chảy máu chất xám.

Giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức giống như Trung Quốc những năm 2005, 2006. Số sinh viên, học sinh Trung Quốc xuất ngoại tăng nhiều, nhưng số người trở về ngày càng ít. Đây cũng là một quốc gia bị chảy máu chất xám ra nước ngoài nghiêm trọng nhất so với bất cứ nước nào khác.

Có hơn 300.000 chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc làm việc trong các ngành công nghiệp kỹ thuật cao ở nước ngoài. Hơn 70% số người đi du học không trở về là một tổn thất lớn cho Trung Quốc.

Theo thống kê của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong số 1,07 triệu sinh viên du học ở nước ngoài từ năm 1978 chỉ có 275.000 người trở về nước làm việc, chiếm tỉ lệ trên 1/4. Năm 2005 có 118.000 sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài. Ước tính, năm 2010, con số này sẽ là 200.000 và năm 2020 sẽ là 300.000.

Trước thực trạng này,GS. Hà Huy Khoái, Phó Chủ tịch Hội Toán học có nhận xét rằng: “Hầu như tất cả tài năng trẻ của Việt Nam hiện nay đều trưởng thành nhờ được học tại các đại học nước ngoài và sau khi học, họ tiếp tục ở lại đó làm việc. Đến nỗi, nhiều tờ báo gọi họ là “Việt kiều”, mặc dù từ này có lẽ không thật chính xác.

Thật đáng lo ngại, khi hầu hết học sinh, sinh viên tài năng của Việt Nam nếu muốn trưởng thành về khoa học đều phải trở thành “Việt kiều”. Đây là câu hỏi mà những người hoạch định chính sách cần tìm câu trả lời”.

Trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp

Hiện nay cả nước vẫn còn 170.000 phòng học có nhu cầu để xây dựng, sửa chữa đòi hỏi chi phí hơn 25.000 tỷ đồng. Cùng đó, nhà ở công vụ cho giáo viên ở các vùng núi, vùng khó khăn còn thiếu gần 65.000 căn, trị giá xây dựng là 3.370 tỷ đồng...

Sẽ lấy ở đâu ra gần 30.000 tỷ đồng để trường lớp thoát hoàn toàn khỏi cảnh xập xệ?

Theo bộc bạch của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì: “Năm 2000, Nhà nước chi cho giáo dục là 18.386 tỷ đồng. Năm 2006, chi cho giáo dục 54.798 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 6 năm, ngân sách cho giáo dục tăng gần gấp 3 lần. Chúng ta không thể đòi hỏi nhà nước chi nhiều hơn nữa cho giáo dục…”

Nguồn của 30.000 tỷ trên có lẽ trông chờ phần nhiều ở việc tăng học phí và quyết liệt thực hiện xã hội hoá. Tuy nhiên, học phí năm 2008 có tăng được hay không và sẽ tăng ở mức độ nào dường như vẫn là câu chuyện quá khó đối với ngành giáo dục. Còn việc thực hiện xã hội hoá thì trong nhiều năm qua phần nhiều chỉ thực hiện theo hình thức tự phát là chính...

Và vì vậy, cũng theo ông Nhân: “Chúng ta sẽ còn phải chịu đựng 10 năm hoặc lâu hơn nữa việc trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp”.

Mai Minh

Sưu tầm từ dantri