Từ các vật dụng tưởng chỉ là đồ phế liệu, ông Trần Công Phúc, một công nhân về hưu của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, đã dày công phục chế theo ý tưởng và hình dáng của những chiếc quạt cách đây hàng thế kỷ. Sản phẩm của ông hiện đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Tư gia của ông Phúc ở 41 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của giới chơi đồ cổ. Khách hàng tới đây phần lớn đều là những bậc trí thức, Đại sứ quán và chủ các khách sạn lớn. Cái mà họ tìm được ở những sản phẩm của ông không chỉ đơn thuần là một vật dụng làm mát mà còn là đồ trang trí trong nhà thể hiện thú chơi sang.
Cái duyên nghề đến với ông Phúc thật tình cờ. Đó là vào năm 1992, khách sạn Metropol phải phá đi và bán đồ thanh lý. Thấy rẻ, lại vẫn còn bền, ông chợt nảy ra ý định sẽ dùng tay nghề bậc 7/7 của một công nhân cơ khí để phục chế theo những chiếc quạt cổ của Italiy, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hà Lan... mà ông đã từng thấy ở đâu đó qua sách báo. Tưởng chỉ để thỏa thú vui, không ngờ, một người khách nước ngoài đi qua, vô tình nhìn thấy đã ngỏ ý muốn mua lại. Và ý tưởng "làm đẹp" cho quạt cũng đến với ông kể từ đó.
Chiếc quạt này có xuất xứ từ nước Anh và đầu thế kỷ 20. |
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông phải thường xuyên tìm đến những người có tay nghề cao để học hỏi. Thậm chí, ông còn dành nhiều tháng trên Thư viện Quốc gia để nghiên cứu về văn hóa và từng giai đoạn lịch sử của các nước, rồi từ đó đem vào áp dụng. Tâm sự về nghề, ông cho biết các công đoạn để phục chế một chiếc quạt khá phức tạp, từ ngâm hóa chất để tẩy trắng, làm lại bạc, tuốc-năng, quấn dây, đánh bóng đến sơn lại cho mới. Công việc tuy không quá vất vả song lại đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì, chịu khó tìm tòi ở người thợ. Lúc thuận buồm xuôi gió thì chỉ vài ba ngày đã làm xong một chiếc quạt nhưng cũng có khi phải mất cả tháng trời vì thiếu linh kiện có cùng kích cỡ. Ông quan niệm: "Dù có sáng tạo đến đâu nhưng vẫn cần phải có những kiến thức nhất định để không làm mất đi vẻ vốn có của nó".
Nguyễn Hoài