HaBiotech: Bài học từ những nước láng giềng
>> Đô thị sinh học - Giấc mơ hoá rồng của Thăng Long?
Tiểu Súc là con đường nhỏ, nghĩa là nhằm đạt được những hiệu quả ứng dụng nhất thời. Những kết quả này thường mang tính cục bộ một vùng hoặc một nước, có tác dụng cải thiện hình ảnh bên ngoài, tạo lợi thế marketing v.v. Con đường lớn là Đại Súc, nhằm tạo những trung tâm công nghệ mũi nhọn, có tầm cỡ đi đầu trên thế giới về một lĩnh vực nào đó.
Hai con đường này có những điều kiện xuất phát điểm, cách quản lý khác nhau. Tiểu Súc chỉ cần đông người trong khi Đại Súc đòi hỏi phải có một văn hoá sáng tạo vô điều kiện. Xem xét các yếu tố thực tế trong nước và tình hình nhiều Technopolis trên thế giới, báo cáo nhận định Việt Nam có thể tiếp cận theo hướng Tiểu Súc là thích hợp.
Habiotech - Đối chiếu dữ liệu của WHO
WHO nhận định, Việt Nam là một nước nghèo, chi phí cho chăm sóc sức khỏe rất thấp (86USD/ người /năm), chỉ bằng 1/10 Hàn Quốc hay 1/30 Đức, nhưng tuổi thọ trung bình đạt 61, vượt Thái Lan (60) trong khi chi y tế của nước này lớn gần gấp 3 (223USD/người/năm). Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là 36,7/1000 tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Algeria. Mặc dù thu nhập thấp so với nhiều nước nhưng Việt Nam lại có hệ thống Y tế cơ sở diện rộng với hơn 600 bệnh viện huyện và 9.806 trạm y tế xã, phường. Người Việt Nam tiếp cận các dịch vụ y tế đa dạng, từ Tây y, Đông y và các loại thuốc dân gian…
Vị tiến sỹ đến từ ĐH hàng đầu thế giới về kiến trúc cũng phân tích triển vọng hút đầu tư của Habiotech. Số liệu cho thấy người dân VN bỏ tiền túi ra chi phí Y tế chiếm 86,1% - lớn so với nhiều quốc gia, nhưng do thu nhập thấp nên tổng giá trị không đủ hấp dẫn những tập đoàn Y dược lớn. “Là doanh nghiệp, các tập đoàn ưu tiên đến thị trường, lợi nhuận hơn là từ thiện” - TS.Hayselmayer cho rằng dự án đưa ra dự báo có phần lạc quan.
Bài học từ láng giềng
Singapore, một thành phố hình mẫu, đi lên từ dịch vụ giao thương nay đang phấn đấu trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao. Khu phố xưa làm hương vòng nay là những nhà máy dược phẩm xuất khẩu khắp thế giới. Trung tâm công nghệ cao hình thành từ bệnh viện lớn có uy tín, chăm sóc y tế cho người dân bản địa và từ các nước trong khu vực, đem lại nguồn ngoại tệ không nhỏ.
Thủ đô Manila của Philippines rất hiện đại, nhiều đô thị đại học được quy hoạch rộng mênh với những khu công nghệ cao. Tuy vậy những bức ảnh cho thấy không khí quạnh hiu. Hàng chục năm qua, những khu công nghệ vẫn im lìm bên cạnh một thế giới thay đổi từng ngày. Một quốc gia nói tiếng Anh, người Mỹ ở đây đã khá lâu, đất nước 80 triệu dân cũng kêu gọi đầu tư nước ngoài từ những năm 1970, hàng năm hút lượng kiều hối tới 18 tỷ USD… Tuy vậy không mấy ai biết đến những trung tâm công nghệ cao đã có ở đây.
“Hiện thực của Manila nhắc nhở chúng ta không phải giấc mơ nào cũng thành hiện thực và hiện thực rất khác những giấc mơ” - TS.Arthua nói.
Trần Huy Ánh