Những chiến sĩ “cõng” thuyền vượt dãy Trường Sơn
Dãy Trường Sơn trong bom đạn chiến tranh (Ảnh minh họa: tin247.com)
Bác Lê Công Thú, tiểu đội trưởng tiểu đội 1, đại đội 7 Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình nhớ lại: trước năm 1965, đường 16 lúc này còn nhỏ, chỉ rộng 1,5m, vách núi cheo leo, hơn nữa đến mùa mưa việc vận chuyển gặp vô vàn khó khăn, nhiều khi bị tắc nghẽn giao thông do nước lũ chia cắt.
Trước thực tế đó, vào mùa mưa năm 1965 cấp trên đã điều động đại đội 7 TNXP (thuộc Công trường 16) đảm nhận việc đưa những chiếc thuyền từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, đến sông Sê Băng Hiên thuộc nước bạn Lào để vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là một quyết định rất sáng suốt và táo bạo, độc đáo trong việc giữ vững mạch máu giao thông, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam mà Mỹ nguỵ không thể ngờ tới.
Để đưa được những chiếc thuyền dài 6 đến 7m, nặng trên 5 tạ vượt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn là cả một kỳ tích. Gian nan và nguy hiểm nhất là cung đường vượt đèo Nghìn Linh Một (đèo cao trên 1.001m so với mực nước biển) bởi độ dốc rất lớn, lại nhiều cua hẹp. Có nhiều đoạn đường quá hẹp lại cua gấp, các chiến sĩ TNXP phải mở rộng thêm đường bằng cách chặt cây rừng ốp vào vách núi để đường rộng thêm ra. Biết là sẽ rất nguy hiểm bởi nếu có sự cố, những cây rừng ốp vào vách núi sẽ bị sập, toàn bộ người và thuyền có thể bị rơi xuống vực sâu, nhưng dù nguy hiểm cũng không làm chùng bước những chiến sĩ TNXP Đại đội 7 TNXP thuộc Công trường 16 Quảng Bình.
Tại những khúc cua, khi các TNXP đưa được phần đầu thuyền qua được thì đuôi thuyền lại bị đẩy ngược ra phía vách núi, những người phía đuôi thuyền rất dễ bị bật ra khỏi đường vận chuyển, rơi xuống vực thẳm. Các chiến sĩ phải đẩy, phải vần chiếc thuyền từng cen ti mét, chỉ cần một chút sơ sẩy là thuyền có thể bị rơi xuống vực và nguy hiểm đến tính mạng của đồng đội.
Đã có chiến sĩ phải hy sinh tính mạng của mình để ghìm thuyền lại, quyết không để thuyền bị rơi xuống vực. Anh Lê Văn Sơn, quê xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là tấm gương hy sinh anh dũng như vậy. Khi đó, các chiến sĩ của ta đang vận chuyển một chiếc thuyền đến đèo Nghìn Linh Một, tại một khúc cua rất hẹp, khi đẩy được đầu thuyền về phía vách núi thì đuôi thuyền lại bị đẩy ngược ra phía vực, loay hoay mãi vẫn chưa đẩy thuyền qua được khúc cua. Khi đó, các chiến sĩ phải đẩy thật mạnh đầu thuyền để thuyền sát vách núi rồi dần dần vần, đẩy thuyền qua khúc cua. Trong thời khắc đó, đuôi thuyền cũng bị đẩy ra sát bờ vực, không thể để thuyền rơi xuống vực, anh Sơn đã dũng cảm ghìm đuôi thuyền lại. Nhưng lực đẩy quá mạnh khiến anh Sơn bị bật ra khỏi đường và rơi xuống vực sâu 20-30m. Con thuyền được bảo vệ an toàn nhưng anh Sơn đã anh dũng hy sinh.
Không giấu được xúc động, bác Thú bộc bạch, chiến tranh là khắc nghiệt, không tránh được hy sinh mất mát, nhưng trong chiến đấu, tình cảm anh em, đồng chí, đồng đội gắn bó thương yêu nhau. “Quyết không thể để đồng đội của mình nằm cô đơn, lạnh lẽo dưới vực sâu, anh em chúng tôi không quản nguy hiểm buộc dây xuống vực sâu hàng chục mét để đưa thi thể anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh Sơn đã được Nhà nước phong tặng liệt sỹ và kỷ niệm chương TNXP. Tháng 11/2009 anh Sơn đã được phong tặng kỷ niệm chương Trường Sơn”, bác Thú kể.
Với lòng quả cảm của các chiến sĩ TNXP, chỉ trong vòng một tháng, tiểu đội của bác Thú đã vận chuyển được 20 chiếc thuyền còn nguyên vẹn đến sông Sê Băng Hiên, hình thành một đội thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam rất hiệu quả, an toàn và bí mật.
Trước chiến công này, tập thể Đại đội 7, Công trường 16 TNXP Quảng Bình đã được trao tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc vận chuyển thuyền và các dụng cụ khác chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trịnh Duy Hưng
TTXVN