Thủ đô mới cần lưu giữ những nét đẹp riêng của Hà Nội “cũ”
GS Tom Wright là chuyên gia quy hoạch đô thị với hơn 20 năm kinh nghiệm về quy hoạch khu vực của Mỹ. Công việc của ông là lập ra những quy hoạch vùng ở khu vực siêu đô thị. Cuộc trò chuyện của ông lần này đặc biệt có ý nghĩa khi Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Quy hoạch Hà Nội mở rộng.
Ông nghĩ thế nào về vấn đề Thủ đô Hà Nội được mở rộng?
Tôi thấy phải xác định rõ những vấn đề chúng ta phải đối mặt. Nhiều người nói tắc nghẽn giao thông là vấn đề mang tính địa phương, nhưng thực tế là mang tính khu vực. Đó là luồng người đi vào, đi ra Hà Nội.
Việc mở rộng địa giới Hà Nội có thể là điều hợp lý nhưng chúng ta phải dõi theo những yếu tố làm cho Hà Nội xinh đẹp và làm cho người dân ở đây yêu quý nó.
Vậy khi lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng, theo ông, Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề gì để Thủ đô vẫn xinh đẹp trong mắt mọi người?
Khi mở rộng, các bạn cần lưu giữ những nét đẹp riêng của Hà Nội, dù không phải mọi thứ phát triển theo lối độc đáo riêng biệt. Mọi thứ ở thành phố này phải thực sự thuộc về thành phố, và nó xuất hiện ở đây vì nó thực sự phản ánh nét đẹp Hà Nội.
Trong quy hoạch, phải nhận diện được những nét đẹp độc đáo của Hà Nội và bảo tồn, duy trì những đặc điểm riêng của từng khu dân cư. Vấn đề Quy hoạch và cách thức xây dựng quy hoạch rất quan trọng để tạo nên sức mạnh để tiến hành cho một thành phố mở rộng.
Nếu như các tòa nhà giống hệt như tòa nhà khác bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào, tôi nghĩ nó không cần có mặt ở Hà Nội. Ở Mỹ, chúng tôi có những quy hoạch quá đà cho các khu đô thị nên bất cứ căn nhà nào cạnh nhau đều có giá trị y nhau. Ngay khi người dân có đủ tiền để ở nhà đẹp hơn thì không tự cải tạo nhà mà chuyển sang khu giàu hơn. Cứ thế họ chuyển nhà liên tục. Điều đó khiến nước Mỹ không thể nào tạo ra đặc điểm cộng đồng dân cư mà Hà Nội có.
Nhưng làm thế nào để có một quy hoạch hài hòa cho phát triển thành phố khi đã mở rộng gấp hơn 3 lần hiện nay, thưa ông?
Sự khác biệt về đặc điểm địa lý trong một địa giới thành phố lớn là điều có thể hiểu. Quy hoạch cần dựa trên chiến lược phát triển thành phố trong đó làm rõ khu vực nào cần phát triển gì và khu vực nào không.
Ở San Francisco, khi xây dựng chiến lược phát triển mới vào những năm 1980, việc đầu tiên họ làm là xác định đâu là điểm độc đáo khác biệt của thành phố. Họ thấy rằng đặc điểm lớn nhất của thành phố là những ngọn đồi và họ quyết định làm nổi bật những ngọn đồi đó.
Cuối cùng họ đưa ra quyết định trong quy hoạch cụ thể rằng bạn có thể xây dựng những tòa nhà cao ốc ở đỉnh đồi, và đảm bảo rằng những tòa nhà ở lưng đồi thấp hơn, thoai thoải theo sườn đồi. Đó là một chiến lược tuyệt vời.
Tôi không nói rằng các bạn nên áp dụng điều này với Hà Nội, nhưng các bạn cần nghĩ điểm nào là nét độc đáo của Hà Nội và khu vực ngoại vi, chỉ ra quy hoạch như thế nào để bảo tồn những khác biệt độc đáo ấy.
Với riêng Hà Nội hiện nay, ông thấy điều gì còn trăn trở?
Nếu chỉ có một vài ngày ở đây mà đưa ra lời nhận xét đầy đủ thì quả là thiếu trách nhiệm. Nhưng theo tôi, Hà Nội cần phải hiện đại hóa tất cả các điều kiện về hạ tầng. Hà Nội hiện đã có hệ thống xe buýt nhưng cần phát triển mạnh hơn, với hệ thống đường dành riêng cho xe buýt để giúp người dân đi lại xung quanh thành phố.
Song tôi thấy, các bạn có kế hoạch xây dựng khá nhiều các tòa cao ốc, trong khi lại thiếu chỗ để người ta nghỉ chân, thiếu không gian cây xanh, hồ bơi, bể nước để nghỉ ngơi.
Cần mở rộng không gian nhiều hơn, vì suy cho tới cùng, quy hoạch là nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sống của con người. Một bản đồ quy hoạch không chỉ vẽ hệ thống đường xá mà còn là hệ thống không gian mở, cây xanh và công viên.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương