Cách nhìn mới từ đề xuất làm “trục Thăng Long”
>> Hội khoa học Lịch sử đề nghị bỏ “trục Thăng Long”
>> “Không đặt vấn đề trục Thăng Long là trục tâm linh”
>> Phải dựng vành đai xanh, dù có “chạm” tới… đại gia
TS-KTS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây Dựng (VIAP), một bên tham gia liên danh lập quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, lý giải về ý tưởng hình thành “trục Thăng Long” sau rất nhiều ý kiến tranh luận đa chiều.
Ý tưởng trục Thăng Long từ Champs - Elysées?
Có ý kiến cho rằng trục Thăng Long ra đời ngẫu hứng, thiếu cơ sở thực tiễn và khoa học. Trục giao thông lớn đi thẳng như vậy xét về khía cạnh chuyên môn có vấn đề gì, đã có “tiền lệ” tại Việt Nam cũng như các đô thị trên thế giới, thưa ông?
Về nguyên lý, trục giao thông đường thẳng là tối ưu, qua 2 điểm thì chỉ kẻ được 1 đường thẳng duy nhất và cũng là khoảng cách ngắn nhất giữa 2 điểm đó. Con đường đầu tiên tại Hà Nội nối Đồn Thuỷ với thành Hà Nội là một đường thẳng dài 3km. Quốc lộ 6 nối Hà Nội - Mai Lĩnh dài gần 20km cũng gần như đường thẳng.
Có những viện dẫn quan niệm không gian phương Đông không thích hợp với trục giao thông thẳng, thậm chí cho rằng mô hình này như một mũi tên găm vào trung tâm đô thị. Ông có ý kiến gì về quan điểm này?
Triết học phương Đông vận dụng vào tổ chức không gian đô thị một cách chọn lọc nhất có lẽ là ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Ở đó, người Trung Quốc xây dựng trục Tràng An dài hàng chục km xuyên qua trung tâm thành phố, đi qua quảng trường Thiên An Môn. Trong thành cổ Bắc Kinh cũng có trục Nam Xa 16km và Nam Trường 46km vuông góc với nhau xuyên qua Tử Cấm Thành.
Nhưng ý tưởng “trục Thăng Long” tại Hà Nội có thực tế với tham vọng Champs - Elysées hay trục Tràng An?
Ngay tại Việt Nam, kinh thành Huế được xây dựng bởi những triết gia phương Đông uyên thâm về phong thuỷ cũng đã tạo một trục đường Thần đạo nối đàn Nam Giao tới Ngọ Môn, dấu tích vẫn còn hiện là phố Điện Biên Phủ.
Trục Thăng Long có vị trí đầu tiên là trục giao thông đối lưu với trục Láng - Hoà lạc, tạo thành vòng khép kín nối trung tâm Hà Nội với các đô thị vệ tinh phía Tây. Với vị trí đặc biệt như vậy, lại ra đời sau cùng, có tính chủ động nên nó có cơ hội thực hiện không gian sáng tạo nhất trong bản quy hoạch.
Xây dựng một trục giao thông tốn kém trong hoàn cảnh kinh tế Hà Nội và cả nước chưa thuận lợi. Là một trong những đại diện ý tưởng “trục Thăng Long”, ông có tính tới hiệu quả kinh tế của đề xuất này?
Quy hoạch đòi hỏi có tầm nhìn. Ngay trong khó khăn thì đôi khi chính quy hoạch tạo ra cơ hội đầu tư để kích thích kinh tế phát triển. Trục đường lớn với viễn cảnh tốt sẽ thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng. Bài toán đổi đất lấy hạ tầng sẽ đáp ứng vốn đầu tư.
Trục đường lớn nhưng cả điểm xuất phát lẫn nơi đến đều chưa hình thành thì động lực nào để trục cảnh quan này có sức sống?
Bản đồ quy hoạch cho thấy trục đường này nối Hồ Tây với chân núi Ba Vì, cảnh quan hồ Suối Hai. Động lực xuất hiện đồng thời với hình thành trục đường - tự nó tạo cảnh quan, tạo sức hút. Khi kinh tế chưa phát triển, việc dự trữ đất đai để xây dựng theo quy hoạch là đúng quy luật kinh tế.
Đầu tư thu hồi đất chưa lớn thì thành phố chủ động làm được. Còn khi đã hội đủ các cơ hội thì giá trị đất sẽ cao, lúc đó ta không có đủ sức để đền bù GPMB. Như vậy là lại rơi vào sai lầm của việc phá vỡ quy hoạch.
Ngay cả khi chưa làm đường thì dải đất dài 30km, rộng từ 100 đến hơn 300m làm dải cây xanh giữ đất, làm công viên thì cũng tạo cảnh quan tốt.
Xin cảm ơn ông!
Anh Trần