Đôi chân độc đáo của cậu bé không tay

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Đôi chân độc đáo của cậu bé không tay

Gửi bàigửi bởi Theme Hunter » 16 Tháng 7 2010, 14:00

Vừa lọt lòng mẹ đã cụt mất hai cánh tay, những tưởng cậu sẽ là gánh nặng cho gia đình. Nào ngờ càng lớn cậu càng bộc lộ những khả năng khiến nhiều người kinh ngạc. Cậu có thể làm được rất nhiều việc trong nhà, ngoài ruộng, thậm chí thêu thùa, may vá chỉ bằng… đôi chân.

Đó chính là cậu học trò nghèo Nguyễn Minh Trí ở ấp Tây An, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang).

Vạn sự khởi đầu nan!

Năm 1993, trong cơn túng bấn của một gia đình đông con không ruộng rẫy, cậu bé Nguyễn Minh Trí - con ông Nguyễn Văn An và bà Quang Thị Hây chào đời. Ông Nguyễn Văn An - cha của Trí kể lại: “Do không có tay, cháu ngoan nên tôi đỡ phần la ó”.

Dường như cảm nhận được những bất hạnh mà mình phải mang nên năm lên sáu tuổi, Trí đã bắt đầu sinh hoạt tự lập. Em đã có thể tự mình tắm rửa, chải đầu, ăn uống mà không cần sự trợ giúp của người khác. Chẳng những vậy, Trí còn lẽo đẽo theo anh em trong gia đình làm được nhiều chuyện bất ngờ như bơi xuồng, nuôi ếch, thêu vá... cậu đều làm được tất bằng chính đôi chân của mình. Càng về sau Trí càng tập luyện cho đôi chân nhanh nhẹn và làm được nhiều việc trước sự ngỡ ngàng của gia đình và chòm xóm.


Khó nhất có lẽ là xuyên sợi chỉ qua lỗ kim rồi thêu trên vải. Một công việc vô cùng khó đối với nhiều người, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Tuy nhiên, cậu bé vẫn thực hiện hoàn hảo bằng chân, cho ra một sản phẩm như những người bình thường khác. (Ảnh: PLTPHCM)

Thấy anh chị được đi học, biết nhiều con chữ, Trí lần hồi tập theo. Mỗi ngày người ta cứ thấy thằng cu Trí hý hoáy chân với cây bút chì. Dần dà Trí cũng viết thạo 24 chữ cái. Và Trí xin ba mẹ cho đi học.

Ban giám hiệu Trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây nhận hồ sơ ghi danh Nguyễn Minh Trí vào trường mà không hề hay biết đã nhận một học sinh khiếm khuyết cả hai tay. Ngày đầu tiên đi học, mới đặt chân vào lớp, Trí đã gây sự chú ý cho các bạn cùng trang lứa và cả cô giáo đứng lớp. “Không có tay thì làm sao viết được mà học?” - cô giáo bảo. Biết con mình khuyết tật nên đích thân ông An đưa con nhập học để giải thích với thầy, cô giáo. “Trước những ánh mắt dò đoán của cả lớp, tôi nói thằng Trí đã viết được 24 chữ cái bằng chân rồi bảo Trí viết thử cho cô xem. Trí nó mau mắn dùng chân trái lật quyển vở ra, đưa hai ngón chân cái và trỏ kẹp lấy cây bút rồi viết một hơi chữ cái. Có vậy cô giáo mới chịu nhận dạy đó chứ!” - ông An kể lại.

Cũng ở năm học đầu đời, để “giải mã” tài năng của Trí, cô giáo lại gọi Trí lên bảng làm bài tập. Từ dưới cuối lớp, Trí đi lên bục giảng rồi... dùng chân phải làm chân trụ, đưa chân trái kẹp lấy viên phấn trắng viết một mạch vào tấm bảng...

“Ăn vóc học hay”

Không chỉ làm được “chuyện lớn”, Trí cũng rèn cho mình khả năng làm những chuyện tỉ mỉ, cần sự nhẫn nại. Công việc thêu thùa Trí làm rất khéo léo. Một chân giữ cây kim, chân còn lại Trí kẹp sợi chỉ rồi xuyên qua lỗ kim. Từng mũi, từng mũi chỉ được Trí luôn nhanh nhẹn, khéo léo trên mẫu vải thêu.

Trí cũng thể hiện cả khiếu hội họa. Ở bậc học cấp một, điểm môn vẽ, thủ công của Trí luôn đứng đầu lớp. Một số hình ảnh do Trí vẽ đã được nhiều giáo viên lấy treo trong lớp để các bạn học hỏi làm theo. Cô Lê Hồng Ngọc Rạng Đông, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A2, Trường THCS Thạnh Mỹ Tây, tự hào nói: “Trí dù bị tật không có hai tay nhưng học hành thì em thuộc hàng số một. Suốt sáu năm học qua, em luôn đạt học lực loại giỏi. Trí say học đến nỗi khi ngã bệnh mà còn gượng được là em vẫn đến trường. Do đó, chưa bao giờ giáo viên của trường phải bận tâm, nhắc nhở em về việc học.

Đứng ở góc độ của một giáo viên từng đứng lớp dạy Trí và là giáo viên chủ nhiệm hiện thời, tôi hoàn toàn ủng hộ việc biểu dương Trí như những tài năng thiên phú. Nếu mai sau gia đình Trí gặp khó khăn, không thể lo nổi cho em việc học hành, tôi sẽ là người sẵn sàng kêu gọi mọi người giúp đỡ cho em. Vì tôi suy nghĩ đơn giản rằng mẫu người chịu khó và thông minh như em Trí không phải dễ tìm thấy. Do đó, chúng tôi phải có trách nhiệm nâng niu, giúp đỡ để các em có thể trở thành người hữu dụng sau này”.


Cậu hy vọng việc học sẽ biến mình trở thành người “có chí thì nên”, tật nguyền nhưng không chịu thua số phận. (Ảnh: PLTPHCM)

Gặp Trí trong giờ học buổi chiều tại lớp 7A2, chúng tôi thấy em ngồi nhỏ thó ở một góc lớp. Bàn học của Trí cũng nhỏ bé và bình dị như bao bạn bè khác. Chỉ có điều bàn học của Trí được kê đến hai băng ghế. Toàn bộ vở học cần phải ghi chép em đều để dưới băng ghế ngồi, sách học em để hết lên bàn viết. Tất cả đều được thu xếp, thao tác bằng đôi chân của Trí. Khi được hỏi ước mơ của em sau này làm gì, Trí mỉm cười rồi lẳng lặng dùng bàn chân trái gắp lấy cây viết, chép nhanh bài học tiếng Anh khi thầy vừa viết ra trên bảng.

Mọi người gắng hết sức trong việc giúp Trí đến trường, mùa khô thì nhờ người đưa rước bằng xe đạp; ba tháng mùa nước nổi, gia đình trang bị cho Trí một chiếc xuồng chèo bằng chân để em chở tập sách đến trường trong từng buổi học. Tuy nhiên, bà Quang Thị Hây (mẹ Trí) vẫn tỏ ra lo lắng về con đường học vấn của con mình. “Gia đình tôi nghèo, lại không ruộng đất, quanh năm sống dựa vào những đồng tiền làm thuê nên chưa biết có lo nổi cho Trí học tiếp hay không. Cũng vì nghèo khó mà bốn đứa anh chị của nó chỉ mới học hết cấp một đều đã nghỉ. Bây giờ gia đình chỉ còn trông mong vào một mình nó thôi” - bà Hây tâm sự.

Theo Vĩnh Sơn
Pháp luật TP.HCM
Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Theme Hunter
 
Bài viết: 120
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 23:45


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến259 khách


cron